U23 châu Á 2022 còn 4 trận đấu nữa mới kết thúc nhưng số lượng thẻ đỏ đạt đến con số 11. Các trọng tài FIFA ở giải đấu này không ngần ngại đưa ra quyết định trừng phạt của mình khi có công nghệ và đồng nghiệp hỗ trợ. Sau 28 trận đấu vòng bảng và tứ kết, số trận đấu có thẻ đỏ chiếm 39,2%, trung bình có 0,39 thẻ/trận. Tỷ lệ này cao hơn hẳn những giải đấu cùng cấp độ trước đó.
Cụ thể là trong lần đầu tiên giải đầu này ra đời năm 2013, với cái tên U22 châu Á, chỉ có 3 thẻ đỏ xuất hiện. Sau khi nó được đổi tên thành giải U23 châu Á từ 2016, chỉ có 5 thẻ đỏ được trọng tài rút ra. Đến năm 2018 tại Trung Quốc, chỉ có 8 cầu thủ bị đuổi vì lãnh thẻ đỏ. Hai năm sau đó, trọng tài rút tổng cộng 6 thẻ đỏ. Với tần suất thẻ đỏ ở giải năm nay, con số 11 thẻ đỏ có thể còn tăng nữa.
Một trong những thay đổi mấu chốt ở giải U23 châu Á 2022 đến từ việc LĐBĐ châu Á áp dụng công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR). Đây là lần đầu tiên VAR xuất hiện ở một giải đấu trẻ (giải U) thuộc hệ thống AFC. VAR đã tác động rất nhiều vào 28 trận đấu vừa qua thông qua bộ đàm và màn hình chiếu chậm. Trọng tài chính có thể đưa ra quyết định chính xác nhất có thể nhờ VAR.
Nói về việc này, Trưởng ban Trọng tài LĐBĐ Việt Nam, ông Dương Văn Hiền đánh giá: “VAR đã quyết định một phần cuộc chơi. Trước đây, các trọng tài rất thận trọng khi rút thẻ đỏ (thẻ vàng thứ 2), nhưng bây giờ có VAR, họ có thể mạnh mẽ đưa ra quyết định và tự tin nhờ sự hỗ trợ của tổ VAR. Trước đây, trọng tài không sửa sai được nhưng bây giờ VAR giúp họ làm điều đó”.
VAR có thể can thiệp vào 4 trường hợp: Bàn thắng hay không bàn thắng, phạt đền hay không phạt đền, thẻ đỏ hay không thẻ đỏ và nhận định sai cầu thủ phạm lỗi. Trong số này, có hai trường hợp liên quan đến thẻ phạt. Điều đó cho thấy VAR có tác động lớn đến quyết định rút thẻ của trọng tài.
Trong trận đấu vòng bảng giữa U23 Việt Nam và U23 Hàn Quốc, trọng tài đã phạt nhầm cầu thủ nhận thẻ vàng thứ 2. Nếu không có VAR, cầu thủ phạm lỗi đáng nhận thẻ vàng thứ 2 sẽ tiếp tục thi đấu, U23 Việt Nam mất lợi thế chơi hơn người. VAR đã can thiệp giúp trọng tài xóa thẻ phạt sai và rút thẻ đỏ gián tiếp cho hậu vệ Hàn Quốc. Đó là trường hợp trọng tài nhận định sai đối tượng.
Ở trận U23 Việt Nam thắng U23 Malaysia 2-0, trọng tài nhờ VAR can thiệp để rút thẻ đỏ trực tiếp cho hậu vệ Malaysia, đồng thời cho Việt Nam hưởng quả phạt đền. Ban đầu, trọng tài chính chỉ tay về chấm phạt góc sau khi cầu thủ áo vàng để bóng chạm tay trong vòng cấm địa. VAR cho thấy độ chính xác cao hơn.
Một nguyên nhân nữa khiến số thẻ đỏ tăng cao đến từ các pha tranh chấp lỗi nghiêm trọng của các cầu thủ trẻ. Ranh giới giữa một pha phạm lỗi liều lĩnh có bị thẻ vàng và một tình huống nghiêm trọng với thẻ đỏ được trọng tài cân nhắc rất kỹ. Ở một giải đấu trẻ có VAR, việc nhận định mức độ được giới chuyên môn cho rằng dễ dàng hơn và quan trọng là sai sót của trọng tài giảm thiểu tối đa.
Trọng tài FIFA Ngô Duy Lân tán thành: “Ở một giải trẻ như U23 châu Á, các cầu thủ thi đấu rất máu lửa, thậm chí có người chơi bóng bốc đồng mà không hề tính toán gì trong các pha tranh chấp. Cầu thủ trẻ thì trọng tài rút thẻ rất nhiều. Khi có VAR rồi thì trọng tài sẽ làm việc tối đa công suất để không bị sót thẻ phạt. Số thẻ đỏ vì vậy mà cũng tăng lên là điều dễ hiểu”.
Thẻ đỏ là một trong những yếu tố làm thay đổi kết quả trận đấu của trọng tài. Với VAR, sự thận trọng của các vị “vua áo đen” dần được xóa bỏ. Thời gian trận đấu có thể kéo dài lâu hơn nhưng những quyết định sẽ chính xác hơn. Để đảm bảo một trận đấu được điều hành tốt, trọng tài không được bỏ sót thẻ. VAR khiến số thẻ đỏ tăng lên ở một giải trẻ là điều dễ hình dung.
U23 Việt Nam đã nhận 4 thẻ đỏ trong 5 lần giải đấu này được tổ chức. Lương Xuân Trường và Nguyễn Nam Anh lãnh thẻ đỏ trong cùng một trận đấu ở giải 2016. Trong hành trình thành á quân năm 2018, thầy trò ông Park Hang-seo không lãnh thẻ đỏ nào. Trên đất Thái Lan năm 2020, trung vệ Trần Đình Trọng bị đuổi khỏi sân. Còn trong lần đầu tiên VAR được áp dụng ở U23 châu Á 2022, Quan Văn Chuẩn lãnh thẻ đỏ trực tiếp.