Tại SEA Games 31, thể thao điện tử (eSports) Việt Nam đã đạt được những thành tích ấn tượng. Trong đó, những chiếc HCV là minh chứng cho người hâm mộ rằng đã đến lúc thay đổi suy nghĩ về việc phát triển Thể thao Điện tử Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp để hướng đến những thành tích ở đấu trường châu lục và quốc tế.
Thành tích ấn tượng của Thể thao Điện tử Việt Nam
eSports đã chứng minh được sức hút của mình khi lần thứ hai được đưa vào danh sách các bộ môn thi đấu chính thức tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) với tổng số 8 nội dung. Đây là kỳ SEA Games có số lượng vận động viên (VĐV) eSports tham dự lớn nhất (387 VĐV và Huấn luyện viên) đến từ 10 quốc gia Đông Nam Á. Sự kiện cũng đánh dấu lần đầu tiên có bộ huy chương thể thao điện tử dành cho các vận động viên nữ.
4 Huy chương vàng và 3 Huy chương bạc là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của các VĐV và kì vọng của người hâm mộ. Thành tích này tốt hơn khi so sánh với đóng góp 3 huy chương đồng của eSports Việt Nam tại kỳ SEA Games 30. Đồng thời cho thấy được những bước chuẩn bị chuẩn đầy đủ để mang lại thành tích ấn tượng hơn so với kỳ đại hội trước.
Ở nội dung Liên minh huyền thoại: Tốc chiến, dù mới ra mắt không lâu nhưng đội tuyển Việt Nam đã chứng minh được sự đáng gờm của mình khi lọt Top 8 đội nam và nữ mạnh nhất trong khu vực. Ngày 16-5-2022 vừa qua, đại diện đồng đội nam là Team Flash đã có những phần thi đấu hết sức mãn nhãn trước các đối thủ, giữ vững kết quả thắng liên tiếp từ vòng bảng tới chung kết để xuất sắc giành Huy chương vàng đầu tiên cho eSports Việt Nam tại SEA Games 31.
Đối với PUBG Mobile, đây là bộ môn tính cạnh tranh rất cao với các đại diện hàng đầu từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Ở nội dung cá nhân, tối 17/5, tuyển thủ Phan Văn Đông (Vicoi) – VĐV trẻ nhất của Việt Nam đã xuất sắc đem về thêm một tấm huy chương Vàng SEA Games 31 cho Thể thao Việt Nam.
Đầu tư nghiêm túc mang đến thành công
Cách đây vài năm, thể thao điện tử vẫn còn là điều gì đó mới mẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên với thế giới, đây là một ngành công nghiệp khổng lồ với doanh thu tỷ USD. Thậm chí, eSports đã trở thành lĩnh vực được đưa vào đào tạo chính thức tại nhiều trường Đại học danh tiếng trên thế giới của Mỹ, Canada, Hàn Quốc. Như nhiều môn thể thao khác, eSports đã có nhiều giải đấu quốc tế với những quốc gia hùng mạnh như Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc,….
Từ thực tế đó, SEA Games 31 là lần đầu tiên Việt Nam dành sự đầu tư bài bản vào công tác tổ chức các trận đấu eSports với mong muốn đây sẽ là đòn bẩy tốt không chỉ cho các VĐV mà còn đem lại những giá trị về kinh tế, xã hội cho đất nước. Ban tổ chức eSports tại Đại hội lần này được thành lập bao gồm đại diện BTC Đại hội, Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam VIRESA và các Nhà phát hành cùng các bên liên quan. Cùng với đó là lực lượng nhân sự gần 900 người phục vụ công tác tổ chức các trận đấu bao gồm quan chức kỹ thuật, trọng tài quốc tế, trọng tài quốc gia,…, thể hiện sự quan tâm rất lớn của các quốc gia trong khu vực đối với bộ môn này.
Sau những thành tựu tại SEA Games 31, các đội tuyển cũng ngay lập tức được các đơn vị đồng hành “thưởng nóng” – một minh chứng cho thấy sức hút không hề thua kém môn thể thao vua của eSports.
Rõ ràng, với quy mô tổ chức và sự đầu tư bài bản như trên, thể thao điện tử Việt Nam đã trưởng thành vượt khỏi giới hạn về “trò chơi điện tử” để được coi là một bộ môn thể thao chuyên nghiệp, nơi các VĐV đại diện Việt Nam tranh tài và đem huy chương về cho Tổ quốc. Với những chính sách đầu tư tương xứng và đúng đắn, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một “cường quốc” eSports của khu vực và thế giới, tận dụng những cơ hội màu mỡ từ mỏ vàng kinh tế số tỷ đô này. Do đó, những gì đạt được, Thể thao Điện tử tự tin hướng đến những bước tiến trong việc phát triển đào tạo ở mức chuyên nghiệp hơn.
Ảnh: Tổng hợp