Cầu thủ nào cũng hạnh phúc nếu được so sánh với Messi, ở một khía cạnh nào đó, dù là so sánh có phần phi thực tế, kiểu “cầu thủ này được gọi là Messi Thái”. Ronaldo cũng rất vui nếu anh được ca ngợi là “thông minh như Einstein”. Nhưng siêu sao người Bồ Đào Nha không bao giờ vui nếu nghe rằng “thành tựu lớn nhất đời cầu thủ là được so sánh với Messi”.
Câu trên nghe có vẻ chế giễu Ronaldo. Nhưng với nhiều CĐV, nó lại có lý. Nếu không sống trong không khí so sánh đó, cựu sao Real Madrid sẽ chẳng có động lực phấn đấu đến suốt thời gian dài, để đến những năm 35-37 vẫn còn là biểu tượng của bóng đá toàn cầu.
Ronaldo phải gồng mình nhiều năm qua
Trước khi Messi nổi lên, Ronaldo là tài năng lớn. Một tài năng lớn, chưa phải biểu tượng. Khi Messi trở thành ngôi sao hàng đầu, Ronaldo thay đổi thái độ một cách nghiêm túc, tích cực hơn nhiều trong luyện tập, thi đấu, lối sống.
Nếu không có Messi, chắc gì Ronaldo có động lực phá các kỷ lục bàn thắng và giành 5 Quả bóng vàng trong sự nghiệp. Ngược lại, Messi nhờ sự cạnh tranh với Ronaldo mà có động lực phấn đấu cao hơn.
Nhưng rõ ràng, ngoài mặt tích cực kể trên, Ronaldo gồng mình rất nhiều khi phải cạnh tranh với Messi, đến mức không thể sống bình yên với bản thân. Đó là mặt tiêu cực của sự cạnh tranh. Sự không bình yên đó thể hiện rải rác đâu đó suốt sự nghiệp CR7 và hiện hữu với mức độ dày đặc trong 2 tháng trở lại đây.
Sự không bình yên, hay sự bất an này biến thành hẹp hòi, cay cú dưới mắt người trung gian. Messi lên ngôi vô địch thế giới với Argentina, CR7 không một dòng chúc mừng người đồng nghiệp. Có thể CR7 nghĩ, “tôi không phải là kẻ đạo đức giả, tôi không thích thì không chúc mừng, có vậy thôi”.
Nhưng giữa những địch thủ, kể cả là kẻ thù lớn nhất thì vẫn còn cho nhau sự tôn trọng, thậm chí là sự tôn trọng rất lớn. Sự bất an của Ronaldo bắt đầu với việc tung “quả bom truyền thông” vào CLB anh lĩnh lương khi trận đầu đầu tiên của đội tuyển Bồ Đào Nha chưa diễn ra, những lùm xùm với đồng đội trong phòng thay đồ và sân tập, tranh cãi bàn thắng “Hair of the God”, những khi bị thay ra…
Sự bất an của Ronaldo còn truyền sang đội ngũ tháp tùng. Người thân ngày nào cũng đăng đàn gây bão, nhận xét bóng gió rằng các cầu thủ Bồ Đào Nha chỉ là “lũ chuột”, cậu em mình có thể đá đến 41 tuổi. Cô vợ Georgina Rodriguez cho rằng HLV Fernando Santos sai lầm khi không chọn Ronaldo vào đội hình xuất phát, và cảnh báo đừng bao giờ “đánh giá thấp cầu thủ vĩ đại nhất thế giới”.
Đã bao giờ bạn nghe thấy những người tùy tùng hay vợ của Messi lên giọng nói điều gì? Chưa bao giờ. Đó không phải việc của họ. Họ được quy định là không được làm việc đó. Cũng có thể đó là văn hóa của gia đình Messi. Họ cảm thấy bình an bên Messi và ngược lại, họ tạo môi trường bình an cho Leo.
Và nhờ sự bình an này, Messi duy trì được phong độ chơi bóng đỉnh cao gần như toàn bộ 18 năm qua. Anh không khi nào cảm thấy thiếu thoải mái trong các so sánh với CR7.
Thành tựu của Ronaldo được thổi phồng quá mức?
Ronaldo có nhiều kỷ lục trong bóng đá, bạn có thể xem liệt kê ở truyền thông khắp nơi. Nhưng nhiều khi các thành tựu của anh được thổi phồng hơn so với của người khác. Anh là cầu thủ duy nhất ghi bàn tại 5 kỳ World Cup, nhưng chưa có nổi lấy 1 bàn thắng ở các trận đấu loại trực tiếp.
Ví dụ khác, Ronaldo giữ kỷ lục thế giới là ghi 118 bàn cho ĐTQG. Đâu đó 60 bàn trong số này ghi vào lưới các đội nhỏ Armenia, Azerbaijan, Luxembourg, Andorra, Latvia. 19 trong tổng số 118 bàn được Ronaldo ghi vào lưới top 15 đội xếp đầu trên bảng xếp hạng FIFA, chỉ chiếm 16%. Anh chưa bao giờ ghi bàn vào lưới của Anh, Brazil, Uruguay, Mexico, Italy.
