Nhiều người từ bỏ thói quen xem phim dài tập, chuyển qua phim ngắn phát trên các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, nhiều bộ phim có nội dung phản cảm.

Khi cả thế giới đều thu vỏn vẹn trong một chiếc điện thoại thì chẳng khó khăn gì những nội dung trên mạng, trong đó có những thứ gọi là phim nhưng được sản xuất với mục đích là câu khách dễ dàng đến với mọi đối tượng, lứa tuổi. Một điều nguy hiểm, hầu hết trong số này là các bạn trẻ, non nớt chưa kịp hoàn thiện về kỹ năng cũng như vốn sống.

Phim ngắn phản cảm nở rộ

Về bản chất, phim ngắn không xấu. Đó là sản phẩm nội dung số cho phép người xem những gì họ thích; diễn viên, quay phim, sản xuất, hậu cần, hậu kỳ được tập luyện, làm việc; các nhãn hàng quảng bá; xã hội có thêm các sản phẩm giải trí… Nhà sản xuất chỉ cần đăng lên các website như YouTube và đợi trong ít phút là đã có thể tiếp cận với lượng người xem đông đảo. Bên cạnh đó, web drama đem lại doanh thu “khủng” định kỳ với việc bán quảng cáo, hợp tác với các nhãn hàng tài trợ…

Có một điều đặc biệt, những bộ phim ngắn được đầu tư, nội dung mang tính giáo dục thường không thu hút được nhiều người xem. Chính vì để tăng lượng theo dõi, nhiều nhà sản xuất đã không ngần ngại cho ra những sản phẩm mà nhiều chuyên gia cho rằng nó phản cảm, tác động lớn đến tâm lý của người xem. Những bộ phim ngắn này có nội dung kịch bản, có diễn viên và thậm chí có cả đạo diễn. Nội dung phim thường khai thác những góc tối của đời sống xã hội như: cướp vợ cướp chồng; mẹ chồng nàng dâu (thường là mô tuýp mẹ chồng hành hạ con dâu như thời phong kiến hoặc con dâu coi thường mẹ chồng nhà quê); bạn bè khi giàu có coi thường nhau và thậm chí là những câu chuyện loạn luân…

Những nội dung phản cảm, đen tối và vi phạm chuẩn mực đạo đức này được nhiều ê kíp phim ngắn chú trọng khai thác. Điều đáng nói, những video này có lượng tiếp cận ít thì vài chục, vài trăm nghìn view, nhiều có khi lên tới vài triệu view. Theo tìm hiểu của phóng viên, khán giả chủ yếu của loại phim ngắn Drama này lại chủ yếu là trẻ em, trẻ em vị thành niên, thanh niên.

Trong các video về “trà xanh” thường có mô tuýp bạn thân cướp chồng, cướp vợ. Đến khi bị phát hiện chính thất sẽ lao vào giật tóc, bạt tai, về phần “trà xanh” thường trơ trẽn thách thức với những lời lẽ thô bỉ.

Bên cạnh đó thì những phim ngắn về quan hệ “mẹ chồng nàng dâu” cũng chiếm sóng quá nhiều trên các nền tảng mạng xã hội. Ê kíp làm phim thường dựng lên hình ảnh bà mẹ chồng không khác gì một mụ phù thủy, đối xử, hành hạ con dâu hơn cả thời phong kiến. Đơn cử như trong một phim ngắn với tiêu đề “Phẫn nộ mẹ chồng hành hạ con dâu ở cữ và cái kết bất ngờ”, người mẹ chồng đã có những hành xử “không thể tưởng tượng” với cô con dâu của mình. Cụ thể, bà này nấu một bát móng giò lên rồi ngồi ăn trước mặt con dâu. Vừa ăn vừa hỏi “có thèm không”? đến khi ăn gần hết thì bà ta đổ bát canh vào miệng con dâu rồi nói “ăn đi, ăn đi”. Khi cô con dâu nói, vừa sinh xong muốn kiêng nước thì bà ta lôi con dâu ra gần bồn rửa bát và dí đầu cô con dâu xuống đó rồi hét lên: “Này thì kiêng này”.

Những hình ảnh đó thực sự đã đi lệch chuẩn với giá trị đạo đức truyền thống của người Việt Nam. Nhất là khi chúng ta đang sống trong một xã hội hiện đại, phụ nữ đang ngày càng đòi hỏi sự công bằng.

