Sự xuất hiện của Kitaro, cùng tinh thần của hàng nghìn khán giả là thành quả không thể phủ nhận cho sự “khôn lanh” như chính nam ca sĩ tự nhận. Nhưng vẫn còn một số điểm trừ.

Chân trời rực rỡ diễn ra ở một trong những không gian ý nghĩa nhất của Ninh Bình – sân lễ hội Đền thờ vua Đinh – vua Lê. Âm nhạc do đó được cất lên dưới chân núi Mã Yên, vốn có dáng hình yên ngựa, được cho là nơi đã an táng vua Đinh Tiên Hoàng với ý nghĩa nghìn thu thong dong trên lưng ngựa. Ngay cạnh là sông Sào Khê, chảy qua những triền động, sườn non của Ninh Bình, cũng dòng sông này đã nâng thuyền Đinh Bộ Lĩnh đi dẹp loạn 12 sứ quân và xuôi thuyền đưa vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư tới Thăng Long, mở đầu cho sự hưng thịnh của một thời đại.

Hàng nghìn khán giả đã đến với hai đêm nhạc cuối tuần của Hà Anh Tuấn để chứng kiến “lần đầu tiên Ninh Bình có một ca sĩ về làm concert” như chia sẻ của giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình với Zing. Chương trình lấp đầy khán giả, ghế trống không nhiều.

Hà Anh Tuấn và Kitaro chưa chạm vào nhau trong âm nhạc

20h30, đèn tắt, Hà Anh Tuấn xuất hiện với chiếc áo manteau – đã là “signature” của anh – trong sự chào đón của những người có mặt. Bonjour Việt Nam (Yvan Coriat, Guy Charles Willy Balbaert, Marc Lavoine) được chọn mở màn với sự hỗ trợ đặc biệt của CLB hát xẩm Hà Thị Cầu. CLB do thiếu nhi biểu diễn, được đặt theo tên của cố nghệ nhân nổi tiếng Ninh Bình với mong muốn nối dòng nghệ thuật xẩm – thể loại âm nhạc khởi sinh ở đồng bằng Bắc Bộ nhưng đang có nguy cơ mai một.

Chân trời rực rỡ là concert ở Ninh Bình của một người gốc Ninh Bình. Hà Anh Tuấn và đội ngũ của mình tạo ra một concept âm nhạc hướng về nguồn cội, trước là quê cha đất tổ, là cạnh đền vua Đinh – vua Lê, sau là tinh thần Việt Nam, là sự lộng lẫy của trời đất Á Đông.

Hà Anh Tuấn theo đuổi concept mà bản thân và ê-kíp đã xây dựng với những lời hát là tình tự chung muôn thuở: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi” (Tình ca – Phạm Duy), “Ðể đất nước mãi rực rỡ, một gấm vóc mãi rạng rỡ” (Đất nước lời ru – Văn Thành Nho) hay “Dòng máu Lạc Hồng, bốn nghìn năm / Dòng máu đỏ tươi chảy trong tim mình” (Dòng màu lạc hồng – Lê Quang).

Ngoài ra, còn có một số sáng tác mới của Võ Thiện Thanh, lần đầu được trình diễn như Người Việt Nam. Chỉ tiếc là ca khúc tương đối khó hát kết hợp với cách chơi bùng nổ của dàn nhạc, vô tình khiến giọng hát của Hà Anh Tuấn nhiều lần bị lạc đi, xước xát.

Huyền thoại âm nhạc Kitaro và Hà Anh Tuấn kết hợp trong Xuân thì. Ảnh: Đại Ngô.

Khoảnh khắc được chờ đợi là âm nhạc của Kitaro và sự xuất hiện lần đầu tiên của huyền thoại âm nhạc Nhật Bản trên sân khấu Việt Nam. Kitaro vốn không xa lạ với khán giả Việt và càng quen thuộc hơn, như “luật bất thành văn” với phần mở đầu của các fashion show.

Nhưng trước Chân trời rực rỡ, người quan sát âm nhạc từng hoài nghi về khả năng “matching” giữa Hà Anh Tuấn và Kitaro, vốn sở hữu hai tệp khán giả khác biệt, và phong cách cũng khó tìm được điểm liên quan.

