Nguyễn Hoài Nam Anh – Tài năng trẻ Việt Nam tỏa sáng tại giải đua xe F4 Đông Nam Á 2025

Nguyễn Hoài Nam Anh (tên thường gọi là Ben), con trai của Hoa khôi Thể thao 1995 Nguyễn Thu Hương, đã xuất sắc giành giải “Tay đua trẻ tài năng Southeast Asia” tại vòng hai giải đua xe F4 Đông Nam Á 2025. Dù chỉ mới 16 tuổi và có ba tháng học đua xe chuyên nghiệp, Nam Anh đã lọt vào top 3 chung cuộc cùng đội đua BlackArts Racing, vượt qua nhiều đối thủ có từ 2 đến 10 năm kinh nghiệm.

Xử lý tình huống không kém cạnh những tay đua giàu kinh nghiệm

Xuất phát ở vị trí thứ 6, Nam Anh – số xe 37 – không hề nao núng. Sau hai vòng chạy đầu tiên, anh nhanh chóng vươn lên vị trí thứ 4, vượt qua hàng loạt đối thủ nặng ký đến từ các quốc gia có nền đua xe phát triển như Ấn Độ, Australia, Trung Quốc, Singapore… Tuy bị đẩy xuống vị trí thứ 5 bởi tay đua kỳ cựu người Ấn Độ (số xe 11), Nam Anh vẫn bền bỉ bám đuổi và thể hiện sự khéo léo vượt trội khi ngoạn mục vượt qua tay đua người Úc để giành lại vị trí thứ 4.

Tay đua trẻ của Việt Nam đã tạo nên kỳ tích khi lọt vào top 3 vượt qua nhiều đối thủ có từ 2 đến 10 năm kinh nghiệm.

Cao trào của cuộc đua là màn rượt đuổi nghẹt thở kéo dài gần 5 phút giữa Nam Anh và tay đua chuyên nghiệp Cheng Minh (Trung Quốc, số xe 17). Dù bị bám đuổi sát nút, tay đua số 37 vẫn bình tĩnh, kiểm soát tốc độ và giữ vững vị trí trước sức ép từ đối thủ dày dạn kinh nghiệm. Sự bản lĩnh và tinh thần thi đấu máu lửa đã giúp anh giữ chắc vị trí thứ 4 cho đến khi cuộc đua kết thúc.

Bất ngờ lớn đã xảy ra khi Ban tổ chức công bố kết quả kỹ thuật: tay đua người Philippines về đích thứ 2 bị loại do xe nhẹ hơn quy định 200 gram. Nhờ vậy, Nam Anh chính thức lọt vào Top 3, kết thúc vòng đua thứ hai với thành tích đáng ngưỡng mộ.

Màn rượt đuổi giữa Cheng Minh và Nam Anh

Các HLV của giải đấu đánh giá cao sự tiến bộ vượt bậc của Nam Anh, từ thể lực, kỹ năng xử lý tình huống đến tinh thần thi đấu không hề kém cạnh các tay đua chuyên nghiệp. Với thành tích này, tay đua trẻ không chỉ ghi tên mình vào bản đồ đua xe thể thao Đông Nam Á mà còn khơi nguồn cảm hứng lớn cho thế hệ trẻ Việt Nam dấn thân vào sân chơi quốc tế.

Ý chí và tinh thần vượt khó tạo nên sự khác biệt

Hiện tại, Nam Anh vẫn là học sinh lớp 11 tại Trường Quốc tế ISHCMC. Cậu bắt đầu ngày mới lúc 7h sáng, ăn sáng tại nhà và đến trường như bao học sinh khác. Buổi chiều, sau khi hoàn thành bài tập, cậu dành 1-2 tiếng luyện tập đua xe mô phỏng cùng các đồng đội tại nhà – một phương pháp quan trọng giúp nâng cao phản xạ, chiến thuật và cảm giác đường đua.

Thay vì đi chơi như nhiều bạn cùng trang lứa, Nam Anh chọn cách tự học thêm về khí động học và dành thời gian tối ưu để rèn luyện kỹ năng lái. Cuối tuần, cậu thường đến Đại Nam hoặc Global City để tập Go-Kart – bước đệm thực tế giúp tăng cường kỹ năng điều khiển xe ngoài đời.

Ánh mắt quyết tâm luôn hiện rõ trên tay đua Nam Anh

Trong khi hầu hết các tay đua chuyên nghiệp trên thế giới bắt đầu với Go-Kart từ khi mới 6-10 tuổi, thì Nam Anh chỉ mới phát hiện ra đam mê và tiềm năng của mình vào tháng 12/2024, khi vừa bước sang tuổi 16. Chính vì vậy, cậu buộc phải “chạy nước rút” trong quá trình luyện tập để kịp theo kịp các đối thủ dày dạn kinh nghiệm tại đấu trường F4.

Tay đua vừa giành top 3 F4 Đông Nam Á chia sẻ: “Áp lực lớn nhất của em là không muốn phụ lòng ba mẹ và đội ngũ huấn luyện đã đặt niềm tin vào em.” Với mong muốn được thi đấu chuyên nghiệp, Nam Anh sớm ý thức được rằng thành công trong đua xe không chỉ đến từ tài năng, mà còn là sự đầu tư bền bỉ về thời gian, công sức và tài chính. Môn thể thao đua xe công thức là một hành trình tốn kém và dài hơi. Từ F4 đến F3, F2, cho đến khi bước lên đỉnh cao là F1 – nơi các tay đua mới bắt đầu nhận lương – tất cả đều đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ từ gia đình. Tuy nhiên, nếu có thành tích tốt, các tay đua có thể nhận được tài trợ từ các thương hiệu lớn, giảm tải phần nào gánh nặng chi phí.

Thành công của Nam Anh còn là công sức chung của đội ngũ và ban huấn luyện

Trước khi bắt đầu theo đuổi đua xe, Nam Anh không thích ăn rau xanh và trái cây. Nhưng để đạt được giấc mơ, cậu đã cam kết với mẹ tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn của một vận động viên chuyên nghiệp – đầy đủ chất xơ, protein, tinh bột và vitamin. Ngoài ra, tay đua này còn có huấn luyện viên thể lực riêng để xây dựng giáo trình cá nhân, tăng cường sức bền, sự dẻo dai và khả năng chịu lực khi thi đấu với tốc độ hơn 200 km/h. Những ngày đầu làm quen với xe đua F4 là chuỗi thử thách không dễ dàng. Nam Anh chia sẻ đã phải loay hoay nhiều lần mới khởi động được xe do vừa hồi hộp, vừa chưa quen cảm giác vận hành xe tốc độ cao. Có những buổi tập, xe bị xoay vòng không kiểm soát và cậu buộc phải gọi xe cứu hộ kéo về. “Đó là những khoảnh khắc đầy áp lực, vì em hiểu thời gian không còn nhiều, giải đấu đã cận kề,” Nam Anh nhớ lại.

