Nếu như năm 2022, nhạc Việt nổi bật với xu hướng EP (đĩa nhạc mở rộng), NFT (Non-fungible token – là tài sản ảo hoặc phiên bản mã hóa của tài sản âm nhạc trong thế giới thực, quyền sở hữu như tài sản số), không gian âm nhạc 4D, ca sĩ ảo siêu thực thì năm 2023 hứa hẹn nhiều điều mới hơn.

Tương lai công nghệ âm nhạc

Cuối năm 2022, công chúng Việt chào đón 2 ca sĩ siêu thực Việt đầu tiên mang tên Michau và Damsan trên không gian âm nhạc thực tế ảo. Người hoạt động trong lĩnh vực sản xuất âm nhạc đang chấp nhận thử thách cuộc chơi mới mà cả khán giả cũng đã bắt đầu được đón nhận những trải nghiệm âm nhạc độc lạ, thậm chí được trao quyền đồng sáng tạo.

Với riêng 2 ca sĩ siêu thực xuất hiện bằng công nghệ trình chiếu Hologram, dù chưa được đông đảo khán giả biết đến như kỳ vọng nhưng đã tạo sắc màu âm nhạc chưa từng có trong bức tranh nhạc Việt, khi khái niệm ca sĩ siêu thực đã bùng nổ trên thế giới với sự xuất hiện của vũ trụ ảo (metaverse). Theo dự đoán của giới chuyên môn, ca sĩ ảo, vũ trụ ảo sẽ là xu hướng được phát triển trong năm 2023 và thời gian tới.

Nhóm nhạc trẻ Chillies trong một buổi biểu diễn. Ảnh: TUẤN HUỲNH

Tại một hội thảo, ông Nguyễn Lê Nhất Phương, đồng sáng lập và là Giám đốc nội dung Vietnam Music Industry Network và Vietnam Music Week (Mạng lưới Công nghiệp âm nhạc Việt Nam), cho rằng, tầm nhìn về thế hệ nghệ sĩ, các nền tảng công nghệ, định dạng hay các trào lưu lớn tiếp theo… là những điều mà nghệ sĩ trong nước không thể làm ngơ.

Theo ông, âm nhạc ngày càng có những điểm chạm khác nhau hơn. Bên cạnh những nền tảng cũ, sẽ có nhiều cách thức phát triển đưa đến vũ trụ ảo, nghệ sĩ ảo, live concert ảo. Họ có thể sử dụng công nghệ xây dựng tạo hình, thế giới quan của nghệ sĩ tương tác với người hâm mộ.

“Sau 2 năm dịch Covid-19 bùng phát, việc mọi người chuyển từ trải nghiệm thực tế qua tiếp cận bằng những nền tảng trực tuyến trên mạng xã hội và có lượng người hâm mộ lớn hơn từ sân chơi truyền thống thể hiện sức ảnh hưởng của mạng xã hội đến nghệ sĩ. Chắc chắn họ cần suy nghĩ thêm về các nền tảng và không thể đứng ngoài công nghệ”, ông Nhất Phương chia sẻ.

Trong năm qua, ngoài vũ trụ ảo còn có tài sản kỹ thuật số NFT. Đây là những khái niệm không dễ hiểu nhưng đã có bước khởi đầu, từng bước nỗ lực trở thành xu hướng trong quá trình chuyển đổi số âm nhạc.

Vocalist trở lại, cơ hội của nghệ sĩ trẻ

Năm 2022 đánh dấu sự bùng nổ của thị trường nhạc Việt khi các dự án, sản phẩm dồn nén suốt 2 năm dịch bệnh có dịp “bung”. Các ca khúc đa dạng thể loại, phong cách, từ ballad, R&B, rap, hip hop, pop, disco đến dance… Và theo xu hướng thế giới, R&B, disco được quan tâm nhiều. Phải kể thêm là sự trở lại của các liveshow âm nhạc với hàng loạt tên tuổi.

Dựa trên tổng thể năm 2022, một số nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc cho rằng năm 2023 tiếp tục là thời của các live concert, album, EP và các dự án âm nhạc chữa lành. Chưa kể, sự trở lại của hàng loạt cuộc thi, thương hiệu âm nhạc lớn như The Mask Singer, The Voice, Rap Việt, Rock Việt… hứa hẹn sự lên ngôi trở lại của các vocalist (ca sĩ có kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện, ấn tượng). Sự xuất hiện của “ca sĩ mạng” còn được dự đoán bùng nổ hơn.

