Hàng loạt sự tan rã của các nhóm nhạc nữ gen 3 như lời thông báo cho màn kết thúc để mở ra kỷ nguyên mới.
Thời gian gần đây, cộng đồng người hâm mộ Kpop liên tục đón nhận những tin tức không mấy tích cực. Chỉ trong 2 tháng đầu năm, khán giả đã chứng kiến những cuộc chia tay đầy tiếc nuối tới từ Momoland, Brave Girls và gần nhất là WJSN.
Sự tan rã của các nhóm nhạc nữ thế hệ thứ 3 (hoặc cận gen 3) khiến người hâm mộ tiếc nuối bởi họ là những thần tượng tài năng và đều sở hữu bản hit. Nhóm nữ thế hệ thứ 3 được đánh giá là một thế hệ bùng nổ, chứng tỏ sức ảnh hưởng sâu rộng và vị thế vững chắc trên trường quốc tế. Kết cục đau lòng của những nhóm kể trên như lời thông báo Kpop đang bước vào thời kỳ chuyển giao thế hệ.
Gen 3 – thế hệ đưa Kpop ra khỏi vùng an toàn
Theo Korea JoongAng Daily, các nhóm nhạc Kpop thế hệ thứ 3 (gen 3) thuộc vào khoảng năm 2013 đến đầu năm 2019. Những idol ra mắt vào cuối năm 2019 như ITZY được xem là thế hệ thứ 4.
Các nhóm ra mắt vào cuối năm 2011, đầu năm 2012 như Apink, AOA cũng được coi là một phần của thế hệ thứ 3. Những nhóm nhạc nữ đáng chú ý của thế hệ này bao gồm Red Velvet, Mamamoo, Lovelyz, Laboum, Oh My Girl, Twice, GFriend, April, BlackPink, Dreamcatcher, gugudan, Weki Meki, DIA, (G)I-DLE và Fromis_9.
Theo truyền thông Hàn, các nhóm nhạc nữ gen 3 đóng góp nhiều vào công cuộc thúc đẩy Kpop bước ra thế giới. Không chỉ chú trọng vào xây dựng tiếng tăm tại quê nhà, nhóm nhạc nữ thế hệ này có xu hướng quảng bá hình ảnh thông qua các nền tảng kỹ thuật số. Nhờ vậy, những nội dung mới mẻ thoát khỏi sự đóng khung của quốc gia, trở thành xu hướng mới của gen 3.
Thay vì tập trung vào số lượng thành viên nhóm như các thế hệ đi trước, gen 3 tập trung vào chất lượng thần tượng. Những chiến lược quảng bá pre-debut, câu chuyện, đời sống của nghệ sĩ được đưa gần tới khán giả hơn, nhằm xây dựng lực lượng fandom hùng hậu khi nhóm bước chân vào đường đua Kpop.
Red Velvet, Mamamoo, Twice, BlackPink, GFriend là những nhóm nhạc nữ gen 3 mang concept độc đáo, tạo nên những quy chuẩn mới cho thế hệ sau. BlackPink đại diện cho thành công của Kpop tại Bắc Mỹ với lực lượng người hâm mộ đông đảo. Twice đánh mạnh thị trường châu Á, trong khi Red Velvet xây dựng danh tiếng ở quê nhà.
Mốc 7 năm và sự tan rã
Ngày 16/2, Brave Girls tuyên bố tan rã khi các thành viên hết hạn hợp đồng 7 năm với công ty. Đầu năm 2021, nhóm có màn lội ngược dòng ngoạn mục nhất lịch sử với bài hát Rollin. Vào thời điểm đó, Rollin đánh chiếm mọi bảng xếp hạng Hàn Quốc, đưa nhóm trở thành ngôi sao sau nhiều năm vắng bóng.
Câu chuyện thành công nở muộn của Brave Girls khiến nhiều người cảm động, nhóm sau đó nhận nhiều hợp đồng quảng cáo và sự chú ý. Tuy nhiên vì định hướng không phù hợp, Brave Girls tan rã trong lặng lẽ và tiếc nuối.
Trước đó, Momoland tuyên bố hết hạn hợp đồng và tan rã vào ngày 27/1. Trớ trêu thay, tin tức này không gây bất ngờ bởi hầu hết nhóm nhạc nữ thế hệ này đều tan rã hoặc rơi vào tình trạng giảm độ nổi tiếng.
Tiếp nối Brave Girls và Momoland là WJSN. Vào ngày kỷ niệm 7 năm ra mắt, công ty quản lý của WJSN thông báo 5 trong số 13 thành viên rời nhóm. WJSN hoạt động với 8 thành viên, có sự thay đổi trong đội hình.