Bằng sự bền bỉ và tinh thần học hỏi không ngừng cùng với sự sát cánh của Ban huấn luyện, Nam Anh đã từng bước tiến bộ và giờ đây đã gặt hái được thành quả. Chinh phục thế giới tốc độ – nơi mà kinh nghiệm, chiến thuật và niềm đam mê luôn song hành cùng với sự bền bỉ rèn luyện không ngừng.

Gia đình là điểm tựa vững chắc trong hành trình thành công của tay đua Việt

Trao đổi với Hoa khôi Thể thao Nguyễn Thu Hương, mẹ tay đua Nam Anh mới thấy gia đình chính là điểm tựa cả về vật chất lẫn tinh thần để tay đua Việt có thành công như hôm nay. Hoa khôi Thu Hương chia sẻ rằng đua xe thể thao là một môn thể thao đắt đỏ vì gắn liền với chi phí đầu tư xe và đội ngũ kỹ thuật công nghệ cao, chưa kể trước khi thi đấu đều phải tập huấn vài ngày ở nước ngoài, nên nếu không đủ đam mê, tài năng và quyết tâm thì khó mà theo đuổi đến cùng được.

Nam Anh chụp ảnh cùng me là Doanh nhân Hoài Nam và Hoa khôi Thể thao Thu Hương

Chia sẻ với báo chí mẹ của Nam Anh chia sẻ: “Gia đình thực sự không quá kỳ vọng vào việc Ben sẽ giành được giải thưởng trong cuộc đua năm nay vì gia đình và HLV đều đặt ra mục tiêu năm nay là năm tạo nền móng cho Ben. Vì Ben còn quá mới khi chưa được 5 tháng kể từ khi tiếp xúc môn thể thao này, tôi chỉ khuyến khích con là tập trung lái an toàn là trên hết, sau đó mới là cải thiện tốc độ, không cần phải quá áp lực về giải thưởng vì nó là kết quả đương nhiên của một quá trình rèn luyện nghiêm túc và kỷ luật. Tôi quan tâm tới tính kỷ luật và tự kỷ luật hơn là thành tích vì nếu không có một quá trình rèn luyện nghiêm túc thì không thể có thành tựu lâu dài . Vì vậy có được chiến thắng nhỏ trong lần thi đấu đầu tiên là một điều đáng khích lệ nhưng chặng đường phía trước để trở thành một tay đua chuyên nghiệp và thực sự khẳng định được tài năng của mình còn rất dài, Ben phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong mọi lĩnh vực của cuộc sống thì lúc đó tôi mới thực sự yên tâm.”

Những có lẽ hiểu được tâm tư đó, những niềm hi vọng đã giúp Nam Anh có được thành tích là lọt vào top 3 giải đua xe F4 Đông Nam Á 2025.

Cha mẹ của tay đua trẻ đến từ Việt Nam luôn là chỗ dựa vững chắc trên hành trình theo đuổi đam mê đua xe thể thao của cậu. Ngay từ những ngày đầu, vợ chồng anh chị đã nói với con một cách rõ ràng và đầy yêu thương: “Tài năng của con đến đâu, ba mẹ sẵn sàng đầu tư và hỗ trợ đến đó. Nhưng con cũng phải học đại học, chọn ngành mà con thật sự yêu thích, để đảm bảo một tương lai lâu dài và bền vững.”

Với định hướng rõ ràng hi vọng Nam Anh sẽ ngày càng phát triển hơn nữa trong lĩnh vực

Gia đình không chỉ hỗ trợ Nam Anh phát triển trong lĩnh vực thể thao, mà còn khuyến khích cậu theo đuổi con đường học thuật để có nền tảng vững chắc. Tay đua 16 tuổi dự định sẽ thi đại học với chuyên ngành thiết kế – chế tạo xe đua, khí động học hoặc hàng không vũ trụ – những lĩnh vực cậu đặc biệt yêu thích và có năng khiếu. Nam Anh cho thấy sự say mê trong việc nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo các giải pháp kỹ thuật, và điều đó càng củng cố thêm niềm tin nơi cha mẹ rằng: đam mê và tri thức có thể song hành, bổ trợ lẫn nhau.

Gia đình Nam Anh tin rằng: nếu con có thể tiến xa hơn trong vai trò tay đua chuyên nghiệp và đủ khả năng sống khỏe bằng nghề, thì đó là điều rất đáng mừng. Nhưng để gắn bó cả đời với môn thể thao này – không chỉ là người cầm vô lăng mà còn có thể trở thành chuyên gia, nhà thiết kế, hoặc người truyền cảm hứng – tay đua trẻ cần học sâu hơn, rộng hơn để phát triển toàn diện sự nghiệp trong ngành công nghiệp đua xe thể thao.

Sự ủng hộ từ gia đình không chỉ là tài chính, mà còn là tầm nhìn – để Nam Anh vững tin bứt phá trên cả đường đua lẫn con đường tri thức.

Nguyễn Hoài Nam Anh, sinh năm 2009, là con trai của doanh nhân Nguyễn Hoài Nam và Hoa khôi Thể thao 1995 Nguyễn Thu Hương.
Doanh nhân Nguyễn Hoài Nam: Ông từng là Tổng Giám đốc Tập đoàn Berjaya Việt Nam và là cổ đông lớn nhất của đội bóng FK Sarajevo (Bosnia & Herzegovina) .
Nguyễn Thu Hương: Bà là Hoa khôi Thể thao năm 1995 và Á hậu Quý bà Thế giới năm 2011 .

Thanh Hải

Võ thuật TP.HCM: Nơi hội tụ, phát triển và chuyển mình cùng thời đại

Là đầu tàu kinh tế và văn hóa của cả nước, Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh còn được biết đến như một vùng đất có truyền thống võ thuật từ lâu đời. Dưới đây là bài viết tình cảm, mang đậm dấu ấn cá nhân, dưới góc nhìn của một người con trưởng thành từ làng võ TP.HCM – Tiến sĩ, nhà báo Võ Danh Hải, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật Thế giới, nguyên thành viên sáng lập và là Tổng Thư ký Liên đoàn Vovinam Thế giới nhiệm kỳ I (2008-2016).