Hay ta vẫn thấy một hình ảnh quen thuộc của Ronaldo là cầm bóng bước lên thực hiện các cú sút phạt hàng rào, ưỡn ngực đi bộ đo bước chân chạy đà, rồi chạy sút rất điệu đàng. Nhưng hiệu quả lại thấp. Ronaldo thực hiện 53 cú sút phạt hàng rào tại các giải World Cup và Euro, nhưng ngần đó cú sút chỉ đổi lấy được một bàn thắng, ở cú sút thứ 45, trong trận hòa Tây Ban Nha 3-3 tại World Cup 2018.
1 trên 53, tỷ lệ thành công chỉ đạt chưa đầy 2%. Trong khi tỷ lệ thành công trung bình của bóng đá đẳng cấp thế giới là khoảng 7%. Nghĩa là tỷ lệ còn kém gấp ba lần trung bình người khác đá phạt. Thế mà bàn thắng duy nhất anh ghi vào lưới Tây Ban Nha đó cứ được chiếu đi chiếu lại trên các tài khoản mạng xã hội.
Được thổi phồng tốt cho Ronaldo, được nhiều người theo dõi trên mạng xã hội, số tiền kiếm được từ các hợp đồng quảng cáo lớn. Nhưng đừng tính việc này vào “Greatest of All Time” (vĩ đại nhất mọi thời). Không thể đồng hóa những người theo dõi Ronaldo trên mạng xã hội là fan bóng đá của anh. Nhiều người còn không biết Ronaldo đá cho đội tuyển nào, người nước nào, Bồ Đào Nha nằm ở đâu trên bản đồ.
Ronaldo thoát khỏi gông cùm tự buộc vào mình
Đêm tháng 12 trên đất Qatar, Messi vô địch thế giới cùng ĐTQG Argentina. Những tranh luận kết thúc. So sánh “Ronaldo hay Messi, ai vĩ đại hơn?” cũng kết thúc.
Ở những môn không cần phải tranh cãi, Usain Bolt vượt trội so với người khác ở thể loại chạy nước rút, hay Michael Phelphs ở bơi lội. Nhưng trong quần vợt chẳng hạn, bạn có thể tranh luận cả ngày để bảo vệ quan điểm của mình vì Roger Federer, hay vì Rafael Nadal, Novak Djokovic hoặc thế hệ cũ hơn như Pete Sampras hoặc Bjorn Borg. Sau đó, bạn bắt đầu so sánh các thời đại quần vợt, chất lượng của đối thủ, phong cách chơi và bạn lại có nhiều cuộc tranh luận khác. Điều tương tự cũng xảy ra với bóng đá, nơi có một số người được coi là giỏi nhất trong số những người xuất sắc.
Có so sánh thì Ronaldo không bao giờ ở gần tầm với của Pele, Diego Maradona, Johan Cruyff, Franz Beckenbauer,… những người tạo ra cảm hứng và các phát kiến trong bóng đá. Không thể cứ rập khuôn lấy số lượng Quả bóng vàng hay Cúp thế giới ra để nói ai hơn ai. Muốn so sánh, bạn phải xem sự xuất sắc thuần túy của từng người trên sân, kỹ năng lãnh đạo, tín nhiệm đồng đội, màn trình diễn trong những thời khắc lớn, các phát kiến làm giàu môn chơi, tác động đến cộng đồng…
Vẫn biết việc so sánh “Greatest of All Time” là vô bổ. So sánh giữa Ronaldo và Messi còn vô bổ hơn nữa vì cả chục năm nay, đã chắc chắn ai hơn ai. Nhưng người ta vẫn phải cố nặn ra việc gì đó để so sánh nhằm gây sự chú ý, tạo sự kịch tính, nhằm bán hàng. Trên bảng quảng cáo phải có 2 người, đối đầu với nhau càng gắt càng tốt. Ronaldo bị đưa vào bán hàng cùng với Messi là thế.
Nhưng từ giờ, Ronaldo có thể sống bình an với bản thân mình, ở vị trí kém cỏi hơn. Chỉ khi chấp nhận thì mới bình an. Anh có thể bình tâm đối mặt với một thực tế rằng mình không còn giỏi như trước đây, không đòi hỏi nghiễm nhiên có một chỗ đá chính trong ĐTQG, hay được một CLB lớn mang về. Có thể bình tâm tìm kiếm một CLB phù hợp để viết nốt chương cuối cho sự nghiệp huy hoàng của mình. Hơi muộn, nhưng còn hơn không.
Ngày 18/12, Messi vô địch thế giới, Ronaldo được “trả tự do”.