Hát bội, cải lương, tượng gỗ nhà mồ của người Ê đê và rất nhiều di sản văn hóa khác được chuyển đổi số nhằm bảo tồn, quảng bá đến gần hơn với thế hệ trẻ và những người quan tâm tới lịch sử.

Hôm 21/7, Dự án Di sản Kết nối ra mắt bản thử nghiệm nền tảng Bộ sưu tập Di sản số. Đây là một nền tảng trực tuyến chia sẻ bộ sưu tập di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các cộng đồng, các nhóm và các cá nhân đa dạng tại Việt Nam.

Vấn đề số hóa di sản và bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa dựa trên công nghệ số gần đây đã và đang trở thành một trong những chiến lược quản lý và phát triển văn hóa ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Bộ sưu tập Di sản số được ra đời với mong muốn trở thành một nền tảng trực tuyến trong lĩnh vực di sản văn hóa tại Việt Nam do chính người sử dụng sở hữu và sáng tạo nội dung. Nền tảng này sẽ được xây dựng như thư viện mở và bất kể ai cũng có thể đóng góp nội dung. Các di sản văn hóa sẽ được giới thiệu dưới nhiều hình thức như ảnh chụp, hình vẽ, phim ngắn, hoặc file ghi âm. Đây là nguồn tư liệu hữu ích cho các cá nhân quan tâm có thể học hỏi về các di sản văn hóa sống của các cộng đồng khác nhau tại Việt Nam, đặc biệt các giá trị văn hóa ít được biết đến và có nguy cơ bị mai một.

Quá trình thực hiện tượng gỗ nhà Mồ của người Ê đê cùng với những câu chuyện và ý nghĩa được số hóa.

Nghệ sĩ Hữu Lập là một trong những số người làm nghề vẫn còn nguyên tâm huyết với Hát bội. Ông đã thực hiện một dự án nhằm giới thiệu 16 nhân vật tiêu biểu trong tuồng San Hậu, bổ sung thêm năm mặt tướng tiêu biểu trong các kịch bản Hát bội khác. Tất cả tác phẩm này được vẽ theo cả hai lối sắm tuồng dạng mặt tướng: những nét đen được vẽ trực tiếp lên mặt kết hợp với biểu tượng đặc trưng, dùng nhiều màu đỏ-xanh lục-trắng diễn tả khí chất nhân vật; và dạng mặt trắng-diễn viên chỉ bôi mặt trắng và trang điểm nhấn mạnh lông mày, mũi và má. Các nhân vật này được thể hiện đúng với nguyên bản trình diễn trên sân khấu, dựa trên kinh nghiệm và ký ức trong hơn 65 năm tuổi nghề.

Hoạt động trên nhiều vị trí trong đoàn hát, từ diễn viên đến soạn giả đến dựng tuồng, nghệ sĩ Hữu Lập hiện lưu trữ hơn 500 kịch bản tuồng từ xưa đến nay. Ngoài ra, ông còn có cuốn sách tự chép tay gần 50 mặt nhân vật trong các kịch bản, bảo lưu chi tiết cách vẽ mặt trong nghệ thuật hát Bội miền Nam theo trí nhớ của mình. Tất cả di sản này đều đã được số hóa và bảo tồn để người dân có thể dễ dàng tìm kiếm và đọc hiểu.

Bà Mai Quỳnh Anh, quản lý của TUVA Communication, đơn vị điều phối và thực hiện dự án cho biết: “Áp dụng số hóa để lưu giữ di sản đang là xu hướng đã được nhiều bảo tàng, triển lãm, tổ chức về văn hóa trong nước và nước ngoài sử dụng. Nền tảng này được thiết kế dựa trên tiêu chí dễ dàng tiếp cận cho bất cứ ai, tại bất cứ địa điểm, thời gian nào, từ đó tạo cơ hội để mọi người tìm hiểu và chia sẻ các câu chuyện di sản dễ dàng hơn; đồng thời cũng là một nguồn tham khảo đáng tin cậy cho những cá nhân, tổ chức nghiên cứu di sản – văn hóa khi những câu chuyện được kể bởi chính người thuộc về văn hóa đó”.

Cũng theo bà Quỳnh Anh, hoạt động này có thể mở rộng và mang đến các cơ hội hợp tác và phát triển cho các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong lĩnh vực di sản tại Việt Nam.

Theo Phạm Linh (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link