Tình đất – tình người trong võ đạo Sài Gòn xưa và TP.HCM hôm nay

Là một người trưởng thành từ phong trào võ thuật TP.HCM – tôi luôn cảm thấy một niềm tự hào sâu sắc khi nhắc đến làng võ nơi đây – không chỉ là vùng đất hào sảng, rộng mở, mà còn là nơi đã nuôi dưỡng biết bao thế hệ võ sư, HLV và VĐV mang trong mình tinh thần thượng võ.

Dẫu không phải là vùng đất sản sinh ra một môn võ riêng biệt nào, nhưng TP.HCM – với cốt cách phóng khoáng, nghĩa hiệp – từ rất sớm đã trở thành vùng đất hội tụ, nuôi dưỡng và phát triển phong trào võ thuật cả truyền thống lẫn hiện đại. Nơi đây chính là “ngôi nhà chung” của võ thuật Việt Nam – nơi kết nối những giá trị tinh thần cổ truyền với khát vọng vươn tầm quốc tế.

Phong trào võ thuật tại thành phố bắt đầu từ thời khai phá miền Nam, khi những lưu dân mang theo tinh thần kiên cường và các môn võ cổ truyền của quê hương. Võ cổ truyền, Vovinam – Việt Võ Đạo dần bén rễ trong cộng đồng người dân Sài Gòn. Đến sự du nhập của các môn võ quốc tế như quyền Anh, Judo, Taekwondo, Karatedo, Aikido… càng làm giàu thêm đời sống võ thuật nơi đây.

Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, TP.HCM nhanh chóng trở thành trung tâm võ thuật của cả nước. Không chỉ tiếp nhận và lan tỏa các môn võ dân tộc, thành phố còn sớm đón nhận các môn võ hiện đại như Taekwondo, Karatedo, Muay Thái, MMA, BJJ… Tinh thần học hỏi, sáng tạo và cởi mở đã giúp phong trào võ thuật ở đây phát triển đồng đều, vững mạnh từ nội thành đến ngoại thành.

Phong trào võ thuật thành phố Hồ Chí Minh: Từ truyền thống đến hiện đại - ngôi nhà chung của võ thuật Việt Nam - Ảnh 1.
Cố võ sư Lê Sáng và các cao đồ môn phái Vovinam – Việt Võ đạo tại Tổ đường Vovinam tại TP.HCM. Môn võ thuật xuất phát từ Hà Nội nhưng được nuôi dưỡng và phát triển rộng khắp từ vùng đất Sài Gòn – TP.HCM này đã vươn xa ra tầm quốc tế

Tổ chức chuyên nghiệp – Mảnh đất “ươm mầm” tài năng võ thuật

TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức hệ thống liên đoàn võ thuật một cách bài bản và khoa học. Trong thời điểm mà các liên đoàn quốc gia còn chưa hình thành, Liên đoàn Võ thuật TP.HCM đã ra đời và trở thành hình mẫu tổ chức, dẫn đầu trong việc điều phối phong trào, mở rộng ảnh hưởng và nâng cao chất lượng đào tạo.

Các nhà thi đấu như Phan Đình Phùng, Hồ Xuân Hương, Tinh Võ, Phú Thọ, Nguyễn Du, Lãnh Binh Thăng… đã trở thành nơi tôi luyện biết bao thế hệ võ sĩ. Các võ đường, câu lạc bộ từ quận trung tâm đến vùng ven đã lan tỏa phong trào đến mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. TP.HCM không chỉ phát triển phong trào, mà còn chuyên nghiệp hóa đào tạo, huấn luyện, tổ chức giải đấu và đưa võ thuật Việt Nam vươn ra thế giới.

Không chỉ giữ vai trò đầu tàu trong phát triển phong trào trong nước, TP.HCM còn là địa phương tiên phong tổ chức những giải đấu võ thuật quốc tế đầu tiên của Việt Nam. Từ Judo, Taekwondo, Quyền Anh đến Vovinam và Võ cổ truyền, các giải đấu quốc tế đầu tiên của những bộ môn này đều được đăng cai tại thành phố – đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ từ phong trào võ địa phương sang quá trình hội nhập với bạn bè quốc tế.

Những sự kiện này không chỉ tạo cơ hội cọ xát cho VĐV trong nước, mà còn giúp võ thuật Việt Nam giới thiệu bản sắc, tinh thần thượng võ và khả năng tổ chức chuyên nghiệp đến bạn bè khu vực và thế giới. TP.HCM vì thế không chỉ là cái nôi phong trào, mà còn là cánh cửa mở ra thế giới – đưa võ Việt từ tâm thế học hỏi đến vị thế đối thoại và hợp tác bình đẳng trên đấu trường quốc tế.

Phong trào võ thuật thành phố Hồ Chí Minh: Từ truyền thống đến hiện đại - ngôi nhà chung của võ thuật Việt Nam - Ảnh 2.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thuý tiếp đoàn Lãnh đạo Hiệp hội Võ thuật Thế giới (WoMAU) bàn việc việc hợp tác quảng bá võ thuật Việt Nam và Hàn Quốc thông qua Liên hoan Võ thuật Quốc tế TPHCM hàng năm…

Những người thầy và những ngôi sao võ thuật xuất sắc

Tôi luôn nhớ về những người đi trước – những người thầy, người anh lớn của làng võ thành phố: Võ sư Nguyễn Văn Chiếu, Nguyễn Chánh Tứ… những người truyền ngọn lửa Vovinam đến khắp mọi miền tổ quốc và thế giới; võ sư Trương Ngọc Để, Khúc Văn Bón, Nguyễn Quốc Tâm – những người đặt nền móng cho Taekwondo Việt Nam; võ sư Lê Kim Hòa – bậc thầy Võ cổ truyền luôn giữ trọn tâm huyết với lớp trẻ; các thế hệ Judo như Nguyễn Long Vân, Nguyễn Hữu Huy, Lý Thành Tâm, Hoàng Việt Hùng, cùng các gia đình võ sư nhiều đời gắn bó với phong trào; võ sư Nguyễn Văn Ái – người thầy của nhiều thế hệ HLV Karate Thành phố…

Những con người ấy không chỉ giỏi chuyên môn mà còn mang trong mình khí chất cao quý của người truyền đạo – sống và dạy võ bằng cả cái tâm.

