“Tôi đã được trở về nhà. Cảm xúc của tôi lúc này rất mãnh liệt. Inter đã cho tôi nhiều thứ và tôi muốn cống hiến cho CLB nhiều hơn trước”, Romelu Lukaku phát biểu khi chính thức tái hợp Inter Milan.
Ở tuổi 28, lẽ ra Lukaku đang ở giai đoạn đỉnh cao và thăng hoa. Dù vậy anh chật vật trong màu áo Chelsea. Mùa giải vừa qua, Lukaku chỉ ghi 8 bàn tại Premier League. Con số quá ít ỏi so với mức giá 115 triệu euro mà “The Blues” đã chi.
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu đổ hết lỗi lầm lên Lukaku.
Thiếu đối tác ăn ý trên hàng công
Nhìn vào Tottenham để thấy tầm quan trọng mà một CLB sở hữu cặp đôi ăn ý. Harry Kane và Son Heung-min cùng nhau tạo ra nhiều bàn ở Premier League hơn bất kỳ bộ đôi nào khác trong lịch sử. Họ xếp trên cả Frank Lampard và Didier Drogba, Thierry Henry và Robert Pires, và Sergio Aguero và David Silva.
Mùa giải 2020/21, Inter giành Scudetto với sự hỗ trợ xuất sắc lẫn nhau giữa Lukaku và Lautaro Martinez. Bộ đôi này đã kết hợp với nhau cho 8 bàn thắng ở Serie A trong chiến dịch đó, chỉ Ruslan Malinovskyi và Duvan Zapata có thành tích tốt hơn.
Ở mùa giải Premier League vừa kết thúc, mối quan hệ tốt nhất của Chelsea là giữa Reece James với Kai Havertz (3 bàn). Trong số 8 bàn của Lukaku, không cầu thủ nào kiến tạo cho anh nhiều hơn một lần. Reece James, Mateo Kovacic, Cesar Azpilicueta, Callum Hudson-Odoi, Mason Mount, Christian Pulisic và Hakim Ziyech đều chỉ có 1 đường chuyền thành bàn cho Lukaku. Bàn còn lại, Lukaku ghi trên chấm 11 m ở trận hòa 2-2 với Wolves.
Việc thiếu một đối tác tại Stamford Bridge đã cản trở khả năng ghi bàn của Lukaku. Và thực tế, HLV Thomas Tuchel cũng thường xuyên xoay tua hàng công. Điều này khiến Lukaku mất nhiều thời gian thích nghi với đối tác mới hơn. Chelsea khi ấy không có một bộ khung tấn công ổn định. Đỉnh điểm là việc duy nhất Mason Mount đạt 2 con số cho bàn thắng hoặc kiến tạo ở Premier League mùa giải vừa qua.
Cách sắp xếp chiến thuật
Antonio Conte bố trí sơ đồ 3-5-2 để tạo điều kiện cho một hệ thống mà Lukaku và Martinez có thể phát triển mạnh mẽ. Ngược lại, Tuchel sử dụng sơ đồ 3-4-2-1 mà phần lớn không có nhiều cơ hội ghi bàn cho một trung phong truyền thống.
Số 9 trong hệ thống chiến thuật của Tuchel thường phải lùi sâu và kéo các hậu vệ ra khỏi vị trí, cho phép các tiền vệ cánh áp sát và khai thác không gian mà cách triển khai này tạo ra. Trong khi đó, các hậu vệ cánh chồng lên nhau và tấn công vào 1/3 cuối sân.
Tất nhiên, đây không phải là “vấn đề” dành riêng cho Lukaku ở Chelsea. Christian Pulisic đạt trung bình 52,28 lần chạm bóng mỗi 90 phút ở mùa giải 2021/22, nhưng khi được triển khai như một số 9 ảo, con số này giảm xuống thấy rõ. Cầu thủ người Mỹ thực hiện 39 lần chạm bóng trong trận hòa 1-1 với Everton và 30 lần chạm bóng trong trận hòa Wolves 0-0 Chelsea ngay trước Giáng sinh.
