Chiến thắng một trận bóng luôn mang lại khoái cảm tuyệt vời, đặc biệt sau một trận thắng đấu loại trực tiếp ở đấu trường cao nhất thế giới.
Các cầu thủ có 1.001 cách biểu lộ khoái cảm đó. Đôi khi nhìn vào rất buồn cười. Và còn mỉa mai nữa, khiến người khác đôi lúc như bị chọc tức, như Brazil nhảy múa sau chiến thắng Hàn Quốc. Trận tiếp theo, họ thua Croatia.
Mọi câu chuyện đều có đầu mối
Nhìn vào bức ảnh đội Argentina mừng vui sau loạt đá luân lưu 11 m hạ Hà Lan, đầu tiên bạn hẳn sẽ thấy “ồ, có gì không ổn ở đây” và tự hỏi “có chuyện gì đây nhỉ?” Các cầu thủ Argentina chọc quê những người Hà Lan thua trận. Thua sau loạt sút 11 m luôn là cái thua tàn nhẫn nhất. Nhưng chuyện nào cũng có đầu mối của nó.
Trận đấu này có vô số đầu mối để người ta tàn nhẫn với nhau về mặt tâm lý như vậy. 17 thẻ vàng, kể cả những người ngồi trên băng ghế cũng phải nhận, thậm chí có thẻ đỏ rút ra trong loạt thi sút 11 m cho cầu thủ Hà Lan Denzel Dumfries.
Leandro Paredes phạm lỗi với Nathan Ake và sau đó cố tình phá trái bóng thẳng vào khu vực kỹ thuật của Hà Lan, may bóng đi vào chiếc trống. Virgil van Dijk “đo ván” Paredes ngay sau đó. Các cầu thủ dự bị Hà Lan lao ra phản ứng gây cảnh tượng hỗn độn.
Paredes may mắn không nhận thẻ vàng thứ hai, Van Dijk cũng không bị nhận thẻ. Chỉ có cầu thủ bị thay ra là Steven Bergwijn nhận thẻ. Thủ môn Andries Noppert lầm bầm gây sự với Lionel Messi khi anh chuẩn bị thực hiện cú phạt đền trong trận.
Loạt sút 11 m, thủ môn Emiliano Martinez luôn làm “công tác tâm lý” đối với các cầu thủ Hà Lan. Anh trì hoãn các pha sút của đối thủ, với nguyên lý đơn giản là người sút càng bị trì hoãn thời gian thực hiện cú sút, sự lo lắng của họ sẽ tăng lên và sút không tốt. Thủ môn này cầm trái bóng đợi Steven Berghuis đến gần để đưa, nhưng khi cầu thủ Hà Lan đến gần thò tay ra nhận bóng, Martinez quăng trái bóng sang một bên.
Trọng tài mấy lần nhắc Martinez nhưng không cho thẻ vàng nào. Các cầu thủ Hà Lan không vừa, họ đi theo người sút của Argentina để làm cũng làm “công tác tâm lý”, nhưng bị chặn lại. Dumfries nhận thẻ vàng thứ hai là vì thế.
Hà Lan thua thiệt trong trò chơi tâm lý
Martinez và Messi trong họp báo chỉ trích trọng tài Antonio Mateu Lahoz “vô dụng”, cho Hà Lan hưởng nhiều cú sút phạt trước vòng cấm của Argentina. Ông Lahoz “vô dụng” nhưng cũng hơi nghiêng về Argentina. Paredes không bị thẻ vàng thứ hai bởi pha bóng phi thể thao, Martinez không bị thẻ vàng, Messi chơi bóng bằng tay cũng không bị thẻ. Có lẽ trọng tài quá rõ thứ “nghệ thuật hắc ám” của người Argentina. Nếu dây vào họ quá sâu, trận đấu có thể bị vỡ nát ra thêm nữa.
Và người Hà Lan sai lầm khi chọc tức đối thủ là “chúa tể hắc ám” trong làng túc cầu thế giới. Chọc tức trước trận đấu vài hôm cho đến khi vào trận, bằng nhiều phát biểu khác nhau, của nhiều người khác nhau trên truyền thông. Bạn đã thấy Messi làm bất kỳ điều gì gây tranh cãi sau một trận đấu?
Leo đưa hai tay lên tai hướng về phía HLV Louis Van Gaal làm động tác nghe để khiêu khích “ông nói gì nữa đi, tôi nghe đây”. Messi còn đi thẳng đến vị trí của ban huấn luyện Hà Lan, bàn tay làm động tác như cái miệng đang nói “đồ nhiều chuyện”.
Messi sau trận đấu giải thích: “Tôi cảm thấy Van Gaal thiếu tôn trọng chúng tôi trong những bình luận của ông ấy trước trận đấu và một số cầu thủ Hà Lan đã nói quá nhiều trong trận đấu”.
