Sắp khai mạc giữa thời điểm nước Pháp bất ổn, Liên hoan phim Cannes lần 76 còn bị ảnh hưởng từ vụ 11.500 biên kịch Mỹ đình công, gây khó khăn chung cho quá trình sản xuất phim.

Tháng trước, Croisette, đại lộ sầm uất đóng vai trò huyết mạch của thành phố Cannes (Pháp), trong quá trình sửa chữa khiến nó trở thành mê cung, khó đi lại. Nhưng khi Liên hoan phim (LHP) Cannes đến gần, các công nhân đã chạy đua để hoàn thành công việc, và quan chức thành phố hy vọng rằng Croisette sẽ trở lại nhộn nhịp cho buổi khai mạc vào ngày 16/5.

Tuy nhiên, theo Variety, Cannes phải đối mặt vấn đề khác khó vượt qua. Đó là vụ 11.500 thành viên của Hiệp hội Biên kịch Mỹ (WGA) đình công. Với tình hình này, việc sản xuất phim chắc chắn bị ảnh hưởng. Nếu Liên minh các nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình (AMPTP) không thông qua đề xuất mới của WGA sau khi hợp đồng của họ hết hạn vào tháng 6, diễn biến sẽ còn căng thẳng hơn.

“Không chỉ là sự kiện giới thiệu, quảng bá các bộ phim mới nhất, LHP Cannes còn là thị trường để các công ty mua kịch bản, bán những bộ phim đã hoàn thành. Người trong nghề tự hỏi, cuộc đình công sẽ ảnh hưởng ra sao đến thương vụ kinh doanh này”, tạp chí Mỹ viết.

Poster chính thức của LHP Cannes lần thứ 76 là hình minh tinh Catherine Deneuve đứng trên bãi biển Pampelonne, gần Saint-Tropez, nước Pháp. Ảnh: Cannes.

Số phận khó đoán của các phim ở Cannes

Nhà sản xuất Glen Basner, người đứng đầu công ty sản xuất phim FilmNation Entertainment, phát biểu: “Đã lâu rồi mới xảy ra cuộc bãi công của các biên kịch, vậy nên thật khó để tưởng tượng tác động sẽ nghiêm trọng đến mức nào”.

Theo Basner, câu hỏi dành cho những bộ phim đang được bán ở khâu kịch bản là liệu kịch bản đó đã hoàn thành hay cần phải chỉnh sửa thêm. Nếu kịch bản được viết lại, vấn đề là khi nào nó sẽ được dựng thành phim. Bởi, thị trường hiện giờ không đủ nhân lực làm việc.

Những người khác tin rằng tác động thực sự từ cuộc đình công sẽ không được nhìn thấy ngay thời điểm các CEO của hãng phim tới Pháp, vì thực tế, nhiều công ty đã dự trữ hàng loạt dự án để phòng tình trạng khan hiếm phim.

Trong khi đó, một số nhân vật kỳ cựu dự đoán vụ đình công dễ làm tăng giá danh sách phim đã quay hình xong hoặc kịch bản vừa mới hoàn thành, vì các hãng và dịch vụ phát trực tuyến vẫn cần phim để phát hành liên tục.

“Không chỉ tham dự các buổi ra mắt hoành tráng, tại Cannes, giám đốc các hãng còn tập trung trong căn hộ cao cấp để đọc kịch bản, xem qua những thước phim hấp dẫn từ nhiều dự án khác nhau. Họ cân nhắc mua nếu thấy tiềm năng của một tác phẩm nào đó”, Variety cho hay.

Tuy nhiên, danh sách phim năm nay (thương mại và độc lập) vẫn là bài toán khó chưa có lời giải. Các ông lớn chưa phát hiện tiềm năng thực sự của phim nào, kể cả Cliffhanger do Sylvester Stallone đóng chính hay phim May December. Họ cũng chẳng dám mạnh miệng khẳng định tác phẩm nào phù hợp với thị trường sau đại dịch.