Theo Korea JoongAng Daily, Ủy ban Thương mại Hàn Quốc giới hạn các hợp đồng độc quyền trong 7 năm để chặn trường hợp các hợp đồng quá dài. Do đó, các nhóm ra mắt vào năm 2016 – đỉnh cao của thế hệ thứ 3 phải đối mặt với việc gia hạn hợp đồng với khả năng cao là sẽ có những thay đổi trong đội hình hoặc tan rã hoàn toàn.
Tờ The Korea Herald nhận định hiếm có nhóm nhạc nào đứng vững trước cột mốc 7 năm. Ở cột mốc này, nhiều nhóm nhạc chọn tan rã để tìm hướng đi mới hoặc phát triển sự nghiệp solo.
Tờ Korea JoongAng Daily còn chỉ ra nguyên nhân khiến phần lớn nhóm nhạc nữ thế hệ này tan rã phụ thuộc vào lượng người hâm mộ.
Thế hệ thứ 3 Kpop là thế hệ sản sinh nhiều nhóm nhạc qua các chương trình truyền hình thực tế như Twice, IOI, Momoland, IZ*ONE. Mục đích của việc này nhằm nâng tầm quan trọng của khán giả thông qua việc họ có thể bình chọn, quyết định việc ra mắt của thần tượng.
Với chiến lược chủ yếu dựa vào sức hút của công chúng, mức độ nổi tiếng của nhóm nhạc thường giảm dần khi các thành viên già đi, trong khi các fandom có xu hướng phát triển theo thời gian. Fandom yếu đồng nghĩa với việc nhóm không thể trụ vững trên các bảng xếp hạng.
Rollin của Brave Girls và Bboom Bboom của Momoland là minh chứng rõ nhất cho việc này. Hai ca khúc đều là siêu hit về lượng phát trực tuyến, nhưng cả hai nhóm đều không thể phát hành bài hát thành công sau đó.
Nhà phê bình âm nhạc Park Hee Ah chia sẻ: “Đối với nhiều nhóm nhạc nữ nổi tiếng dựa vào công chúng, sự thất bại của một bài hát có thể là mối đe dọa tài chính. Hệ quả là nhóm tan rã dù phần lớn công chúng đều biết họ là ai”.
Thời kỳ chuyển giao thế hệ
Trong khoảng một năm trở lại đây, không ít nhóm nhạc nữ được ra mắt như Kep1er, H1-KEY, Rocking Doll, NMIXX, ILY:1, Le Sserafim, CLASS:y, Lapillus, Iris và NewJeans… Không chỉ có doanh số bán album cao, nhiều bài hát cũng trở thành bản hit được công chúng biết đến rộng rãi.
Le Sserafim và NewJeans là hai nhóm nhạc nữ bán được hơn 300.000 bản EP đầu tay trong tuần đầu phát hành. Con số 200.000 và 100.000 lần lượt là thành tích của nhóm NMIXX và CLASS:y. EP thứ hai có tên Antifragile của Le Sserafim bán được hơn 560.000 bản và xếp thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng âm nhạc trong nước cũng như toàn cầu.
Giáo sư Lee Hye Jin của trường Báo chí và Truyền thông USC Annenberg cho rằng màn thể hiện gần đây của những nghệ sĩ thế hệ mới Kpop đang phá vỡ định kiến nhóm nữ bị lấn át ở Kpop. Các ca khúc của họ không quá cầu kỳ, phức tạp, hầu hết đều thuộc thể loại pop hay R&B nhẹ nhàng, vui tươi, phù hợp mọi đối tượng khán giả.
Trong thời gian tới, các nhóm nhạc nữ có lẽ vẫn là xu hướng của ngành công nghiệp Kpop. Lý do là họ đã xây dựng được cộng đồng fandom ổn định cũng như có độ nhận diện tốt. Từ đó có thể thỏa sức thử nghiệm các phong cách đa dạng, tiếp cận nhiều tệp khán giả.
Tuy nhiên, sự gia tăng ồ ạt số lượng các thần tượng khiến khán giả lo lắng về một thế hệ Kpop bão hòa. Nhiều thần tượng thế hệ mới hiện nay chỉ có ngoại hình nổi bật mà thiếu sót những kỹ năng căn bản. Trong khi, ở thế hệ trước, không khó để tìm ra những nhân tố tài năng vượt trội ở mọi mặt.
Theo Dạ Ngân (zing) – Ảnh: T.H