Tranh cãi ai là cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại (G.O.A.T – Greatest Of All Time) chưa và nhiều khả năng sẽ không bao giờ khép lại, ngay cả Messi giành chức vô địch World Cup, và hoàn tất bộ sưu tập các danh hiệu.
Song Messi liệu thật sự đã vượt qua cái bóng của Diego Maradona? Zing gửi tới độc giả bài viết của cây bút Felipe Cardenas trên Athletic về chủ đề không bao giờ thiếu tranh cãi này.
Messi là số một
Cuối cùng, Lionel Messi đã giành được chức vô địch World Cup mà bấy lâu nay anh khát khao. Nhiều người từng cho rằng World Cup là mảnh ghép cuối cùng để Messi chính thức trở thành cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá, và giờ đây cuộc tranh luận ấy cũng đã đi tới hồi kết.
Với chức vô địch cùng đội tuyển Argentina, “El Pulga” đã nâng tầm những thành tựu trong sự nghiệp của anh lên mức vô tiền khoáng hậu.
Ngay sau trận Chung kết diễn ra vào Chủ Nhật vừa qua, câu hỏi liệu Messi có phải GOAT (Greatest of All Time – cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại) đã trở nên đặc biệt nóng hổi.
Những huyền thoại lần lượt dành cho Messi những lời có cánh trên mạng xã hội: Gary Lineker cho rằng Messi là “món quà từ Chúa”, hay theo Alan Shearer, Messi là “cầu thủ số một từng được sản sinh”. Ngôi sao quần vợt Andy Murray cũng đồng tình rằng, không chỉ riêng trong môn thể thao vua, Messi chính là vận động viên thể thao hay nhất mọi thời đại.
Có phải cổ động viên bóng đá đương đại đang dành quá nhiều sự ưu ái cho Messi? Hãy nhớ, Vua Bóng đá Pele đã giành tới 3 chức vô địch World Cup với đội tuyển Brazil vào các năm 1958, 1962 và 1970.
Tuy vậy, có một sự thật không thể phủ nhận rằng Messi đã chinh phục thành công tất cả những vinh quang trong làng túc cầu. Anh đã giành 4 chức vô địch Champions League, 7 Quả bóng Vàng, 11 chức vô địch quốc nội cùng FC Barcelona và Paris Saint Germain, 1 Copa America, và giờ đây, chức vô địch World Cup.
Tại Qatar, Messi đã ghi bàn thắng thứ 98 của mình trong màu áo Argentina, vượt qua huyền thoại Gabriel Batistuta để trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất cho Albiceleste tại các kì World Cup. Những con số và sự nghiệp đỉnh cao kéo dài của Messi đã nói lên tất cả.
Cúp vàng World Cup cũng đã đưa Messi vượt mặt Cristiano Ronaldo để trở thành cầu thủ vĩ đại nhất thế hệ của anh. Messi là số một – không còn gì phải bàn cãi.
Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề cuối cùng cần được làm rõ.
Mặc dù El Pulga đã xuất sắc giành World Cup, nhưng có lẽ anh chưa thể thoát khỏi cái bóng của cố huyền thoại Diego Armando Maradona – người được tôn thờ như một vị thánh tại quê nhà Argentina trong hơn 30 năm vừa qua.
Cái bóng của Maradona
Messi đã đưa nền bóng đá Argentina lên tới đỉnh cao. Anh được yêu mến bởi hàng triệu cổ động viên trên toàn thế giới, và giờ đây hoàn toàn được công nhận là một huyền thoại Argentina sau những năm tháng của sự căng thẳng, hoài nghi và chỉ trích tới từ các CĐV và phương tiện truyền thông nơi quê nhà.
Như Hugo ‘El Loco’ Gatti chia sẻ trong chương trình El Chiringuito tại Tây Ban Nha: “Đúng vậy, nếu để so sánh thì Messi chơi cũng rất hay. Nhưng tôi đã nói rồi, (Kylian) Mbappe là cầu thủ hay nhất thế giới với tiềm năng lớn nhất hiện tại. Họ nói tôi không ưa Argentina chỉ vì tôi nói ra những gì mình nhận định”.
Theo nhật báo Argentina La Nacion, những lời bình luận của Gatti về màn trình diễn của Messi trong trận Chung kết là “thực sự điên rồ”. Gatti là thủ môn đã từng có 18 lần ra sân trong màu áo ĐTQG Argentina thập niên 60 và 70.