Hà Anh Tuấn theo đuổi hình ảnh lịch thiệp, hào hoa, âm nhạc thanh xuân, tình ca, bùi tai, nói chuyện khéo léo, cuốn hút. Trong khi Kitaro vốn như một người “vô ngôn” trong trò chuyện. Chỉ có thanh âm cất ra từ bàn tay trên trống, trên đàn. Âm thanh ấy có thể biến báo, lồng lộng như đất trời, sừng sững như núi tuyết, có khi lại mỏng manh, mềm mại, uốn lượn như sợi chỉ, dải lụa, đường tơ.

Sự khác nhau giữa hai con người âm nhạc là thách thức cho giám đốc âm nhạc của Chân trời rực rỡ. Và kết quả diễn ra cuối tuần là Kitaro và Hà Anh Tuấn tuy gần nhau trên sân khấu nhưng vẫn chưa thể “chạm” vào nhau. Đầu tiên là hai nhạc phẩm bất hủ của Kitaro là Koi, Silk Road được Việt Anh viết lời Việt để chủ nhân đêm nhạc hát. Sáng tạo lời trên bản nhạc không lời quen thuộc vốn đã cần nhiều thời gian mới có thể làm quen và thẩm thấu. Có lẽ vì thế phần lời của Việt Anh là những bó hẹp hữu hình, chưa tạo ra được sự thênh thang, uốn lượn của Con đường tơ lụa (Silk Road).

Kế đến, sự xuất hiện của Kitaro cũng mới dừng ở sự đẹp đẽ về mặt hiện hữu. Kitaro chào khán giả trong sự chuyển động đặc biệt của một sân khấu hình bán cầu công phu. Trong bán cầu có cây xanh và mặt trời đỏ, Kitaro chơi bản Matsuri huyền thoại. Chất nhạc vẫn lộng lẫy không lẫn vào đâu được, nhưng chưa thể là một màn thể hiện thăng hoa tuyệt đối như đã từng. Tiếng trống, trong không gian quá lớn, được thoát ra theo cách tự nhiên nhưng lại thiếu độ vọng lại như cách Kitaro từng chơi ở những không gian khác.

Dẫu vậy, sự có mặt của Kitaro vẫn khiến nhiều người theo dõi ông cảm thấy xúc động và thỏa mãn. Khi ông chơi Xuân thì cho màn thể hiện của Hà Anh Tuấn, người nghe thấy được một phiên bản Xuân thì khác, uốn lượn hơn và bay bổng hơn.

Ngoài Kitaro, một khách mời nữa của Chân trời rực rỡ cũng vốn không mấy liên quan đến âm nhạc của Hà Anh Tuấn – là Đen Vâu. Đen Vâu gây bất ngờ vì không nằm trong danh sách được nhà tổ chức công bố trước đó. Là một trong những rapper có lượng fan lớn nhất hiện nay, sự xuất hiện của Đen được khán giả hò reo và hưởng ứng.

Trong giới rap, Đen như một nhà thơ phóng khoáng, lãng mạn, giàu ẩn dụ nhưng quan trọng là có tuyên ngôn và câu chuyện từ cuộc đời. Là một phần của lý do anh được mến mộ và sự chào đón anh ở Chân trời rực rỡ, thậm chí còn được Hà Anh Tuấn đùa là “hơn cả nhân vật chính”.

Thể hiện Lối nhỏ và Hai triệu năm, Đen biểu diễn chừng mực trong vai trò khách mời. Chỉ tiếc là màn kết hợp với Hà Anh Tuấn trong bản mashup hai ca khúc Nước ngoài – Mang tiền về cho mẹ tỏ ra kệnh giữa hai thông điệp. Khi Hà Anh Tuấn hát trong tâm tư của chàng trai xuất khẩu lao động “Tìm đất khách mong làm giàu mai sau ngẩng đầu / Mà đâu biết trong đêm dài người không muốn ta ở lại / Chạy trong giá băng mệt nhoài tâm tư hoang mang / Dù nghe lắm nỗi bi hài…”, thì Đen Vâu lại rap vào “Mang tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền về cho mẹ”. Trong khi câu chuyện của hai chàng trai tự sự trong mỗi ca khúc có nhiều khác biệt, thậm chí đối lập.