Mọi thứ thậm chí còn khó khăn hơn đối với Lukaku, một trung phong chơi trực diện và ít cơ động hơn. Anh sở hữu bản năng ghi bàn nhưng phải vật lộn trong một hệ thống không phù hợp. Lukaku từng chỉ có 7 pha chạm bóng ở trận gặp Crystal Palace. Về cơ bản, Chelsea cố mang về một tiền đạo mục tiêu để đảm nhận vai trò giống Roberto Firmino tại Liverpool. Nhưng Lukaku không phải kiểu cầu thủ như vậy.
Với cách sắp xếp của Tuchel, Lukaku không phải trung tâm của các đợt lên bóng. Ở đó, hậu vệ biên và các cầu thủ chạy cánh mới là những người thường xuyên tạo ra mối nguy hiểm, đồng thời gây áp lực cho đối thủ.
Tại Inter, chiến thuật của họ là đưa bóng cho Martinez và Lukaku càng nhanh càng tốt. Cách chơi như vậy cho phép bộ đôi này phối hợp nhịp nhàng, có nhiều thời gian cầm bóng hơn và tạo ra sự hỗn loạn ở 1/3 cuối sân. Đó là sự sắp đặt tương tự ở Tottenham dưới thời Antonio Conte.
Conte muốn Spurs đưa bóng lên phía trên tức thì, sử dụng những pha chuyển đổi nhanh và phản công hiệu quả. Kể từ trận ra mắt Spurs vào ngày 7/11, không đội nào ghi được nhiều bàn từ các pha phản công hơn Tottenham (4 bàn).
Trong cùng khoảng thời gian, Chelsea là 1 trong 3 câu lạc bộ duy nhất cùng với Leeds United và Everton không ghi được bàn nào từ một pha chuyển đổi lối chơi.
Mùa 2020/21, Inter do Conte chỉ đạo ghi được nhiều bàn thắng từ các phản công hơn bất kỳ CLB nào khác (9) và là đội duy nhất có hơn 40 pha chuyển đổi lối chơi nhanh lên phía trên (43).
Lukaku và Martinez mỗi người đều ghi 3 bàn từ những tình huống như vậy. Chỉ Victor Osimhen (4) ghi nhiều hơn. Lukaku cũng tham gia vào các pha chuyển đổi lối chơi nhiều hơn so với bất kỳ cầu thủ nào khác ở Serie A 2020/21 (17).
Triết lý của Tuchel mang lại cảm giác khó hiểu khi Chelsea ký hợp đồng với Lukaku. Hệ thống của họ được xây dựng dựa trên lối đá kiên nhẫn và kiểm soát. Inter, trong khi đó, thiết lập một nhịp độ tấn công điên cuồng để đưa bóng nhanh lên phía trước khi hàng thủ đối phương chưa kịp ổn định tình hình.
Cầu thủ người Bỉ có trung bình 0,53 lần luân chuyển bóng nhanh mỗi 90 phút tại Inter ở mùa 2020/21, so với chỉ 0,17 trong màu áo Chelsea ở mùa giải vừa qua.
Chelsea (4,63) chỉ xếp sau Man City (5,32) ở Premier League mùa trước về số đường chuyền trung bình thực hiện trong một đợt lên bóng, cho thấy một sự chậm chạp, kiên nhẫn và phức tạp hơn. Hay nói cách khác, Chelsea có lối đá hoàn toàn trái ngược với phong cách của Lukaku.
Về cơ bản, Tuchel ký hợp đồng với một tiền đạo thích hợp với cách đá “đột phá, nhanh chóng đưa bóng tiến tới khung thành” mà hoàn toàn không có ý định chơi như vậy. Vì thế, dễ hiểu khi Lukaku không thể thành công ở Chelsea như kỳ vọng.