Vượt lên những khó khăn khuyết tật bẩm sinh, lực sĩ Lê Văn Công đã phấn đấu giành nhiều thành tích cao trong các cuộc thi thể thao. Đặc biệt, đằng sau các cuộc thi đấu, Lê Văn Công còn là nhà vô địch của nỗ lực vươn lên vượt qua nghịch cảnh và lan tỏa lòng nhân ái tới cả cộng đồng.

Lực sĩ Lê Văn Công (trái) là niềm hy vọng Vàng của thể thao NKT Việt Nam tại ASEAN Para Games 11.
Lực sĩ Lê Văn Công (trái) là niềm hy vọng Vàng của thể thao NKT Việt Nam tại ASEAN Para Games 11.

Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á 2022 sẽ diễn ra từ ngày 26-7 đến 7-8 tại Indonesia. Trong đó, Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam sẽ tham dự với 153 thành viên gồm 17 HLV và 120 VĐV. Các nội dung tranh tài đại hội mà Đoàn Việt Nam tham gia bao gồm điền kinh, bơi, cử tạ, cầu lông, bóng bàn, cờ vua, judo và bắn cung.

Lãnh đạo thể thao các cấp và các VĐV thể thao khuyết tập chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài Hồ Chủ tịch tại Lễ  Lễ xuất quân cho các VĐV người khuyết tật tham dự Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á 2022 – ASEAN Para Games 11
Lãnh đạo thể thao các cấp và các VĐV thể thao khuyết tập chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài Hồ Chủ tịch tại Lễ Lễ xuất quân cho các VĐV người khuyết tật tham dự Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á 2022 – ASEAN Para Games 11

Tại Para Games 11 lần này, Lê Văn Công cùng các VDV Châu Hoàng Tuyết Loan, Đặng Thị Linh Phượng là niềm hi vọng của cử tạ. Còn Cao Ngọc Hùng, Nguyễn Thị Hải là nhương gương mặt triển vọng hi vọng đem huy chương về cho Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam. Mục tiêu tại đại hội lần này, Việt Nam đặt mục tiêu thành tích 40 HCV, 60 HCB.

Lê Văn Công: VĐV khuyết tật không đầu hàng số phận

Mặc dù đôi chân teo tóp do khuyết tật bẩm sinh, nhưng lực sĩ cử tạ khuyết tật Lê Văn Công không đầu hàng số phận. Cuộc đời càng khó khăn, anh càng quyết tâm vượt lên trong cuộc sống và trên sàn đấu, nhiều lần mang vinh quang về cho Tổ quốc ở các giải thể thao người khuyết tật châu lục và thế giới.

Lúc mới chào đời, đôi chân của Lê Văn Công đã bị teo tóp do mẹ anh bị sốt xuất huyết lúc mang thai. Lớn lên trong gia cảnh nghèo khó và mặc cảm bởi những ánh mắt thương hại, Lê Văn Công không dám đi đâu, chỉ quanh quẩn trong nhà.

Vận động viên Lê Văn Công trong cuộc sống đời thường
Vận động viên Lê Văn Công trong cuộc sống đời thường

Đến tuổi trưởng thành, nhìn cha mẹ ngày ngày lao động vất vả lo cho 5 người con, anh suy nghĩ: “Không thể cứ sống bám cha mẹ, yếu chân, còn tay, phải làm việc gì đó, ít ra lo được cuộc sống của mình”. Nghĩ là làm, Lê Văn Công đã một mình vào Nam đăng ký học sửa chữa điện tử tại Câu Lạc bộ Hướng nghiệp khuyết tật trẻ của TP HCM năm 2005.

Ngoài giờ học, Công xin chà giấy nhám ở các xưởng mộc để kiếm tiền lo sinh hoạt hàng ngày. Ra trường không xin được việc, anh tranh thủ đánh máy thuê, học thêm chỉnh sửa hình ảnh trên vi tính tại câu lạc bộ khuyết tật trẻ. Thật tình cờ, mọi người ở câu lạc bộ giới thiệu sang tập tại Trung tâm Văn hóa thể thao quận Tân Bình, anh bén duyên với bộ môn cử tạ từ đó.

Lan tỏa tấm lòng vàng

Hơn ai hết, Lê Văn Công hiểu rất rõ những trở ngại, thách thức trong cuộc sống mà những người khuyết tật, tàn tật và có hoàn cảnh khó khăn phải đối mặt.

“Với người bình thường, việc lao động mưu sinh cuộc sống đã khó, còn với người khuyết tật thì khó khăn còn nhiều gấp bội. Kể từ khi học việc, rồi đến lúc bén duyên với môn cử tạ thi đấu ở các giải thể thao người khuyết tật trong nước và quốc tế, đó là một quá trình phấn đấu rất bền bỉ và gian nan, nhưng tôi luôn tự nhủ, càng khó khăn thì càng phải cố gắng.”, Lê Văn Công từng chia sẻ.

Lực sĩ Lê Văn Công tặng 125 triệu đấu giá HCV cho nữ sinh bị ung thư

Nhớ lại giai đoạn 2020-2021, dịch Covid bao trùm lên toàn xã hội, khó khăn càng chồng chất khó khăn, Lê Văn Công cũng góp chút sức lực đến cộng đồng. Ngay ở những đợt thu hoạch đầu tiên, Lê Văn Công đã gửi món quà là 2.000 trái bắp “Nữ hoàng đỏ” tới những người đồng đội là các VĐV thể thao người khuyết tật đang tập luyện tại Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng và sau đó còn gửi tới trang trại trẻ mồ côi tại TP Hồ Chí Minh với mong muốn chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong lúc dịch bệnh.