Cũng là quan hệ mẹ chồng nàng dâu, bên cạnh những phim ngắn về nội dung mẹ chồng hành hạ con dâu thì cũng có không ít những video thể hiện sự coi thường của nàng dâu phố đối với những bà mẹ chồng từ quê lên chơi hay lên ở cùng. Sự coi thường ấy thể hiện bằng việc nàng dâu coi mẹ chồng như ô sin, sai bảo đủ điều. Thế nhưng trước mặt chồng, những nàng dâu ấy lại “lột xác” thành những cô tấm ngoan hiền, hiếu thảo hết mực.

Đề tài “coi thường chủ tịch và cái kết” cũng được nhiều ê kíp làm phim ngắn khai thác triệt để. Hầu hết video này thường có kết thúc “bất ngờ” nhưng ai cũng đoán được. Mô tuýp quen thuộc vẫn là chủ tịch giả nghèo khổ, gặp lại bạn bè cũ bị bạn bè coi thường và xỉ vả. Thật khó hiểu khi một người bạn “nghèo khổ” đến họp lớp hay vô tình gặp lại bạn bè cũ ở một nơi nào đó lại bị bạn bè – những người được coi là thành đạt, giàu có lao vào chửi bới, thóa mạ. Đây là điều hoàn toàn đi ngược với bản tính vốn trọng tình cảm của người Việt Nam.

Điều đáng lên án hơn cả là có những ê kíp làm phim ngắn còn khai thác cả những đề tài loạn luân như bố chồng đòi quan hệ với con dâu sau khi biết rõ xuất thân con dâu trước đó từng làm nghề “đứng đường”.

Thành lập Tổ công tác quản lý, xử lý phim chiếu mạng

Một thống kê mới nhất của ngành chức năng, đến cuối năm 2022, Việt Nam có tới 65 triệu tài khoản Facebook, 6 triệu tài khoản Youtube và khoảng 20 triệu tài khoản TiTok. Chính vì thế cuộc “chiến” giữa các kênh để hút người xem là khốc liệt. Việc xin view, mua view, kéo view được xem là thước đo nên cũng trở thành sức ép lớn đối với web drama. Một số người, trong đó có nhiều “ê kíp” nghiệp dư cố gắng câu kéo lượng người xem, bất chấp việc đưa ra những nội dung phản cảm và độc hại.

Chúng ta đã từng chứng kiến những đoạn video gợi dục, phim bị cấm trình chiếu, nhưng vẫn bị lọt ra môi trường mạng, bị phát tán với mức độ khủng khiếp, thu hút hàng chục nghìn đến vài triệu người xem. Điều đó có thể thấy những “lỗ hổng” của mạng xã hội cũng như quy định pháp luật về lĩnh vực này còn nhiều kẽ hở. Suốt một thời gian dài, những bộ phim, clip tự đăng tràn lan trên mạng rất ít bị kiểm soát. Nếu có thì rất ít trong số đó bị kiểm tra, xử phạt, mà chế tài xử phạt hành chính thì chưa đủ sức răn đe.

Đơn cử cơ quan chức năng cũng đã xử phạt một số đơn vị, như trang web http://lifetv.vn đăng tải phim “Vụ thảm sát số 6” bị phạt số tiền 25 triệu đồng và buộc gỡ bỏ; “Căn hộ số 69” đã vi phạm việc chiếu phim khi chưa được phép, bị phạt 10 triệu đồng; Cơ quan chức năng đã xử phạt 30 triệu đồng đối với đối tượng Trà Ngọc Hải (trú tại quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh), vì đưa nhiều phim không phù hợp với thuần phong mỹ tục tại kênh YouTube… Tuy nhiên rất hiếm cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Với mức xử phạt bằng tiền như vậy chẳng đáng là bao so với lợi nhuận mà họ thu được. Đó là nguyên nhân khiến số lượng các “nhà sản xuất” đông lên và xả “rác văn hóa”.

Các chuyên gia cho rằng, nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người xem, đặc biệt là trẻ vị thành niên. Những bộ phim “rác”, bẩn, độc hại sẽ rất dễ trở thành con dao hai lưỡi, tạo hố đen nhận thức, hành vi trong giới trẻ.