Chính từ môi trường cởi mở, đào tạo chuyên nghiệp và tinh thần không ngừng vươn lên, TP.HCM đã sản sinh và nuôi dưỡng, đào tạo ra nhiều vận động viên đỉnh cao, làm rạng danh thể thao nước nhà:

  • Trần Hiếu Ngân – HCB Taekwondo Olympic Sydney 2000.
  • Trần Quang Hạ – HCV Asiad 1994.
  • Nguyễn Đăng Khánh, Hồ Nhất Thống, Cao Ngọc Phương Trinh – những cái tên tiêu biểu cho võ thuật Việt.
  • Nguyễn Trần Duy Nhất – ngôi sao làng Muay thế giới.

Không ít VĐV từ các địa phương khác cũng đã chọn TP.HCM làm nơi học tập và phát triển sự nghiệp, chứng minh sức hút của mảnh đất này như một vùng đất lành của làng võ thuật Việt Nam.

Phong trào võ thuật thành phố Hồ Chí Minh: Từ truyền thống đến hiện đại - ngôi nhà chung của võ thuật Việt Nam - Ảnh 3.
Đoàn Thể thao Việt Nam và các võ sư Vovinam (Vs Nguyễn Văn Chiếu, Vs Võ Danh Hải) tại buổi họp giới thiệu và thuyết phục với Hội đồng Thể thao Đông Nam Á đưa Vovinam vào các kỳ tranh tài SEA Games (Pattaya, Thái Lan năm 2006)

Những gia đình võ thuật – Truyền thống và bản sắc sống động

Một nét đặc biệt tạo nên chiều sâu của phong trào võ thuật TP.HCM chính là sự hiện diện của những gia đình võ sư truyền thống nhiều đời, nơi võ thuật không chỉ là một môn học hay nghề nghiệp, mà là đạo sống được truyền thụ bằng tình yêu, niềm tin và tinh thần phục vụ cộng đồng.

Gia đình võ sư Nguyễn Hữu Huy với ba người con – Nguyễn Quốc Tuấn, Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Quốc Thắng – là một hình mẫu tiêu biểu về sự kế thừa và cống hiến bền bỉ cho Judo Việt Nam. Cả ba người con đều trở thành HLV, trọng tài có uy tín, đóng góp tích cực cho phong trào Judo TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Gia đình cố Tổng Thư ký Liên đoàn Judo Việt Nam Lý Thanh Tâm cũng là một điểm sáng trong làng võ thuật thành phố. Người con trai – Tiến sĩ Lý Đại Nghĩa, hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Judo Việt Nam – cùng người vợ là võ sư Trần Mai Thúy Hồng, đã dốc lòng phát triển phong trào Judo đỉnh cao, đồng thời tiên phong trong việc đưa Judo đến với người khuyết tật, mở ra cánh cửa nhân văn đầy cảm động của võ đạo Việt Nam.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến gia đình võ sư Từ Thiện (Hồ Văn Lành) – Chưởng môn phái Tân Khánh Bà Trà và con trai là TS, võ sư Hồ Tường, những người đã âm thầm và bền bỉ nối tiếp cha ông trong việc bảo tồn và phát triển môn võ Tân Khánh Bà Trà – một dòng võ cổ truyền mang đậm bản sắc dân tộc và tinh thần nghĩa hiệp phương Nam. Gia đình ông không chỉ đào tạo thế hệ trẻ mà còn tích cực tham gia công tác xã hội, lan tỏa hình ảnh người võ sư như một “hiệp sĩ nhân dân” giữa đời thường.

Những gia đình như thế, với truyền thống và tâm huyết, chính là những cột mốc sống của lịch sử võ thuật TP.HCM, góp phần giữ gìn bản sắc, truyền cảm hứng cho thế hệ mới và chứng minh rằng: Võ thuật không chỉ là sức mạnh, mà còn là văn hóa, là di sản tinh thần được trao truyền bằng trái tim và trách nhiệm.

Kỳ vọng về một thế hệ võ đạo mới

Trong lần gặp rất tình cờ mới đây tại Trung tâm HLTTQG TP.HCM vào những tháng 4 năm nay, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Hà Quang Dự, người có nhiều năm gắn bó với thể thao Việt Nam, đã bày tỏ tình cảm sâu sắc với võ thuật TP.HCM:

“Tôi rất trân quý và có nhiều tình cảm với phong trào võ thuật, đặc biệt là những con người của vùng đất Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây đã đóng góp những thành tích đầu tiên cho thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Nếu được đầu tư đúng mức, được hun đúc tinh thần võ đạo và lòng yêu nước, thì võ thuật Việt Nam- với ngọn cờ đầu là TP.HCM – chắc chắn sẽ gặt hái những thành tích xứng đáng, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.”

Với truyền thống võ thuật từ lâu đời, hun đúc trên mảnh đất hào sảng – nơi mà nghĩa khí, nhân văn và tinh thần thượng võ luôn hòa quyện trong từng bước chân người dân – TP.HCM không chỉ là nơi giữ lửa quá khứ, mà còn là nơi khơi dậy những khát vọng lớn cho tương lai võ thuật Việt Nam.

Trong thời khắc đặc biệt – kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, khi cả dân tộc cùng nhìn lại hành trình đã qua và hướng đến một tương lai thịnh vượng, chúng ta có thể tin rằng phong trào võ thuật TP.HCM sẽ tiếp tục được đầu tư, tiếp sức và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa. Võ thuật TP.HCM sẽ không chỉ đóng góp vào thể thao đỉnh cao, mà còn góp phần xây dựng một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập toàn cầu.

TS. Võ Danh Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật Thế giới, Nguyên Tổng Thư ký Liên đoàn Vovinam Thế giới

Kỷ Niệm 40 Năm Vovinam – Việt Võ Đạo Tại Senegal: Võ Thuật Việt Nam Khẳng Định Vị Thế Toàn Cầu

Ngày 30/4/2025 tại thủ đô Dakar, buổi họp báo công bố sự kiện “Giải võ thuật quốc tế kỷ niệm 40 năm thành lập Vovinam – Việt Võ Đạo Senegal” đã diễn ra long trọng, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển của môn võ Việt tại châu Phi.

Sự kiện do Ủy ban Quốc gia Senegal Quản lý Vovinam – Việt Võ Đạo (CNG) tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Thanh niên, Thể thao và Văn hóa Senegal, phối hợp với các cơ quan cấp cao như Bộ Nội vụ, Ủy ban Olympic quốc gia Senegal và Văn phòng Tổng thống.