Việc chọn cả hai khách mời đều khác màu với Hà Anh Tuấn là nước đi táo bạo, cũng là cách làm khác hẳn những chương trình trước của nam ca sĩ. Hà Anh Tuấn được ghi nhận ở khía cạnh vượt qua vòng an toàn của bản thân. Anh sẵn sàng thử nghiệm nhiều hơn và cũng đầu tư nhiều hơn – mời huyền thoại âm nhạc, hát tiếng Nhật, kết hợp với rap và cũng hát cả những sáng tác mới trên sân khấu trong màn tái hợp với Võ Thiện Thanh – cộng sự thân thiết, từng làm nên những album R&B cùng nhau, một thời được giới chuyên môn âm nhạc ghi nhận.

Song, có điều, khán giả của Hà Anh Tuấn cũng đã rất khác so với tệp khán giả ban đầu. Nhiều người đến với Hà Anh Tuấn và trở thành fan từ sau dự án See Sing Share, cover các ca khúc nổi tiếng. Họ yêu Hà Anh Tuấn của những bản ballad tình cảm, thậm chí là những ca khúc hơi hướm bolero, nhạc Hoa lời Việt. Vì thế, khi Hà Anh Tuấn hát tình ca với Xuân thì, Tháng tư là lời nói dối của anh hay Từ đó, Có chàng trai viết lên cây, anh được hưởng ứng, cổ vũ hơn hẳn những ca khúc ở phần mở đầu.

Hà Anh Tuấn giao tiếp khéo léo và tạo ra thông điệp tích cực cho khán giả dù phong độ giọng hát của anh trong đêm nhạc không được như những concert trước đó. Ảnh: Đại Ngô.

Hà Anh Tuấn thông minh, bất tiện được bao dung

Phần giữa, chương trình gần như không còn liên quan đến Chân trời rực rỡ hay concept đất trời, dân tộc ban đầu. Khi Hà Anh Tuấn hát ballad tình cảm cũng là khoảnh khắc khán giả đồng loạt giơ cao điện thoại quay hoặc mở flash để tạo hiệu ứng bầu trời sao. Cuối cùng, Chân trời rực rỡ vẫn phải là cách cả hai bên “chiều” lẫn nhau. Khán giả cũng chịu nghe một số bài có thể không quen tai, và sẽ được chiều lại bằng những giai điệu đã quá quen thuộc, mà gần như concert nào Hà Anh Tuấn cũng hát.

Và một điều cũng rất thực tế khác, sự tham dự concert Hà Anh Tuấn giờ không còn dừng ở thói quen nghe nhạc. Sự tận hưởng không gian và không khí cũng đã góp phần làm nên thương hiệu Hà Anh Tuấn. Chân trời rực rỡ có lẽ là một trong những concert mà phong độ giọng hát của Hà Anh Tuấn cho thấy rõ nhất những chênh phô. Nhưng bù lại, trên sân khấu, ban nhạc lại có rất nhiều điểm cộng thăng hoa. Và Hà Anh Tuấn vẫn làm chủ cuộc chơi bằng khả năng trò chuyện dí dỏm, cuốn hút, trêu đùa khán giả.

Ngay cả khi nhiều khán giả bỏ về sớm khi còn khoảng 5-10 phút nữa mới hết chương trình đêm 24/2, Hà Anh Tuấn cũng không tỏ ra bối rối. Anh nói với một nhóm các cô gái đang di chuyển trước mắt: “Về nhanh, không anh xuống giữ lại đấy”. Ngay sau đó, nam ca sĩ hỏi “Mọi người có thể ở thêm 5 phút nữa được không”, tất cả đồng thanh “được”. Ở đêm 25/2, tình trạng này đã được cải thiện.

Hay như sau đêm ngày 24/2, nhiều người chia sẻ thất vọng vì chỗ ngồi khuất tầm nhìn, ở đêm 25/2 sau đó, Hà Anh Tuấn đã trèo rào lên hàng khán giả để gửi lời xin lỗi.

Sau tất cả, Hà Anh Tuấn vẫn chứng tỏ được bản thân là một nghệ sĩ thông minh, gần gũi với người hâm mộ, khiến những bất tiện được bao dung, đồng cảm phần nào. Và cách nam ca sĩ tạo ra thông điệp tích cực với những hoạt động bên lề đêm nhạc như trồng rừng, quyên góp 1 tỷ đồng cho hoạt động từ thiện cũng khiến hình ảnh Hà Anh Tuấn được nhớ đến nhiều hơn, vượt khỏi giọng hát của anh.

Theo Quang Đức (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link