Ông cũng từng chơi cho cả hai kì phùng địch thủ là Boca Juniors và River Plate, và được vinh danh là cầu thủ Argentina hay nhất năm 1982. Ông chính là người đứng trong khung gỗ Boca Juniors vào ngày 9/11/1980 – trận đấu mà Boca đã để thua 3-5 trước Argentinos Juniors của Maradona, và “Cậu bé vàng” đã ghi tới 4 bàn thắng.
Khi được hỏi rằng liệu Messi đã vượt qua Maradona sau chức vô địch World Cup, Gatti có lẽ đã nói thay cảm nhận của rất nhiều người yêu mến Maradona trên toàn thế giới: “Đầu tiên, không ai có thể vượt qua Pele, và tại Argentina, không ai có thể vượt qua Diego (Maradona). Tôi không rõ mình có đang nói lên sự thật khách quan hay không, nhưng đây là sự thật của tôi và nó đại diện cho cuộc đời bóng đá của tôi.”
Tuy vậy, El Chiringuito là một chương trình nổi tiếng dành cho các CĐV của Real Madrid. Những người dẫn chương trình và khách mời thường xuyên công kích Messi và ĐT Argentina trong hành trình World Cup 2022.
Trước trận chung kết giữa Argentina và Pháp, họ thậm chí tha thứ cho Mbappe sau những lùm xùm chuyển nhượng với Real Madrid mùa hè vừa qua, và cầu xin ngôi sao ĐT Pháp ngăn chặn Messi giành World Cup.
Những sự ưu ái có lẽ sẽ luôn tồn tại giữa những người đã được chứng kiến Maradona thi đấu đỉnh cao và những người coi Messi là một “tiêu chuẩn vàng”.
Sau chiến thắng 3-0 của trước ĐT Croatia tại bán kết, HLV Argentina Lionel Scaloni không ngần ngại đặt Messi lên trên Maradona: “Messi là cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại. Đôi khi điều này được nói ra chỉ bởi chúng tôi là người Argentina, nhưng tôi thực sự tin vào nó. Tôi không có chút nghi ngờ nào cả.”
Lời của HLV Scaloni trước báo chí đã nhận sự phản đối kịch liệt từ Angel Cappa – một HLV nội từng dẫn dắt nhiều CLB tại Argentina, một trợ lý cũ tại Barcelona cho huyền thoại Argentina Cesar Luis Menotti vào năm 1983. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Marca, Cappa đã chỉ điểm rằng ý kiến của Scaloni là “khoa trương” và “thiếu tầm nhìn”.
Cappa nói: “Sau (Alfredo) Di Stefano, Pele, (Johan) Cruyff và Maradona, giờ đây Messi hoàn toàn xứng đáng với vị trí thứ 5 trong làng túc cầu. Tôi chắc chắn rằng Scaloni không nhìn vào Cruyff, Di Stefano hay các danh thủ khác khi phát biểu. Messi là cầu thủ vĩ đại nhất trong bóng đá đương đại, tôi đồng ý, nhưng mọi thời đại ư? Không thể, vì bề dày lịch sử của môn thể thao này là quá lớn.”
Nếu chỉ dựa trên những danh hiệu, Messi chắc chắn đã đánh bại Maradona. Và nếu chúng ta muốn so sánh Messi và Maradona qua những chỉ số kỹ thuật: ai chạm bóng tốt hơn, ai nhanh hơn hay ai có cái chân trái chính xác hơn, chúng ta sẽ rơi vào những cuộc tranh luận đầy chủ quan và cảm tính.
BLV của tờ Telemundo, Andres Cantor, đã đưa ra một quan điểm thú vị: “Tôi nghĩ không nên có cuộc tranh luận nào ở đây, vì sự so sánh giữa hai thời đại và hai thế giới bóng đá này là hoàn toàn khập khiễng. Diego Maradona đã chơi bóng trên những sân toàn bùn. Ông bị đốn vào đầu gối, dưới đầu gối, bị vào bóng vô số lần và tự mình đứng dậy. Với chất lượng chơi bóng của những cầu thủ hiện nay, Diego sẽ trở thành cầu thủ hay nhất thế giới mà không có gì phải bàn cãi.”