Tham dự buổi họp báo là sự hiện diễn của nhiều đại biểu quan trọng của giới võ thuật quốc tế và Senegal

Tham dự buổi họp báo có sự hiện diện của nhiều nhân vật quan trọng trong giới võ thuật quốc tế và Senegal, bao gồm:

  • Võ sư Trần Nguyên Đạo, Chủ tịch Hội đồng Võ sư Thế giới.
  • Tiến sĩ Phạm Quang Long, Chủ tịch Viện Khoa học Huấn luyện Võ thuật Việt Nam (IVS).
  • Võ sư Abdoulaye SENE, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Senegal Quản lý Vovinam – Việt Võ Đạo.
  • Ông Djibril SARR, Chủ tịch Hội đồng Võ sư Senegal, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Senegal Quản lý Vovinam – Việt Võ Đạo.
  • Võ sư Philipe SAWADOGO, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam – Việt Võ Đạo Burkina-Faso.
  • Ông Fernand OUEDRAOGO, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Vovinam – Việt Võ Đạo Châu Phi.
  • Võ sư Phùng Trọng Kiệt, Tổng Thư ký Tổng Liên đoàn Vovinam – Việt Võ Đạo Thế giới.
  • Võ sư Bloume Daniel, Ủy viên Quốc tế đặc trách phát triển Vovinam – Việt Võ Đạo.
  • Võ sư GUERRIB Amar, Phó Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật Quốc tế.

Ban tổ chức cho biết, giải đấu năm nay sẽ có sự tham gia của các quốc gia như Pháp, Bỉ, Việt Nam, Senegal, Tunisia, Burkina Faso, Mauritania, Togo, Niger, Mali, và nhiều quốc gia khác, thể hiện sự lan tỏa mạnh mẽ của Vovinam – Việt Võ Đạo trên toàn cầu.

Giải quy tụ nhiều VĐV đến từ các quốc gia tham dự

Giải võ thuật quốc tế kỷ niệm 40 năm thành lập Vovinam – Việt Võ Đạo Senegal không chỉ là một sự kiện thể thao mà còn là dịp để nhìn lại chặng đường 40 năm phát triển của môn võ này tại Senegal, từ những ngày đầu tiên đến khi trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hóa và thể thao của quốc gia này.

Các VĐV đến từ Việt Nam

Vovinam – Việt Võ Đạo, môn võ truyền thống của Việt Nam, đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 11/2023. Hiện nay, môn võ này đã có mặt tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 2,5 triệu võ sinh tham gia luyện tập, góp phần quảng bá văn hóa và hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Sự kiện lần này không chỉ là một giải đấu võ thuật mà còn là minh chứng cho sự phát triển bền vững và tầm ảnh hưởng của Vovina tại châu Phi

Sự kiện lần này không chỉ là một giải đấu võ thuật mà còn là minh chứng cho sự phát triển bền vững và tầm ảnh hưởng ngày càng rộng lớn của Vovinam – Việt Võ Đạo trên trường quốc tế, đặc biệt là tại châu Phi.

TS Phạm Quang Long, Chủ tịch Liên đoàn Lân Sư Rồng thay mặt Uỷ ban Olympic Việt Nam trao quà của Uỷ ban Olympic đến bà Bà Khady Diene Gaye, Bộ Trưởng Bộ Thanh niên Thể thao và Văn hóa Senegal

Sau cuộc họp báo do Ban tổ chức giải tổ chức, TS Phạm Quang Long đã có cuộc gặp gỡ với Bà Khady Diene Gaye, Bộ Trưởng Bộ Thanh niên Thể thao và Văn hóa Senegal, để trao quà của Ủy ban Olympic Việt Nam và quà của Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam. Nữ Bộ Trưởng Khady Diene Gaye rất thích thú về những món quà này cũng như gửi lời cảm ơn tới Bộ Trưởng Nguyễn Văn Hùng và Ủy ban Olympic Việt Nam cũng như Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam.

TS Phạm Quang Long trào quà của Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam đến bà Khady Diene Gaye, Bộ Trưởng Bộ Thanh niên Thể thao và Văn hóa Senegal

Bà Bộ Trưởng cũng chia sẻ giải đấu Kỷ niệm 40 lần này do Tổng thống bảo trợ, Thủ tướng cấp phép và Bộ Thanh niên Thể thao Senegal cấp kinh phí.

Bà Khady Diene Gaye, Bộ Trưởng Bộ Thanh niên Thể thao và Văn hóa Senegal bày tỏ cảm giác thích thú trước những món quà tặng của đoàn Việt Nam

Ngày 2/5 sẽ khai mạc giải, đồng thời cũng là ngày kỷ niệm tròn 1 năm 1 tháng ông Bassirou Diomaye Diakhar Faye nhậm chức Tổng thống Senegal.

Bộ Trưởng Khady Diene Gaye sinh 1985 là môn sinh Vovinam, bà đã học Vovinam lúc sinh viên ở đại học Saint Louis, thầy dạy Vovinam của bà là ông Sene Abdoulaye, hiện đang là Chủ tịch của giải đấu quốc tế kỷ niệm 40 Vovinam Senegal (ông là học trò của Võ sư Trần Nguyên Đạo)

Xem thêm một số khoảnh khắc tại sự kiện

Phúc Sơn

Hình ảnh ấn tượng buổi tổng duyệt diễu binh 30/4 trên đường Lê Lợi, TP.HCM

Sáng ngày 27/4/2025, không khí tại trung tâm TP.HCM trở nên sôi động và đầy tự hào khi hàng chục nghìn chiến sĩ tham gia buổi tổng duyệt diễu binh, diễu hành, chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Buổi tổng duyệt có sự tham gia của 23 khối quân đội và dân quân tự vệ, 13 khối lực lượng công an, 12 khối diễu hành quần chúng, 4 khối nghi trượng và 3 khối quân đội nước bạn. Đây là hoạt động chuẩn bị quy mô lớn, diễn ra trước ngày lễ chính thức 30/4.

Khối cờ Đảng, cờ Tổ quốc trong trang phục màu trắng đồng bộ diễu hành với đội hình hàng ngang ngay ngắn, đều tăm tắp.

Đúng 8h07 sáng, tiếng động cơ trực thăng vang vọng trên bầu trời mang theo cờ Đảng, cờ Tổ quốc, mở màn cho buổi tổng duyệt hoành tráng. Các khối đội hình lần lượt diễu qua lễ đài một cách trang nghiêm trong tiếng reo hò của người dân và sự chào đón của lãnh đạo thành phố.