Và sau đó, Messi đang khi phỏng vấn truyền hình quay ra quát mắng tiền đạo Hà Lan Wout Weghorst: “Nhìn gì thế, đồ ngốc? Biến đi”.
Đừng đùa với bậc thầy chiêu trò
Argentina là đội bóng giỏi về tiểu xảo, khiêu khích đối thủ, qua mặt trọng tài. Họ thể hiện “tố chất” này ngay từ giải World Cup đầu tiên 1930. Trong trận mở màn với Pháp, một pha vào bóng ác ý buộc thủ môn đối thủ phải rời sân ở phút thứ 20, và càng có nhiều tranh cãi khi trọng tài người Brazil thổi còi mãn cuộc sớm sáu phút khi Argentina đang dẫn trước 1-0.
Trận bán kết Argentina gặp Mỹ với 6 cầu thủ sinh ra ở Anh. Phút thứ 4, một pha vào bóng khiến thủ môn Mỹ dính chấn thương đầu gối. 6 phút sau, một pha phạm lỗi đặc biệt thô bạo làm gãy chân hậu vệ Mỹ Ralph Tracy. Thời đó chưa có luật thay người, chỉ còn 9 người trên sân, Mỹ thua 1-6.
Trận chung kết gặp chủ nhà Uruguay, một đội cũng tiểu xảo không kém. Hai bên không ai chịu ai về chuyện quả bóng, cuối cùng trọng tài quyết định hiệp đầu sử dụng quả bóng của Argentina và quả của Uruguay cho hiệp hai. Argentina thua 2-4.
World Cup 1978 tại Argentina, vòng đấu bảng thứ hai, lẽ ra lượt trận cuối thì hai trận Brazil gặp Ba Lan và Argentina chạm trán Peru đá cùng giờ, nhưng chủ nhà xếp Brazil đá trước. Khi có kết quả của Brazil, Argentina biết phải thắng Peru cách biệt 4 bàn để được vào đá trận chung kết. Argentina thắng trận đó 6-0. Về sau, một cựu thượng nghị sĩ Peru thú nhận tỷ số đó là kết quả dàn xếp giữa hai chính phủ.
World Cup 1986, vụ “Bàn tay của Chúa” ai cũng rõ. World Cup 1990, vòng 16 đội, Argentina với Diego Maradona đang bị đau đã đánh bại Brazil có đội hình rất mạnh. Nhiều năm sau, hậu vệ trái Branco của Brazil mới lên tiếng rằng bị “đánh thuốc mê” từ chai nước mà một người ở khu vực kỹ thuật của Argentina đưa ông uống hiệp đầu trong lúc khát quá, ra đường biên tìm nước uống.
Chai nước có dây buộc ở cổ chai như một dấu hiệu được đánh dấu là chai nước “đặc biệt” cho các cầu thủ Brazil, được pha với thuốc an thần Roipnol, uống vào lúc đầu chóng mặt, buồn ngủ. Branco xin được thay ra nhưng HLV yêu cầu tiếp tục thi đấu hết hiệp hai. Branco là chuyên gia đá phạt thời bấy giờ nhưng không thực hiện được cú sút nào trúng khung thành.
Maradona thừa nhận việc này trên một chương trình truyền hình. HLV Carlos Bilardo khi được hỏi về chuyện này, đã trả lời: “Tôi không biết nhưng không có nghĩa là điều đó không xảy ra, tôi không thể nói chắc chắn rằng nó đã không xảy ra”.
World Cup 1998, là vụ David Beckham sập bẫy Diego Simeone, thực hiện hành động dại khờ tạo cơ hội cho Simeone ăn vạ. Beckham nhận thẻ đỏ. Trận đó, Anh thua Argentina ở vòng 16 đội. Simeone có thể được xem là bậc thầy tiểu xảo của Argentina, kể cả khi làm cầu thủ cho tới khi làm HLV.
Ông có biệt danh “El Cholo” nhưng từ này không mang ý nghĩa gì, chỉ có từ này mới có ý nghĩa “Cholismo” có nghĩa là “trường phái của Cholo”, “triết lý của Cholo”, “chủ nghĩa của Cholo”, ám chỉ đến thứ bóng đá mưu mẹo, xảo quyệt mà “El Cholo” Simeone có thừa. Sau đó, có nhiều cầu thủ Argentina mưu mẹo như Ariel Ortega, Ever Banega, Fernando Gago…
Chấp nhận hay phê phán tiểu xảo?
Ở một số nền văn hóa, chơi bóng tiểu xảo được chấp nhận hơn so với các quốc gia khác. Các nước Nam Mỹ như Argentina, Uruguay, Brazil coi tiểu xảo là một phần của cuộc chơi, họ thích thú những pha đánh cùi chỏ kín, cũng như những pha né đòn thành công của một cầu thủ nào đó.
