Pháp hài lòng với thứ 'bóng đá đau khổ' - Bóng Đá

 Griezmann vốn là tiền đạo nhưng được kéo xuống đá như một tiền vệ trong đội hình tuyển Pháp tại World Cup 2022. Ảnh: Reuters.

Morocco có một trận đấu quả cảm trước Pháp. Còn ấn tượng hơn cả khi họ hạ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Họ cho thấy họ không phải chỉ biết phòng thủ tốt trong các trận đấu qua, mà họ còn chơi tấn công rất sắc bén trước đội đương kim vô địch thế giới.

Morocco tạo ra nhiều cơ hội, chạm bóng trong vòng cấm của Pháp còn nhiều hơn Pháp làm điều tương tự trong vòng cấm Morocco. Nhưng bàn thắng lại không đến với đội bóng châu Phi, kể cả những nỗ lực ở phút bù giờ của Abderrazak Hamdallah hay Azzedine Ounahi hòng chỉ gỡ một bàn danh dự.

Pháp hài lòng với thứ 'bóng đá đau khổ' - Bóng Đá

 Morocco có nhiều pha dứt điểm về khung thành Pháp, họ đến rất gần bàn thắng, nhưng hàng thủ Pháp quá kiên cường. Ảnh: Reuters.

Pháp có chiều sâu đội hình đáng nể

Đoàn quân của HLV Walid Regragui còn quả cảm ở chỗ họ chiến đấu sòng phẳng với đối thủ dù có nhiều cầu thủ dính chấn thương. Trung vệ Nayef Aguerd đã bỏ lỡ trận tứ kết, có tên trong đội hình xuất phát trận gặp Pháp nhưng sau đó buộc phải rút lui vào phút cuối vì không hồi phục chấn thương đùi kịp.

Jawad El Yamiq buộc phải chuyển sang đá trung vệ lệch trái trong hàng thủ 5 người. Có lẽ chưa kịp quen vị trí nên anh để Antoine Griezmann xổng xuống tạo cơ hội cho Pháp mở tỉ số. Phút 20, Morocco mất thêm trung vệ nữa khi thủ quân Romain Saiss phải rời sân do chấn thương. Morocco không có những trung vệ tốt nhất cho trận bán kết World Cup, HLV Regragui phải chuyển về hệ thống 4 hậu vệ.

Cánh trái của Mbappe đúng như dự đoán là điểm nóng. Morocco thành công phần nào khi học tập Anh, đánh mạnh vào cánh trái của Pháp, nơi Mbappe rất ít hỗ trợ cho Theo Hernandez trong việc phòng ngự. Có những thời điểm, Morocco tập trung 4-5 cầu thủ để tấn công vào cánh này, kể cả Sofiance Boufal vốn đá bên cánh kia cũng sang bên cánh này để phối hợp công phá.

Bị miễn khỏi các trách cứ vì sao không hỗ trợ Theo Hernandez phía sau, Mbappe dùng năng lượng được tiết kiệm của anh để bồi hoàn. Hai bàn thắng trong trận đấu của Pháp đều từ kiến tạo của Mbappe.

Pháp lần nữa cho thấy họ có chiều sâu đội hình thế nào. Ibrahima Konate và Youssouf Fofana đã thay thế thành công Dayot Upamecano và Adrien Rabiot ở phòng tuyến. Họ đã đánh chặn thành công nhiều đường tấn công vào biên trái của Pháp. Marcus Thuram vào sân giải tỏa áp lực cho hàng thủ trong khi Randal Kolo Muani vào sân trong pha chạm bóng đầu tiên đã ghi bàn ấn định tỉ số dập tắt hy vọng của Morocco.

Pháp và các ông lớn không ngại chọn “sufferball”

Nhưng điểm nhấn lớn nhất của trận này là việc HLV Didier Deschamps sử dụng lối chơi “sufferball”. Cùng với bí quyết phòng thủ khôn ngoan của Raphael Varane và Hugo Lloris để thủ môn đeo băng thủ quân của Pháp có trận đầu tiên không phải vào lưới nhặt bóng sau 13 tháng.

Pháp hài lòng với thứ 'bóng đá đau khổ' - Bóng Đá

 Tuyển Pháp dưới triều đại Deschamps chấp nhận chơi nhiều trận ở vai “cửa dưới”. Ảnh: Reuters.

“Sufferball” chỉ sự hy sinh cường độ tấn công để đổi lấy sự vững chắc và kiểm soát ở phòng tuyến. Một lối chơi đau khổ, chịu đựng đúng như nghĩa của từ “suffer”. Không chỉ cho đội mình, mà còn cho đối thủ, người xem. Chúng ta thấy đội bóng thực hiện lối chơi này rõ nhất là Ba Lan.

Trận gặp Mexico, Ba Lan chỉ thực hiện đúng một đường chuyền vào vòng cấm đối thủ. Gặp Saudi Arabia, có bình luận viên quốc tế nói, Ba Lan chơi tệ, trừ thời điểm họ không chơi. Gặp Argentina, Ba Lan chỉ thi đấu trên nửa phần sân nhà mình. Ấy vậy, Ba Lan vẫn vượt được qua vòng bảng.