Cantor cũng là một người dân Argentina được chứng kiến tận mắt tài năng áp đảo hoàn toàn phần còn lại của Maradona. Ông chính là phóng viên cho tờ El Grafico tại World Cup Mexico 1986.
Cantor cho rằng, ông rất hứng khởi khi xem Messi thi đấu và cũng gọi anh là cầu thủ vĩ đại nhất thời điểm hiện tại. Tuy nhiên ông quả quyết: “Đối với tôi, Diego là vĩ đại nhất bởi những yếu tố trong bóng đá thời kì ấy mà tôi vừa trình bày. Trước đó còn có Pele nữa. Nếu muốn tranh luận ai vĩ đại nhất, mọi người cũng nên cân nhắc về hoàn cảnh chơi bóng khác nhau của mỗi cầu thủ”.
Maradona đại diện cho Argentina hơn Messi
Maradona là biểu tượng cho rất nhiều người dân Argentina, và đến nay đã 2 năm kể từ khi Diego qua đời, ông vẫn là minh chứng rõ rệt nhất cho cuộc chiến chống lại những giá trị ngoài bóng đá tại xứ sở tango.
Maradona có những bước đi đầu tiên trong sự nghiệp cầu thủ lẫy lừng của mình vào năm 1979, trong thời kì độc tài của Jorge Rafael Videla tại Argentina. Maradona là nhà vô địch trong lòng người dân Argentina, là một đội trưởng không thể so sánh với ai khác.
Chính quyền Videla được cho rằng đã can thiệp vào việc Barcelona muốn mang Maradona về từ Argentinos Juniors vào năm 1980. Carlos Alberto Lacoste – một cựu thuỷ quân lục chiến, một nhà chính trị thân cận với Videla – đã cùng với chủ tịch LĐBĐ Argentina Julio Humberto Grondona đưa ra một điều luật rằng: không cầu thủ quốc gia Argentina hoặc tài năng dưới 22 tuổi nào được phép thi đấu tại nước ngoài.
Maradona đã đứng lên để nói về những tội ác và sự thao túng tại Argentina trong suốt cuộc đời của ông. Trong nhiều năm, sự mục nát của FIFA và CONMEBOL cũng đã bị Maradona phanh phui trong sự hân hoan của hàng triệu CĐV bóng đá tại Argentina và trên toàn thế giới.
Vào năm 2015, khi Văn phòng Công tố Liên bang Mỹ công bố một vụ án tham nhũng diện rộng của những nhà chức trách tại FIFA, Maradona không giấu được sự vui mừng. Ông nói: “Họ gọi tôi là gã điên, nhưng thật hạnh phúc rằng ngày hôm nay sự thật đã được phơi bày và tôi đang tận hưởng nó. Khi nhắc tới FIFA, vẫn còn những nhà chức trách xứng đáng ở lại, nhưng tôi sẽ làm tới cùng để vạch trần những kẻ xấu tại đây.”
Cuộc chiến của Maradona với chứng nghiện ma tuý khiến ông trở thành một con người không hoàn hảo, nhưng lại đưa hình ảnh của ông ngày càng đáng được trân trọng trong mắt người dân Argentina.
Những sự thật trần trụi cùng với kĩ năng chơi bóng thượng thừa đã biến Maradona thành một hình tượng vĩ đại tại Argentina – nơi vẫn còn chịu ảnh hưởng quá nhiều từ những mất mát của nền kinh tế.
Maradona nắm giữ một vùng đất thiêng liêng với biểu tượng là niềm hy vọng. Dù Maradona có biết bao nhiêu kẻ thù, hay rơi xuống những thời khắc tăm tối nhất của cuộc đời, ông vẫn luôn được ủng hộ trong mắt những người dân quê hương.
Thậm chí, tại Argentina có nhà thờ mang tên Maradona, nơi mà ông thực sự được vinh danh như một vị thánh. Nhà thờ này có riêng bộ 10 lời răn và sở hữu hơn 500.000 tín đồ trên toàn thế giới.
Sau khi từ giã sự nghiệp vào năm 1997, Maradona chưa bao giờ rời khỏi ánh hào quang. Ông trở thành nhân vật khách mời khắp nơi tại Nam Mỹ qua các kì World Cup, tham dự các talkshow tại Argentina và Italy, và sau đó còn dẫn dắt Messi và Albiceleste trong kì World Cup 2010 tại Nam Phi.