Trước đó, vào đầu tháng 11/2019, Lê Văn Công đã quyết định đấu giá tấm HCV giành được tại Giải vô địch thế giới vào năm 2016 trên mạng xã hội để lấy tiền ủng hộ cho cô bé hàng xóm chữa bệnh ung thư. Tấm HCV sau đó được anh Nguyễn Thiện (quận 7, TP Hồ Chí Minh) mua với mức giá 125 triệu đồng và toàn bộ số tiền đã được Lê Văn Công trao lại cho gia đình bé Đoàn Thị Bích Hương để cô bé được điều trị tốt hơn.

Câu chuyện về tấm HCV được đấu giá và nhiều nghĩa cử đẹp của Lê Văn Công đã lan tỏa tình yêu thương, tinh thần tương thân tương ái tới toàn xã hội. “Bằng việc làm cụ thể và sự cố gắng của mình, tôi mong muốn đem tới nguồn cảm hứng cho mọi người trong xã hội, nhất là những người khuyết tật. Tất cả hãy tự mình cố gắng, cùng khích lệ và giúp đỡ nhau để vượt qua khó khăn từ dịch bệnh và cuộc sống”, Lê Văn Công hy vọng.

Tượng đài làng thể thao Việt Nam

Bộ sưu tập danh hiệu của Lê Văn Công có đủ huy chương vàng giải vô địch thế giới và các đại hội thể thao quy mô từ khu vực (ASEAN Para Games), châu lục (Asian Para Games) đến toàn cầu (Paralympic).

Cuộc hành trình vươn đến đỉnh cao thế giới của lực sĩ quê Hà Tĩnh bắt đầu từ năm anh 21 tuổi. Đến bây giờ công việc chính của nhà vô địch Paralympic vẫn là sửa chữa và bán đồ điện tử.

Điều phi thường ở Lê Văn Công là anh giành tấm huy chương bạc ở đại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc vào năm 2005, khi chỉ mới tập cử tạ vài tháng. Hai năm sau, anh giành huy chương vàng ASEAN Para Games với thành tích 152,5 kg, một con số vẫn còn khiêm tốn để đem so với các đấu trường cấp cao hơn.

Lê Văn Công được mọi người yêu mến xem như một tượng đài của thể thao khuyết tật Việt Nam.
Lê Văn Công được mọi người yêu mến xem như một tượng đài của thể thao khuyết tật Việt Nam. Anh là VĐV người khuyết tật Việt Nam đầu tiên vô địch Paralympic, cùng bộ sưu tập huy chương đồ sộ từ khu vực, châu lục đến thế giới ở môn cử tạ.

Sự nghiệp thể thao của Lê Văn Công suýt phải dừng lại khi anh gặp một chấn thương vai rất nặng, phải nghỉ thi đấu tới 3 năm. Tuy nhiên, sau biến cố đó mới là giai đoạn đỉnh cao của lực sĩ sinh năm 1984 này.

Anh liên tiếp lập kỷ lục thế giới trong năm 2015 và 2016. Mức tạ 183,5 kg cao hơn tới 31 kg so với thành tích ở ASEAN Para Games 9 năm trước đó và được Lê Văn Công chinh phục khi đã 32 tuổi. Cũng trong năm 2016, anh giành tấm huy chương vàng đầu tiên cho thể thao Việt Nam tại đấu trường Paralympics với thành tích 183 kg.

Câu chuyện về nghị lực phi thường của Lê Văn Công vẫn không dừng lại. Lê Văn Công không bảo vệ được tấm HCV ở Paralympic Tokyo 2020, nhưng cũng không chịu thua bất cứ VĐV nào. Anh chỉ chịu thua đối thủ người Jordan vì cân nặng cao hơn 100 gam.

Chiếc HCB giải châu Á mở rộng 2022 vẫn là thành tích đáng khen đối với Công bởi anh vẫn chưa hoàn toàn bình phục chấn thương vai.
Chiếc HCB giải châu Á mở rộng 2022 vẫn là thành tích đáng khen đối với Công bởi anh vẫn chưa hoàn toàn bình phục chấn thương vai.

Gần đây nhất Lực sĩ cử tạ Lê Văn Công thi đấu xuất sắc giành Huy chương bạc hạng cân 49kg nam tại Giải vô địch cử tạ người khuyết tật châu Á mở rộng 2022 ở Pyeongtaek (Hàn Quốc). Nam lực sĩ của thể thao người khuyết tật Việt Nam đã đạt kết quả tốt nhất là 173kg, qua đó xếp hạng nhì, giành Huy chương bạc. Còn lực sĩ Qarada Hamadeh đã xuất sắc đạt thành tích 175kg, giành Huy chương vàng.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thiệt thòi nhưng Nguyễn Văn Công đã chưa bao giờ ngừng nỗ lực và chứng minh bản thân mình, những cố gắng của anh đều đã được đền đáp xứng đáng.

Yên Nhi. Ảnh T.H

Theo: Xe và Thể Thao

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link