(Xevathethao.vn) – Thế giới võ thuật là một thế giới đa hệ. Nhiều trường phái, mỗi trường phái lại có một nét đặc trưng riêng, tất cả đều nằm trong một không gian văn hóa tổng hòa.
“Văn vô đệ nhất, võ vô đệ nhị”. Từ xưa tới nay, người luyện võ luôn mang trong mình một chút ngạo khí, một chút ngông cuồng. Cái khát khao trở nên mạnh hơn chính là động lực giúp cho họ kham nhẫn được những buổi tập nặng nhọc, các đau đớn, chấn thương.
Nhưng cũng chính cái sự khát khao pha chút hiếu thắng ấy đã dẫn đến không biết bao nhiêu thị phi, khi mà người võ sĩ khoác trên mình chiếc áo môn phái. Chiếc áo này thường hay biểu hiện bằng lối tư duy, “Môn của tôi phải là môn hay nhất, mạnh nhất, thực tế nhất. Môn của anh là môn hình thức, rỗng tuếch và không có tính thực chiến.”
Võ tổng hợp (MMA) và bắt đầu thi đấu chính thức vào khoảng 90 thế kỷ trước ở phương Tây. Kể từ khi ấy các môn phái có cơ hội được thực sự tranh tài, cọ sát trong một thể thức thi đấu có các điều luật công bằng và an toàn.
Hay quá, không cần tranh cãi nữa, đây là sân chơi cho các anh thi thố tài năng đây. Những tưởng mọi phỏng đoán về môn phái sẽ chấm dứt.
Hoá ra không phải vậy. Điều đáng buồn cười là thay vì tìm ra môn phái mạnh nhất, các môn phái bắt đầu nhận ra điểm mạnh của nhau và các võ sĩ buộc phải học từ nhiều môn phái để có thể thi đấu toàn diện hơn.
Ngày nay, một võ sĩ MMA tạm coi là đánh được, chắc chắn phải biết một bộ môn đấm đá, một bộ môn vật và một bộ môn khoá siết địa chiến. Thiếu một trong ba, chiến thuật của anh ấy rất dễ bị khoan thủng.
Đừng vội nghĩ là trước MMA, người luyện võ không tập đa môn bạn nhé. Các võ sư trước đây dù rất tôn trọng môn phái của mình, nhưng vẫn luôn luyện tập chéo với các võ sư ở bộ môn khác khi có cơ hội. Một võ sư Thái Cực Đạo mà có đi tầm sư thêm vài ngón nghề Nhu Đạo để bổ khuyết cho điểm yếu khi chiến đấu ở cự ly gần là điều rất bình thường.
Nếu anh hiếu kính các vị sư phụ của mình, không ai phiền não khi biết anh học thêm một môn mới để tiến bộ hơn, vì chính các vị là người hiểu rõ nhất không có môn phái nào là số một. Môn mạnh trường thì yếu đoản, môn giỏi quyền cước thì thiếu sót về cầm nã, siết vật quăng ném.
Ngẫm cho cùng, việc khoác một chiếc áo môn phái chỉ là một hình thức mong muốn sở hữu. Môn phái hay sư phụ muốn sở hữu học trò. Hoặc học trò muốn sở hữu vị thầy và môn phái.
Như Đức Phật đã dạy, chính vì không hiểu được rằng chằng có gì là “của ta”, mà người thức giả an yên bình thản trước các thị phi của cuộc đời.
Khi mình coi môn phái là “của mình”, khổ đau sẽ phát sinh. Tự nhiên ta bực mình khi có người nói xấu hạ thấp môn phái “của mình”. Xem truyền hình, người đại diện cho môn phái “của mình” mà thua lại khiến ta cáu giận, buồn chán. Khổ quá phải không nào?
Vậy nên đôi khi tâm bị dính mắc vào cái chuyện môn phái, có nên chăng ta ngồi xuống nhâm nhi li trà và nhớ lại lý do mình luyện võ. Ai cũng bắt đầu cũng để cường kiện thân thể, nuôi dưỡng các phẩm chất cao đẹp, rèn luyện tâm tính. Vậy thì chắc cái chuyện môn phái này cũng không liên quan lắm bạn nhỉ?
Vậy để kết lại bài viết đầu xuân này, cho tôi hỏi: “Bạn tập môn phái nào?”
Hãy trả lời thật trí tuệ bạn nhé.
Hiếu Nguyễn