Maradona là một người tiên phong được yêu mến bởi 45 triệu người dân Argentina qua hàng thập kỉ. Cuộc tranh luận “Messi hay Maradona?” tại Argentina, vì thế, thường được kết lại bằng câu nói “Diego es Diego” (“Diego vẫn là Diego”). Và chẳng còn gì hơn.
Câu hỏi được đặt ra vào hoàn cảnh hiện tại là liệu Messi sẽ có tầm ảnh hưởng tới văn hoá Argentina lâu dài và mạnh mẽ như Maradona hay không, sau khi anh giải nghệ và không còn ghi bàn hay giành những danh hiệu? Những gì Messi đại diện hầu như nằm lại ở trên sân cỏ. Anh luôn được coi là một người đàn ông hiền lành và ít nói.
Dù vậy, tại Qatar, Messi cũng đã có những giây phút nổi loạn giống với Maradona. Anh khiêu khích HLV ĐT Hà Lan Louis van Gaal giữa sức nóng của trận tứ kết, và ăn mừng bàn thắng ngay trước băng ghế dự bị của đối thủ.
Messi phát biểu sau trận đấu: “Van Gaal cho rằng ông ta chơi bóng đá đẹp, nhưng những gì ông ta làm là đưa những cầu thủ cao to vào sân rồi chơi bóng bổng.” Những lời lẽ của Messi còn đi xa hơn khi anh nói với Wout Weghorst: “Nhìn cái gì vậy thằng đần? Đi chỗ khác đi.”
Những câu nói thô thiển của Messi nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Chúng được in lên những chiếc áo thun tại Buenos Aires và Qatar. Chúng đại diện cho thái độ trực diện của Argentina trong kì World Cup lần này, điều mà Phó Tổng thống Argentina Cristina Kirchner cho là “rất Maradona” trong một bài đăng trên Twitter của bà.
Jorge Valdano – đồng đội của Maradona tại Mexico 1986, một trong những người ghi bàn giúp Argentina vô địch sau chiến thắng trước Tây Đức – cũng đã phát biểu trước trận Chung kết World Cup 2022: “Messi đang làm những điều ‘rất Maradona’ trong kì World Cup lần này. Anh ấy đang cố gắng cho cả thế giới thấy những giá trị cốt lõi của bóng đá.
Messi có một nguồn năng lượng dồi dào và anh đang vắt kiệt những giọt tài năng cuối cùng của mình. Nếu bạn không ưa Messi, có nghĩa là bạn không thích bóng đá”.
Đó cũng là điều luôn luôn song hành với sự nghiệp của Messi: sự so sánh với Maradona vĩ đại về những giá trị thể thao và văn hoá mà họ tạo ra. Tuy vậy, có lẽ giờ đây Messi cũng không còn phải bận tâm quá nhiều về cuộc tranh luận này nữa. Anh cũng sẽ không bao giờ công khai đặt mình lên trên “Cậu bé vàng”.
Anh đã giành được World Cup – chỉ một năm sau khi vô địch Copa America – giải đấu mà Maradona chưa từng lên ngôi. Messi giờ đây được tôn vinh bởi toàn bộ người dân tại quê nhà Argentina, dù chỉ vài năm trước, bức tượng của anh tại Buenos Aires đã bị phá hoại sau quyết định từ giã đội tuyển quốc gia vào năm 2016 của El Pulga.
Sau chiến thắng của Albiceleste trong trận bán kết trước Croatia, phóng viên Sofia Martinez đã nói lên những lời hoàn mỹ nhất dành cho Messi khi cô gặp anh trên SVĐ Lusail: “Tôi chỉ muốn nói rằng, cho dù kết quả có ra sao, sẽ không ai có thể lấy đi của anh bất cứ thứ gì. Anh đã hoà chung nhịp đập với từng người dân Argentina. Anh đã ghi dấu ấn trong cuộc đời của từng người dân Argentina. Và với tôi, điều đó quan trọng hơn cả việc giành được chức vô địch World Cup”.
Có lẽ, điều mà Messi thật sự hướng tới là được công nhận như một huyền thoại trên chính quê nhà Argentina, chứ không phải cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại.
Và lúc này đây, với hàng triệu người trên khắp thế giới: “Messi vẫn là Messi”.