Ở Argentina và Uruguay, có một thành ngữ gọi là “viveza criolla”, được dịch là “sự xảo quyệt tự nhiên” và đề cập đến một nền văn hóa cố gắng giành lợi thế tâm lý trước đối thủ ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào có thể.
Còn một từ nữa là “picardía”, có nghĩa là xảo quyệt, sử dụng sự xảo quyệt để làm những điều mà trọng tài không nhìn thấy. Bình luận viên bóng đá người Chile Luis Tapia, làm việc cho đài truyền hình Univision, giải thích: “Ở châu Âu, nhiều cầu thủ ngôi sao lớn lên trong các lò đào tạo trẻ với mặt sân đẹp, đầy đủ tiện nghi. Ở Mỹ Latinh, nhiều cầu thủ thậm chí còn chưa học hết tiểu học, đá sân đất, không có giày, bóng đá là sự sống còn. Những người này lớn lên với khát vọng chu cấp cho gia đình, vì vậy họ học cách làm bất cứ điều gì cần thiết để đảm bảo rằng không thua cuộc. Những người khác có thể coi đó là trò chơi không công bằng, nhưng đó là một phần của trò chơi”.
Nhưng tiểu xảo cũng phải hàm chứa nghệ thuật. Thô thiển và thiếu đẹp mắt là bị cười chê. “Bàn tay của Chúa” có thể được tưởng thưởng như tác phẩm nghệ thuật. Pha gạt bóng của Luis Suarez trước khung thành có thể được xem là hy sinh vì tổ quốc. Nhưng trò ôm mặt ngã bổ ngửa ra phía sau của Rivaldo khi bị một cầu thủ Thổ Nhĩ Kỳ đá bóng vào đùi tại World Cup 2002 bị cười nhạo.
Một số nước như Australia dứt khoát phê phán hành vi tiểu xảo. Pháp sẵn sàng lên án hành vi gian lận khi họ là nạn nhân, nhưng lại ngoảnh mặt làm ngơ khi chính cầu thủ của họ là thủ phạm. Vài nước châu Á như Hàn Quốc chấp nhận một số hành động đóng kịch ở một mức độ nào đó. Nhưng nếu hành động đó trở thành chủ đề gây chú ý với truyền thông quốc tế, công chúng sẽ quay lưng và coi đó là hành động làm hoen ố danh tiếng của đất nước.
Sự kỳ vọng của các CĐV nhà là một thứ áp lực rất lớn đè nặng lên Messi và các đồng đội của anh.
Argentina chủ động xả van áp lực
Trở lại trận Argentina gặp Hà Lan, vài câu chê đối thủ của Van Gaal có lẽ cũng không đáng để các cầu thủ Argentina để tâm. Ngay cả câu nói của ông “chúng ta có lợi thế trên chấm 11 m, nếu đá chúng ta sẽ thắng” cũng chỉ nhằm động viên các cầu thủ. Nhưng các cầu thủ Argentina sẵn sàng góp sức để bơm cho quả bóng “trò chơi tâm lý” mà người Hà Lan tung ra căng thêm. Họ biết, nếu chơi đòn tâm lý, Hà Lan chỉ xứng là học trò.
Và chiến thắng cũng là lúc Messi và các đồng đội cần được xả van. Đây là kỳ World Cup cuối cùng của Messi và áp lực đè nặng lên vai rất lớn. Áp lực lên các đồng đội của Leo cũng nặng nề, vì World Cup có ý nghĩa thế nào với Messi thì nó cũng có ý nghĩa với họ như thế.
Sự đầu tư đầy cảm xúc vào giải đấu này ở quê nhà Argentina không hề phóng đại. Tháo van xả áp, xả thẳng áp lực vào đội bóng Hà Lan đáng ghét có thể là một lựa chọn có chủ ý của Messi.
Trận Hà Lan gặp Argentina trở thành một trong các trận đáng nhớ nhất World Cup 2022. Giống như nhiều trận đáng nhớ ở các World Cup trước có Argentina là đồng tác giả. Bóng đá không phải cờ vua. Bóng đá đôi khi cần thêm vài gia vị mạnh, như tranh cãi, khiêu khích, chế nhạo, thậm chí có thể ẩu đả. Tiểu xảo cũng là một phần của bóng đá, một phần của trò chơi, một phần của niềm vui.
Các phương tiện truyền thông Croatia lo lắng với chiêu trò của Argentina khi đối đầu với đội bóng của Luka Modric ở bán kết. Có các bài báo tố cáo rằng đội bóng của Messi đang nhắm vào một số cầu thủ Croatia nóng tính, khiêu khích để họ phát điên lên và bị đuổi khỏi sân.
Chưa rõ đây là thật hay là sản phẩm tưởng tượng của truyền thông Croatia. Nhưng nếu người Croatia muốn chơi trò tâm lý, họ phải hiểu họ đang chơi dao, mà chưa biết cầm dao đằng cán hay lưỡi.