Xe chỉ huy, tổ quân kỳ toàn quân đi qua đường Lê Lợi.

Sau khi diễu qua khán đài chính tại đường Lê Duẩn, các đoàn diễu binh, diễu hành nhanh chóng tỏa ra bốn hướng: Công viên Bến Bạch Đằng, Công viên Tao Đàn, Công viên Lê Văn Tám và Sân vận động Hoa Lư, kết thúc buổi tổng duyệt vào lúc 9 giờ sáng.


Khối nữ quân nhạc trong trang phục trắng, đội mũ beret đỏ, đeo găng tay trắng và thắt lưng vàng.

Điều đặc biệt, ngay từ rạng sáng, hàng nghìn người dân đã đổ về khu vực trung tâm thành phố để tìm cho mình vị trí thuận lợi theo dõi sự kiện. Không khí tại hiện trường vô cùng náo nhiệt, với sắc đỏ rực rỡ của cờ Tổ quốc và những chiếc áo đỏ sao vàng.

Khối sĩ quan đại diện cho 5 cánh quân tiến vào Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tái hiện hình ảnh 5 mũi tiến công thần tốc góp phần làm nên chiến thắng ngày 30/4/1975.
Khối sĩ quan đại diện cho 5 cánh quân tiến vào Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tái hiện hình ảnh 5 mũi tiến công thần tốc góp phần làm nên chiến thắng ngày 30/4/1975.

Với góc máy từ trên cao, nhiếp ảnh gia Nguyễn Bảo đã ghi lại những khoảnh khắc sống động nhất của buổi tổng duyệt: từ hình ảnh khối nữ quân nhạc duyên dáng trong đồng phục trắng tinh, khối sĩ quan đại diện cho 5 cánh quân tiến vào Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đến hình ảnh các khối sĩ quan Hải quân, Phòng không – Không quân, Hậu cần – Kỹ thuật diễu hành kiêu hãnh.

Khối sĩ quan Phòng không – Không quân đại diện cho lực lượng bảo vệ vùng trời và không phận quốc gia.

Buổi tổng duyệt không chỉ thể hiện tinh thần quân dân đoàn kết, mà còn là lời tri ân sâu sắc đến thế hệ đi trước đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc, đồng thời khẳng định sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của đất nước trong thời đại mới.

Khối sĩ quan Hậu cần – Kỹ thuật đại diện cho lực lượng bảo đảm vật tư, kỹ thuật và hậu cần cho toàn quâjn
Khối sĩ quan Hải quân đại diện cho lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa của Tổ quốc.
Khối chiến sĩ Giải phóng quân trong quân phục xanh lá đặc trưng, đội mũ tai bèo.

Ảnh: Nguyễn Bảo – TravelSig+

Xã Hội Hóa Kinh Phí – Chìa Khóa Thành Công Cho Giải Muay Quận 3 Mở Rộng 2025

Giải Vô địch Muay Quận 3 Mở rộng 2025 đã diễn ra thành công tốt đẹp, thu hút sự quan tâm của đông đảo người yêu thể thao và đánh dấu bước phát triển mới cho phong trào Muay tại TP.HCM.

Sự kiện năm nay không chỉ ghi nhận chất lượng chuyên môn vượt trội mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng, đặc biệt nhờ sự đồng hành quý báu của các mạnh thường quân, những người đã góp phần làm nên uy tín và tầm vóc của giải đấu.

Khách mời, nhà tài trợ, BTC, các VĐV chụp ảnh sau giải đấu

Giải đấu năm nay quy tụ 42 câu lạc bộ từ nhiều địa phương tham dự, hứa hẹn một mùa giải bùng nổ và sôi động. Buổi lễ trao giải vinh dự đón tiếp sự hiện diện của ông Lê Hữu Sơn Tùng – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao Quận 3, ông Giáp Trung Thang – Tổng thư ký Liên đoàn Muay TP.HCM cùng gần 300 khán giả đến cổ vũ, tạo nên bầu không khí nhiệt huyết và chuyên nghiệp.

Các phần quà gửi đến các võ sĩ tham dự đều là những sản phẩm đến từ các đơn vị tài trợ giải
Sự đồng hành của các nhà tài trợ đã góp phần lớn mang đến thành công cho giải đấu năm nay

Một yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công của giải đấu chính là sự chung tay bền bỉ của các nhà tài trợ thường niên: Võ Phục Duy Thắng, BFA Audio (âm thanh sự kiện), Công ty in ấn Hoàng Vĩnh Bảo, Túi xách Hoàng Gia Phú, Công ty du lịch NV Sports Camp và D Muối. Họ không chỉ hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất mà còn góp phần lan tỏa tinh thần thể thao đến cộng đồng.

Dù là giải phong trào nhưng sự chuẩn bị đầy đủ trong công tác tổ chức của giải đã được Liên đoàn Muay TP.HCM và Trung tâm Văn hoá Thể thao Quận 3 đánh giá cao

Giải được lãnh đạo Liên đoàn Muay TP.HCM và Trung tâm Văn hóa Thể thao Quận 3 đánh giá rất cao về công tác tổ chức. Dù là giải phong trào, nhưng với sự quy tụ đông đảo các CLB lớn nhỏ cùng cách vận hành bài bản, chuyên nghiệp, giải đã thực sự trở thành sân chơi hấp dẫn, đáng mong đợi hàng năm.

Các đơn vị tham gia giải đều có thành tích và được vinh danh tạo nên một mùa giải ý nghĩa

Về thành tích, CLB Tiger Muay Quận 3 xuất sắc giành ngôi Nhất toàn đoàn với 3 cúp, theo sau là CLB Tiger Muay Thủ Đức với 2 cúp, và CLB Tiger Muay Long An – lần đầu tham dự – cũng xuất sắc đoạt 1 cúp. Các đơn vị khác đều có thành tích và được vinh danh, tạo nên một mùa giải sôi động và tràn đầy ý nghĩa.

Có thể nói, chính sự đồng hành bền bỉ của các mạnh thường quân và sự chung sức từ cộng đồng đã giúp Giải Vô địch Muay Quận 3 Mở rộng 2025 trở thành một dấu ấn thành công, tiếp tục thắp lửa đam mê võ thuật trong lòng người yêu thể thao thành phố.