Nhà sản xuất âm nhạc – nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền chia sẻ: Để nói về thị trường tương lai thực sự rất khó dự đoán. Hy vọng năm nay có xu hướng đặc biệt mới xuất hiện. Sự trở lại của nhiều cuộc thi âm nhạc đình đám chắc chắn ảnh hưởng ít nhiều đến bức tranh âm nhạc trong năm tới. Rất nhiều nghệ sĩ ấp ủ dự án riêng mình năm nay. Những nghệ sĩ lâu lắm mới xuất hiện, hoặc lâu lâu mới ra mắt nhỏ giọt các ca khúc, hứa hẹn sẽ trở lại.

Sự phát triển của công nghệ streaming trên các nền tảng mạng xã hội đã và đang ngày càng có tác động lớn đến thị trường nhạc Việt. Có thể nói, những nghệ sĩ, nhóm nhạc trẻ như Hoàng Dũng, Mono, Grey D, Tăng Duy Tân, Wren Evans, Min, Amee, Mỹ Anh, Chillies, The Cattsett, Ngọt Band… tiếp tục tạo chỗ đứng với lượng khán giả đông đảo.

“Năm 2023 vẫn có dòng chảy bất tận của âm nhạc chữa lành. Âm nhạc đã không ít lần lan tỏa nguồn năng lượng tích cực, giúp vực dậy tinh thần người nghe sau quá nhiều mất mát. Trong thời gian tới, mô hình biểu diễn trực tiếp cùng ban nhạc và các dự án âm nhạc chữa lành sẽ tiếp tục được thực hiện”, nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng chia sẻ.

“Năm 2023 sẽ có sự phát triển vượt bậc của các bạn nghệ sĩ Gen Z, bởi họ là thế hệ mới, làn gió mới có thể tô điểm thêm bức tranh âm nhạc nhiều sắc màu hơn. Các bạn phát triển quá nhanh, nên thực sự rất khó dự đoán âm nhạc của họ sẽ theo xu hướng nào. Tôi rất kỳ vọng họ sẽ thăng hoa cùng nhạc Việt, mang đến sự cạnh tranh rất cao cho nghệ sĩ”, nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền nhận định.

Nhóm nhạc trẻ Chillies. Ảnh: TUẤN HUỲNH

Theo bà Lê Thị Minh Chi, Tập đoàn Âm nhạc Staté Vương quốc Anh, các ca sĩ trẻ hiện nay đang có xu hướng làm mới dòng nhạc dân gian như hát xoan, hát xẩm, cải lương… Bà rất thán phục vì điều này rất khó, có thể dẫn đến nhiều tranh cãi nhưng nghệ sĩ trẻ vẫn sẽ làm.

“Hy vọng năm nay có sản phẩm mới lạ kết hợp cùng dòng nhạc dân gian với rap, hiphop, EDM… để làm tỏa sáng âm nhạc có rất lâu đời. Đó cũng là một cách chạm tới trái tim cả thế hệ cũ và mới. Các bạn Gen Z biết thêm về âm nhạc truyền thống theo cách mới. Tôi nghĩ, nghệ sĩ trẻ đi theo hướng này thực sự có cơ hội rất lớn. Như Lê Cát Trọng Lý, năm qua có dự án Những ca khúc Việt cổ, được xem như bước đi rất táo bạo, dũng cảm cho dù gặp nhiều ý kiến khen chê. Nhưng rõ ràng người nghệ sĩ trẻ ấy dám khai phá, tìm tòi, dấn thân. Nghệ sĩ trẻ bây giờ nhiều bạn biết mình là ai, muốn làm gì”, bà Minh Chi chia sẻ.

Xu hướng, công nghệ như thế nào chắc chắn là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn hết vẫn là tâm thế của người nghệ sĩ trước dòng chảy âm nhạc: biết mình là ai, muốn làm gì và có khả năng làm gì để mang đến sản phẩm âm nhạc có chiều sâu.

Theo Tiểu Tân (sggp) – Ảnh: T.H

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link