Pháp là đội toàn anh tài, hảo thủ, được đánh giá cao hơn hẳn Morocco, vậy mà cũng chọn chơi “sufferball”. Pháp kiểm soát 38% bóng so với 62% của Morocco, chuyền 364 đường so với 572 đường của Morocco. Bàn thắng sớm khiến ý đồ “sufferball” của Deschamps càng có đất dụng võ.

Deschamps vốn là tiền vệ phòng ngự, sâu thẳm trong con người của ông là sự kỷ luật, sự kiên nhẫn, tính tổ chức, sự an toàn, muốn kiểm soát mọi thứ trong tầm tay mình. Thất bại trước Bồ Đào Nha tại trận chung kết Euro 2016 ngay trên sân nhà càng củng cố thêm các tính cách đó của Deschamps. Bồ Đào Nha năm đó của HLV Fernando Santos là một điển hình của “sufferball”.

Manh nha từ vòng bảng, Deschamps đã chơi “sufferball”. Lối chơi này càng rõ nét trong các trận đấu loại trực tiếp. Ba Lan vốn là trùm “sufferball” như vậy mà Pháp vẫn thể hiện sự nhún nhường của họ khi để Ba Lan có trận đấu giàu sức tấn công nhất trong số 4 trận tại Qatar của Ba Lan. Vòng tứ kết, Pháp có thời lượng cầm bóng và các đường chuyền ít hơn so với Anh.

Anh cũng là đội đi theo con đường này. Hai đội bóng Gareth Southgate nghiên cứu kỹ nhất trong các năm qua là đội Bồ Đào Nha vô địch Euro 2016 và đội Pháp vô địch World Cup 2018. Southgate thấy rằng điều quan trọng nhất là giữ sạch lưới, là không để thua. 3/5 trận tại giải năm nay, Anh giữ sạch lưới. Trong lối chơi của Southgate không có chỗ cho những hậu vệ phóng túng như Trent Alexander-Arnold.

Những đội khá như Croatia, Thụy Sĩ, Australia, Serbia hẳn nhiên chọn “sufferball”, đến cả các đội có chất lượng cầu thủ cao như Brazil và Bồ Đào Nha cũng vậy. Họ có thể cầm bóng nhiều, nhưng là cầm bóng với ý đồ làm chậm trận đấu, chứ không phải hoàn toàn là cầm bóng để thực hiện các ý đồ tấn công. Bồ Đào Nha chẳng hạn, là đội cầm bóng nhiều thứ 3 trong giải, nhưng chỉ xếp thứ 9 trong số các đội chuyền bóng nhiều lên phía trên.

Pháp hài lòng với thứ 'bóng đá đau khổ' - Bóng Đá

 Lối chơi rình rập của Pháp phát huy tác dụng khi Muani ghi bàn ấn định tỉ số 2-0. Ảnh: Reuters.

Tại sao “sufferball” lại có sức hấp dẫn? 

Thống kê cho thấy, một đội nằm trong tốp 5 để lọt lưới ít nhất ở giải có cơ hội vô địch lớn hơn một đội nằm trong tốp 5 ghi bàn nhiều nhất. Trong 40 năm qua, người duy nhất giành danh hiệu “Vua phá lưới” đưa nước mình đến vinh quang là Ronaldo vào năm 2002 với 8 bàn thắng. Trước đó là Paolo Rossi vào năm 1982 với Italy. Tiền đạo không chắc là phần quan trọng nhất đội.

Thống kê thứ hai, giải thưởng “Găng tay vàng” cho thủ môn xuất sắc lần đầu tiên xuất hiện vào World Cup 1994, được trao cho thủ môn Bỉ Michel Preud’homme. Bỉ bị loại ở vòng 16 đội lúc đó. Từ các giải sau, giải “Găng tay vàng” vào tay thủ môn các đội vô địch Fabian Barthez (1998), Gianluigi Buffon (2006), Iker Casillas (2010), Manuel Neuer (2014), hoặc Á quân như Oliver Kahn (2002) hoặc thấp nhất cũng là đội hạng ba như Thibaut Courtois (2018).

Với một CLB, họ có cả một mùa giải tập với nhau để ra các phương án tấn công. Nhưng với một ĐTQG, họ chỉ có các đợt tập hợp lẻ tẻ kéo dài 10 ngày, một HLV dễ dàng giúp các cầu thủ bắt nhịp vào các phương án phòng thủ hơn là vào các phương án tấn công vì tấn công phức tạp hơn phòng thủ.

Ở CLB, họ nhìn vào cả mùa giải, những trận hòa sẽ không mang đội bóng lên cao trên bảng xếp hạng. Ở ĐTQG, họ nhìn chủ yếu vào trận tiếp theo. Hết trận này mới tính tới trận kế tiếp. Nhắm không thắng dễ thì đừng thua. Muốn đừng thua thì đừng để thủng lưới. Hòa thì có hiệp phụ. Hòa tiếp có thi sút 11m.

Pháp của Deschamps có căn bản để chọn lối chơi “sufferball”, vì họ có các nhân tố như Griezmann và Mbappe để xoay chuyển trận đấu. Họ như Muhammad Ali trong bóng đá, dựa vào dây ring võ đài, giữ cứng quai hàm, rồi thi triển một combo cú đấm đầy tốc độ vào những điểm mà đối thủ không hề biết cho đến khi họ thấy nhói đau.

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link