Xem thêm một số khoảnh khắc thi đấu tại giải

Thanh Thiên – Ảnh: BTC

Quảng bá văn hóa – võ thuật Việt Nam: IVS tham dự và biểu diễn tại Giải võ thuật quốc tế kỷ niệm 40 năm thành lập Vovinam tại Senegal

Đoàn đại biểu Việt Nam do Tiến sĩ Phạm Quang Long – Chủ tịch Viện Khoa học Huấn luyện Võ thuật Việt Nam (IVS) – dẫn đầu sẽ tham dự Giải võ thuật quốc tế kỷ niệm 40 năm thành lập Vovinam – Việt Võ Đạo Senegal, diễn ra từ ngày 30/4 đến 4/5/2025.

Sự kiện được tổ chức bởi Ủy ban Quốc gia Senegal Quản lý Vovinam – Việt Võ Đạo (CNG), dưới sự bảo trợ của Bộ Thanh niên, Thể thao và Văn hóa Senegal, phối hợp cùng nhiều cơ quan cấp cao như Bộ Nội vụ, Ủy ban Olympic quốc gia Senegal và Văn phòng Tổng thống.

Poster sự kiện 40 năm Vovinam – Việt Võ Đạo in hình Tổng thống Senegal, người bảo trợ cho giải đấu.

Giải đấu quy tụ các vận động viên, huấn luyện viên đến từ 11 quốc gia châu Phi thuộc Tổng liên đoàn Vovinam – Việt Võ Đạo châu Phi (CAF-VVD), cùng một số nước châu Âu và Việt Nam.

Các võ sư, huấn luyện viên, môn sinh Vovinam – Việt Võ Đạo tại các nước châu Phí

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn Việt Nam sẽ chuyển thư chúc mừng từ Ủy ban Olympic Việt Nam tới Ủy ban Olympic quốc gia Senegal, đồng thời tổ chức biểu diễn Lân Sư Rồng nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam tại Senegal.

Vovinam đã có sự phát triển mạnh mẽ tại các quốc gia châu Phí trong thời gian qua

Ngoài việc thi đấu Vovinam – Việt Võ Đạo, chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian như Lân Sư Rồng sẽ góp phần phát triển phong trào võ thuật và văn hóa Việt Nam tại châu Phi.

Vận động viên của Viện Khoa học Huấn luyện Võ thuật Việt Nam – IVS tập luyện trước giải đấu

Tham gia sự kiện, học sinh IVS sẽ có cơ hội mở rộng giao lưu quốc tế, nâng cao kỹ năng ngoại ngữ và lan tỏa các giá trị Olympic. Việc IVS là thành viên của Tổng liên đoàn Vovinam – Việt Võ Đạo Thế giới (thành lập năm 1996 tại Paris, Pháp) cũng mở ra nhiều cơ hội cọ xát tại các giải đấu quốc tế trong tương lai.

Phong Hải

Para Pickleball Khởi Tranh Sôi Nổi tại Giải Vô Địch Thể Thao Người Khuyết Tật TP.HCM Mở Rộng 2025

Sáng ngày 26-4-2025, tại Câu lạc bộ 2/9 Tân Bình, TP.HCM, môn thi Para Pickleball đã chính thức khởi tranh trong khuôn khổ Giải Vô địch Thể thao Người Khuyết Tật Thành phố Mở rộng năm 2025.

Sự kiện thu hút 56 vận động viên khuyết tật tham gia tranh tài ở 12 nội dung thi đấu, được phân loại theo mức độ thương tật. Đây là đợt tuyển chọn quan trọng nhằm hình thành lực lượng Tuyển TP.HCM chuẩn bị tham dự Giải Vô địch Quốc gia năm nay.

Pickleball là môn thể thao kết hợp giữa quần vợt, cầu lông và bóng bàn, sử dụng vợt và bóng nhựa có lỗ. Với luật chơi đơn giản, dễ tiếp cận, Pickleball đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam, đặc biệt trong cộng đồng người khuyết tật. Phong trào “Pickleball cho tất cả – Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã chính thức ra mắt tại TP.HCM, tạo ra sân chơi lành mạnh, tăng cường sức khỏe và kết nối cộng đồng người khuyết tật.

Sân chơi thể thao ý nghĩa, truyền cảm hứng mạnh m

Giải đấu không chỉ là nơi các vận động viên thể hiện tài năng, ý chí và tinh thần thể thao, mà còn lan tỏa thông điệp: người khuyết tật hoàn toàn có thể chinh phục các môn thể thao mà họ đam mê.

Các VĐV tham dự giải chụp ảnh lưu niệm

Sự kiện cũng góp phần thay đổi nhận thức xã hội, xây dựng môi trường hòa nhập và sẻ chia.

Hướng tới SEA Games và tương lai chuyên nghiệp

Việc tổ chức các giải đấu như Para Pickleball không chỉ giúp phát hiện, bồi dưỡng tài năng thể thao trong cộng đồng người khuyết tật mà còn thúc đẩy sự phát triển của môn Pickleball tại Việt Nam.

Phong trào Pickleball đã lan toả và phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng người khuyết tật – Ảnh: Internet

Theo kế hoạch, Pickleball sẽ được đưa vào nhóm môn trải nghiệm tại SEA Games 2025 (Thái Lan) và trở thành môn thi đấu chính thức tại SEA Games 2027 (Malaysia). Đây sẽ là cơ hội để các vận động viên Việt Nam vươn tầm khu vực và quốc tế.

Phong Hải

Khởi Công Dự Án Cải Tạo, Sửa Chữa Nhà Thi Đấu TDTT Phú Thọ – Bước Chuẩn Bị Cho Tương Lai Thể Thao TP.HCM

Sáng ngày 26/4/2025, trong không khí hân hoan chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cùng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp đã tổ chức lễ khởi công Dự án cải tạo, sửa chữa Nhà thi đấu Thể dục Thể thao (TDTT) Phú Thọ.

Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ, khánh thành vào tháng 11/2003, từng là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện thể thao lớn như SEA Games 22, Asian Indoor Games, cùng hàng ngàn hoạt động thể thao, chính trị, kinh tế, xã hội của TP.HCM. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm hoạt động, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hạng mục và trang thiết bị không còn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của việc tập luyện, thi đấu các môn thể thao. ​

Ông Nguyễn Nam Nhân, Phó Giám đốc Sở VH-TT phát biểu tại lễ khởi công

Dự án cải tạo lần này nhằm nâng cấp toàn diện kết cấu, kỹ thuật và trang thiết bị, đáp ứng tiêu chuẩn tổ chức sự kiện quốc gia, quốc tế, chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc lần X – 2026 và tiếp tục phục vụ các sự kiện lớn trong tương lai. Các hạng mục cải tạo bao gồm: sàn thi đấu, khán đài, mái vòm, khu tập luyện phụ, hàng rào, hệ thống điện nước, hệ thống chiếu sáng, phòng máy kỹ thuật và đường nội khu.