Trước tình hình đó, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chia sẻ, trong bối cảnh mạng xã hội “thống lĩnh” đời sống tinh thần thì khó tránh khỏi chạy theo thị hiếu câu view tầm thường. Dung lượng ngắn, các “nhà làm phim” thường ngẫu hứng chọn đề tài nhạy cảm, nhiều trường hợp đi ngược giá trị văn hóa chuẩn mực, thuần phong mỹ tục, cổ súy lối sống thiếu lành mạnh… “Trước thực trạng này, nhằm kiểm soát, hạn chế những tác động tiêu cực đến người xem, Cục Điện ảnh đề nghị lãnh đạo Bộ cho phép thành lập Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng để xử lý phim chiếu mạng có nội dung độc hại, phản cảm”, ông Thành cho biết.

Ở giai đoạn “bùng nổ” phim chiếu mạng hiện nay, tổ công tác được kỳ vọng sẽ có những “phản ứng nhanh” để kịp thời rà soát, nắm bắt, xử lý nội dung độc hại, phản cảm với nhiệm vụ cụ thể gồm: Tiếp nhận hồ sơ, trả lời bằng văn bản đối với đề nghị công nhận đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; đăng tải công khai tên doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức đủ điều kiện phân loại phim; Cấp, thu hồi giấy phép phân loại phim đối với phim của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chưa đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; Xây dựng và quản lý hệ thống dữ liệu về phân loại phim trên không gian mạng…

Việc quản lý phim chiếu mạng được quy định tại Luật Điện ảnh năm 2022, Nghị định số 131/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh, Nghị định số 128/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo…

Hầu hết khán giả của thể loại phim ngắn phản cảm này là những người trẻ.

Luật Điện ảnh cũng quy định rõ, các cá nhân không được phép phổ biến phim trên không gian mạng. Chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

“Trước khi phổ biến phải đảm bảo thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim; trường hợp chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim thì đề nghị Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch hoặc cơ quan được Bộ VHTTDL ủy quyền thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng theo trình tự, thủ tục quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 27 của Luật này”, Luật Điện ảnh quy định.

Tiến sĩ Bùi Phương Thảo, chuyên gia tâm lý, giảng viên trường Đại học Thủy lợi cho biết: “Theo quy luật tâm lý của con người, những cái gì càng hiếm, càng lạ, càng độc, càng sốc, càng giật gân thì càng gây sự tò mò. Đối với những người lớn đủ tầm hiểu biết thì họ có thể xem thử một vài lần rồi họ tự nhận thấy những nội dung đó quá xàm họ sẽ không bao giờ xem nữa. Nhưng điều đáng báo động là những khán giả xem thể loại phim ngắn đó đa phần là các bạn trẻ. Những bạn trẻ này chưa định hình được nhân cách, chưa có được lăng kính khách quan và chưa có tinh thần phản biện. Những người trẻ này thường lười suy nghĩ mà chỉ tiếp nhận thông tin. Ngoài ra, nếu coi những phim ngắn đó như một trend mới thì nhiều người trẻ lại càng muốn mình phải biết, phải rành rọt để khi nói chuyện với bạn bè sẽ không bị lạc lõng.

Nếu để những người trẻ thường xuyên tiếp xúc với những video phản cảm, giật gân, gây sốc thì sẽ rất dễ dẫn đến cái nhìn về cuộc sống bị lệch chuẩn. Xem một lần có thể không vấn đề gì nhưng xem nhiều lần sẽ khiến họ tin rằng đó mới chính là những điều đang diễn ra trong xã hội. Điều này thực sự quá nguy hiểm. Ở trong hoàn cảnh này rất cần sự quan tâm sát sao của các bậc phụ huynh. Bố mẹ nên định hướng cho con mình nên tiếp xúc với thứ văn hóa nào và rời xa những văn hoá độc hại.

Trong bối cảnh mạng xã hội phát tán rầm rộ như hiện nay, các sản phẩm văn hóa đưa lên các nền tảng ngày càng nhiều. Các cơ quan quản lý cần cập nhật những xu hướng mới nhất, chủ động, sát sao phối hợp chặt chẽ để cùng nhau quản lý sản phẩm văn hóa trên không gian mạng được hiệu quả nhất.

Theo Zing – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link