Quy tụ khoảng 5.000 cư dân, làng Châu Phong gìn giữ nhiều phong tục truyền thống của bộ phận người Chăm theo Hồi giáo.

Làng Châu Phong nằm bên bờ Châu Giang, thuộc thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Đây là chốn cư ngụ của một bộ phận người dân tộc Chăm ở Tây Nam Bộ. Xuống thuyền, du khách đi trên những cây cầu gỗ nhỏ hẹp để dẫn vào các cửa hàng đồ thủ công hoặc tiệm bán đồ ăn vặt, dẫn lối vào làng.

Buổi sáng ngày thường, làng Châu Phong khá vắng vẻ khi trẻ con đi học. Tiết trời các tháng cuối năm phần nhiều mát mẻ, thuận tiện cho du khách thảnh thơi tản bộ, ngắm nhà cửa, quan sát đời sống. Ảnh: Phong Kiều

Bà con bản địa phần nhiều vẫn giữ thói quen sống trong các ngôi nhà gỗ thấp tầng. Cán bộ ở địa phương cho biết làng Châu Phong hiện có khoảng 5.000 cư dân theo đạo Hồi, với 1.000 hộ dân và khoảng 300 căn nhà gỗ còn được sử dụng.

Ở các đoạn trũng, người dân xây cất nhà sàn gỗ để tránh nước sông tràn vào mỗi khi đến mùa nước nổi. Điểm đặc biệt khi đến làng Châu Phong là đi bộ dọc đường làng, du khách có thể bắt gặp rất nhiều mèo. Tuy nhiên, người ở đây tuyệt đối không nuôi chó. Họ quan niệm nước dãi của chó không sạch sẽ, khó mang lại điềm lành. Ảnh: Phong Kiều

Trong khi người Chăm ở Bình Thuận và Ninh Thuận theo đạo Bà La Môn, người Chăm tại An Giang 100% theo đạo Hồi. Do đó, làng Châu Phong có nhiều thánh đường và tiểu thánh đường với kiến trúc đặc trưng của Hồi giáo. Nổi bật là thánh đường Masjid Al Nia’ Mah.

Xây dựng từ đầu thế kỷ 18 và được cải tạo trong thời gian 1952-1959, thánh đường có hai sắc màu: trắng tượng trưng cho sự thuần khiết và xanh lục thể hiện niềm hạnh phúc, an lạc vĩnh hằng.

Thánh đường có một khu nghĩa trang trong khuôn viên. Theo phong tục người Chăm, người chết được quấn lụa trắng ba vòng, đặt nằm nghiêng 45 độ và đầu hướng về phía Tây, nơi thờ thánh Allah. Ảnh: Phong Kiều

Theo quy tắc đạo Hồi, người Chăm ở Châu Phong mỗi ngày có năm cữ cầu nguyện, tại nhà hoặc ở thánh đường. Riêng thứ Sáu mỗi tuần, họ bắt buộc có mặt ở thánh đường cầu nguyện năm lượt. Tuy nhiên, phụ nữ tới tháng không được đặt chân vào thánh đường.

Mỗi khi đến đây, người dân phải mặc trang phục truyền thống. Đàn ông đội mũ, phụ nữ quấn khăn. Muốn tham quan bên trong thánh đường, du khách cũng cần mặc quần dài và áo kín tay.

Phụ nữ Chăm ở Châu Phong lưu truyền nghề dệt vải qua nhiều thế hệ gia đình. Bà Mari cho biết bà học nghề từ 15 tuổi và đã làm công việc này khoảng 50 năm. Ảnh: Phong Kiều

Mỗi ngày, bà dệt gần 10 chiếc khăn rằn, mỗi chiếc mất một tiếng. Ngoài bán cho khách du lịch đến thăm Châu Phong, các sản phẩm còn được chuyển đi nhiều tỉnh thành trong nước.

Hai món đặc sản không nên bỏ qua khi ghé chơi Châu Phong là bánh bò nướng thốt nốt và bánh ha nàm căn (màu trắng). Hai thứ bánh thơm nức mùi bột gạo và dừa non, mềm mịn và ngọt vừa; được tráng bằng chảo gang úp nắp gốm, trên bếp củi. Mỗi chiếc bánh tròn cỡ khoảng lòng bàn tay người lớn và được bán với giá 10.000 đồng. Ảnh: Phong Kiều

Chị Rofiah cho hay chị làm và bán hai món bánh đặc sản người Chăm này đã 20 năm. Hằng ngày, chị chuẩn bị bột từ ba rưỡi sáng, nhóm lò lúc hơn 4h và mở bán trong thời gian 6-10h sáng, mỗi ngày đổ khoảng 80 bánh. Chị cũng thường xuyên nhận lời mời biểu diễn làm bánh tại các lễ hội ẩm thực hoặc sự kiện du lịch.

Để đến làng Châu Phong, du khách có thể đón tàu tại cổng trên sông của khách sạn Victoria Châu Đốc – thành phố Châu Đốc.

Tàu mất khoảng 15 phút đến thẳng làng. Tuy nhiên, du khách có thể chọn vài điểm dừng trên sông, ghé thăm các nhà bè đủ sắc màu – nơi nuôi trồng cá ba sa của địa phương. Ảnh: Phong Kiều

Theo Phong Kiều (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: www.giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link