Tổng mức đầu tư cho công trình sửa chữa, cải tạo Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ ước khoảng 229 tỉ đồng từ nguồn vốn đầu tư công của thành phố. Đơn vị thi công chính là Công ty CP xây dựng Phú An Thịnh, COINCO là đơn vị tư vấn giám sát công trình. Thời hạn sửa chữa từ tháng 5/2025 đến tháng 6/2026, đảm bảo hoàn thành kịp đưa vào phục vụ công tác tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc 2026 tại TP.HCM.

Các đại biểu chuẩn bị nghi thức khởi công

Việc cải tạo Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ không chỉ là bước chuẩn bị quan trọng cho các sự kiện thể thao sắp tới, mà còn khẳng định sự quan tâm của thành phố đối với sự phát triển bền vững của ngành thể thao, đồng thời tiếp tục duy trì và phát huy giá trị của một công trình gắn liền với những dấu ấn lịch sử đáng tự hào.

Phong Hải

Trường Đại học TDTT tổ chức Lễ trao bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ và Cử nhân ngành giáo dục và thể thao năm 2025

Sáng ngày 25/4/2025, trong không khí trang trọng và đầy cảm xúc, Trường Đại học Thể dục Thể thao TP.HCM đã tổ chức Lễ trao bằng tốt nghiệp Tiến sĩ, Thạc sĩ và Cử nhân cho các tân khoa thuộc các chuyên ngành: Giáo dục học, Huấn luyện thể thao, Y sinh học thể thao, Quản lý thể thao và Giáo dục thể chất.

Buổi lễ không chỉ đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình học tập, rèn luyện của các tân Tiến sĩ, Thạc sĩ và Cử nhân, mà còn là dịp để nhà trường tôn vinh những nỗ lực, cống hiến bền bỉ của đội ngũ giảng viên và sinh viên suốt thời gian qua.

Ban giám hiệu, giảng viên chụp ảnh lưu niệm cùng với tân tiến sĩ, thạc sĩ và cử nhân

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Linh – Phó Hiệu trưởng nhà trường – đã gửi gắm nhiều tâm tư, tình cảm sâu sắc, khiến cả hội trường lắng đọng. Bài diễn văn chân thành như một thước phim quay chậm, giúp mỗi sinh viên nhìn lại hành trình 4 năm thanh xuân dưới mái trường TDTT thân yêu, nơi họ đã học, đã lớn và sẽ luôn được tự hào gọi là “một phần không thể thiếu trong đại gia đình Trường Đại học TDTT TP.HCM”.

Tân Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Thụy Song Hà phát biểu tại buổi lễ

Đặc biệt xúc động là phần phát biểu tri ân của Tân Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Thụy Song Hà. Những giọt nước mắt nghẹn ngào trên bục phát biểu không chỉ là cảm xúc cá nhân, mà còn là biểu tượng cho hành trình học thuật đầy nỗ lực và khát khao cống hiến cho thể thao nước nhà.

Ban lãnh đạo nhà trường trao bằng cho Tân Tiến sĩ Bác sĩ Nguyễn Thụy Song Hà

Trong đợt tốt nghiệp lần này, thể thao TP. Hồ Chí Minh vinh dự đón nhận thêm một tiến sĩ, ba thạc sĩ và 69 cử nhân – một lực lượng nhân sự chất lượng cao, đầy nhiệt huyết, hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của thể thao Thành phố trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của đổi mới, hội nhập và vươn mình mạnh mẽ.

Thanh Thiên

Khép lại Giải Vô địch Vovinam các đội mạnh quốc gia 2025: TP.HCM giữ vững ngôi vương 

Giải Vô địch Vovinam các đội mạnh quốc gia năm 2025 đã chính thức khép lại sau những ngày tranh tài sôi nổi tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Với sự tham gia của hàng trăm vận động viên đến từ các tỉnh, thành và ngành trên cả nước, giải đấu tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc phát triển và nâng tầm Vovinam – môn võ truyền thống của người Việt.

Một lần nữa, đội tuyển Vovinam Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện đẳng cấp và bản lĩnh của một đơn vị giàu truyền thống khi xuất sắc giành ngôi Nhất toàn đoàn. Với thành tích ấn tượng gồm 14 Huy chương Vàng, 01 Huy chương Bạc và 04 Huy chương Đồng, TP.HCM không chỉ hoàn thành mà còn vượt chỉ tiêu đặt ra trước thềm giải đấu.

Vovinam TP.HCM tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu về chất lượng VĐV với thành tích đạt được

Đặc biệt, ở nội dung đối kháng – vốn là điểm yếu trong nhiều mùa giải trước – các vận động viên TP.HCM đã tạo nên bước đột phá khi giành tới 04 Huy chương Vàng và 04 Huy chương Đồng. Thành tích này giúp đoàn TP.HCM lần đầu tiên sau nhiều năm vươn lên vị trí Nhất toàn đoàn ở nội dung thi đấu đối kháng, cho thấy sự đầu tư bài bản và chiến lược đúng đắn của ban huấn luyện.

Nội dung đối kháng đã có những cải thiện về mặt thành tích với lứa VĐV năm nay

Giải Vô địch Vovinam các đội mạnh quốc gia là sân chơi đỉnh cao, nơi quy tụ các võ sĩ xuất sắc nhất cả nước, góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn và tuyển chọn lực lượng cho các giải đấu quốc tế. Bên cạnh yếu tố chuyên môn, giải đấu cũng là dịp để các địa phương giao lưu, học hỏi và thúc đẩy phong trào tập luyện Vovinam trong cộng đồng.

Sự thành công của đội tuyển TP.HCM không chỉ minh chứng cho chất lượng đào tạo của đơn vị mà còn là động lực để các địa phương khác tiếp tục đầu tư phát triển bộ môn Vovinam

Sự thành công của đội tuyển TP.HCM không chỉ minh chứng cho chất lượng đào tạo của đơn vị mà còn là động lực để các địa phương khác tiếp tục đầu tư phát triển bộ môn Vovinam, hướng tới xây dựng thế hệ vận động viên kế thừa có trình độ cao, đủ sức chinh phục đấu trường quốc tế trong tương lai.

Thanh Thiên

Tin Liên quan