Mặc dù rạp chiếu từng bước được phục hồi nhờ The Super Mario Bros. Movie, Avatar: The Way of Water, Top Gun: Maverick (ra mắt tại LHP Cannes năm ngoái), những phim khác vẫn chật vật tìm kiếm khán giả. Đơn cử, The Fabelmans – ứng viên tranh giải năm ngoái – và The Banshees of Inisherin, ghi nhận doanh thu nhỏ giọt. Chỉ có Everything Everywhere All at Once, với tổng doanh thu toàn cầu 140 triệu USD, là tia sáng duy nhất.

“Tình hình đang khó khăn hơn bao giờ hết”, Tom Bernard, đồng sáng lập công ty Sony Pictures Classics, thở dài nói. Ông phân tích thêm: “Chúng ta không thiếu các bộ phim tuyệt vời, nhưng cần phải đan cài thêm yếu tố hấp dẫn để chúng nổi bật giữa thị trường, ví dụ yếu tố văn hóa chẳng hạn. Nếu chỉ đơn giản là một phim được sản xuất chỉn chu, nó sẽ không tạo tiếng vang và bị các bên mua ngó lơ”.

Nhiều vấn đề bất ổn

Trước đây, các nền tảng phát trực tuyến như Netflix, Amazon Prime Video, Apple TV+ tăng giá dịch vụ vì họ phải chi hàng chục triệu USD để mua phim trong khuôn khổ các liên hoan phim khác nhau, không chỉ riêng tại Cannes. Thế nhưng, cổ phiếu của Netflix bị ảnh hưởng nặng nề do mô hình kinh doanh không đủ sinh lời. Trong khi Amazon và Apple đầu tư vào sản phẩm gốc, nhiều tác phẩm trong số đó được chiếu rạp trước khi phát hành trực tuyến.

LHP Cannes lại đi ngược xu hướng. Họ kiên quyết bảo vệ trải nghiệm xem phim rạp khi từ chối chiếu các phim phát hành độc quyền trên Netflix tham gia tranh giải. Việc chiếu phim trên màn ảnh rộng được cho là sẽ nâng tầm danh tiếng của Cannes.

Theo Variety, đại dịch Covid-19 làm thay đổi thị trường theo nhiều cách. Hàng tá phim có sẵn được chờ mua ở Cannes với giá cao ngất ngưởng nhưng số lượng các hãng phim đồng ý bỏ tiền để sở hữu là không nhiều. Pia Patatian, Chủ tịch của Arclight Films, cho biết: “Các nhà phân phối nội địa của Mỹ đang gặp khó khăn. Họ không mua phim nhiều như trước. Tại thị trường Berlin, họ từng mua 10 hoặc 15 phim, nhưng bây giờ con số chỉ dưới mức 5”.

Bà phân tích thêm: “Tất cả người mua đều phàn nàn về giá, nhưng các bạn không thể tưởng tượng được giá ở mọi nơi đều tăng lên chóng mặt. Diễn viên nhận cát-xê cao hơn, chi phí sản xuất phim trong thời dịch đắt đỏ hơn. Do vậy, giá trị một bộ phim hiện nay đắt hơn bao giờ hết”.

Theo Variety, không chỉ làn sóng đình công, hậu quả của Covid-19 và lạm phát đã khiến các mùa lễ hội, liên hoan phim lâm vào khốn đốn.

Đó là chưa kể trước thềm diễn ra LHP Cannes lần thứ 76, nước Pháp ghi nhận tình trạng bất ổn lao động khi lực lượng công nhân nước này tiếp tục biểu tình chống lại chính sách kinh tế, trong đó có việc tăng tuổi nghỉ hưu.

Denis Gravouil – quan chức của liên đoàn lao động CGT, đồng thời nằm trong ban điều hành LHP Cannes – cho biết một loạt các hoạt động xã hội, bao gồm cả biểu tình, sẽ diễn ra trong thời điểm tổ chức liên hoan phim. “Liên hoan phim sẽ làm mọi cách để cải thiện tình hình”, ông nói.

Bên cạnh các cuộc biểu tình của công nhân, CGT đe dọa cắt điện của các lễ hội và sự kiện lớn khác ở Pháp trong tháng 5. Như vậy, LHP Cannes cũng phải tìm cách để ứng phó.

Theo Quốc Minh (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link