Các trào lưu lan truyền trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, khiến ngày càng nhiều trẻ em mắc chứng rối loạn ăn uống nghiêm trọng.
Bị mắc kẹt ở nhà trong thời gian phong tỏa vì đại dịch vào năm 2020, Emma Warford vô tình bắt gặp nhiều trào lưu cải thiện vóc dáng lan truyền trên mạng xã hội.
Warford bị hấp dẫn bởi thử thách tập thể dục trong 28 ngày, các YouTuber chia sẻ bài tập để có “thân hình đồng hồ cát”, và nhiều video về chế độ ăn kiêng – nơi Influencer bán ứng dụng theo dõi lượng calo.
Warford, khi đó là một nữ vận động viên bóng chuyền mới 15 tuổi, đã mua một chiếc cân thực phẩm và bắt đầu thay thế các bữa ăn bằng thứ nước tăng lực được các ngôi sao mạng xã hội bán.
Chẳng mấy chốc, việc cắt giảm lượng calo của cô trở thành chuyện ép buộc. Ý nghĩ ăn bánh sinh nhật lần thứ 16 khiến Warford rất lo lắng.
Vào cuối mùa giải, cô bắt đầu phải ngồi trên băng ghế dự bị, quá yếu để vào trận. Một năm sau đại dịch, nhịp tim của cô chậm lại và cuối cùng được đưa đến bệnh viện kiểm tra.
Những câu chuyện như của Warford là lý do khiến các nhà lập pháp ở các bang Colorado, California, Texas, New York và những nơi khác đang thực hiện những thay đổi lớn, trong bối cảnh bùng nổ cuộc khủng hoảng rối loạn ăn uống, theo Japan Today.
Những đứa trẻ bị “đầu độc”
Hạ nghị sĩ bang Texas Shelby Slawson, đảng viên Cộng hòa, đã đưa ra dự luật bảo vệ trẻ vị thành niên sử dụng nền tảng kỹ thuật số.
Cathy Johnson, có 24 năm làm cố vấn trường học, người đã làm chứng về đề xuất của Texas, cho biết “một trong những vấn đề lớn nhất” mà cô nhận thấy từ mạng xã hội là sự gia tăng chứng rối loạn ăn uống.
“Chúng tôi có những đứa trẻ lên cơn hoảng loạn ở trường vì sự lo lắng quá mức. Chúng đang so sánh, nghĩ rằng bản thân sẽ giống như một trong những người có ảnh hưởng trên TikTok”, Johnson nói.
Vào hôm 23/3, các nhà lập pháp Colorado đã đưa ra một dự luật thành lập Văn phòng Phòng chống Rối loạn Ăn uống của tiểu bang, một phần nhằm khắc phục lỗ hổng trong việc chăm sóc, tài trợ cho nghiên cứu và nâng cao nhận thức.
Dự luật đã được ủy ban thông qua với tỷ lệ phiếu 6:3 với các đảng viên Cộng hòa phản đối, một phần lo ngại về việc thành lập văn phòng chính phủ mới và hoài nghi về hiệu quả của nó.
Warford, đang hồi phục sau hai năm điều trị, nằm trong số gần 30 triệu người Mỹ (tương đương dân số bang Texas) sẽ phải vật lộn với chứng rối loạn ăn uống trong đời.
Theo dữ liệu được trích dẫn bởi Hiệp hội quốc gia về chứng chán ăn thần kinh và các rối loạn liên quan, mỗi năm có hơn 10.000 người chết vì chứng rối loạn ăn uống.
Các đề xuất được đưa ra trên khắp nước Mỹ, bao gồm: hạn chế các thuật toán quảng cáo truyền thông xã hội chứa nội dung có thể gây hại; cấm bán thuốc giảm cân cho trẻ vị thành niên; thêm việc ngăn ngừa chứng rối loạn ăn uống vào chương trình giảng dạy ở trường trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Hàng loạt luật được ban hành sau sự gia tăng đột biến các trường hợp mắc chứng rối loạn ăn uống khi phong tỏa do đại dịch đẩy thanh niên vào cảnh bị cô lập thời gian dài.
Các giường bệnh chật kín và danh sách chờ đợi tăng lên khi nhiều người phải vật lộn để tìm cách điều trị cho căn bệnh vốn đã có rất ít lựa chọn chăm sóc.
Ở Colorado, chỉ có một bệnh viện được trang bị để chăm sóc nội trú cho Warford, người được chẩn đoán mắc chứng chán ăn.
Chán ăn thường liên quan đến thói quen ăn uống hạn chế, có thể gây ra huyết áp thấp bất thường và tổn thương nội tạng.
Nỗ lực kiểm soát trào lưu mạng xã hội
Các chuyên gia cho biết rối loạn ăn uống không có nghĩa là ai đó thừa cân hoặc thiếu cân, điều đó khiến nhiều người mắc bệnh không được chẩn đoán.
Dự luật của Colorado tạo ra một văn phòng tiểu bang chịu trách nhiệm rộng rãi, một phần thu hẹp khoảng cách trong các phương pháp điều trị, cung cấp các khoản tài trợ nghiên cứu và làm việc để giáo dục cả học sinh, giáo viên và phụ huynh.
Katrina Velasquez, giám đốc chính sách của Liên minh Rối loạn Ăn uống quốc gia, cho biết những chính sách này sẽ cung cấp cho học sinh công cụ để phát hiện sớm các dấu hiệu của thói quen ăn uống rối loạn ở bản thân hoặc bạn bè.
Colorado cũng đang thay đổi việc sử dụng chỉ số khối cơ thể, hay BMI, mặc dù nó vẫn là tiêu chuẩn của ngành.
Claire Engels, điều phối viên chương trình của Tổ chức Rối loạn Ăn uống, cho biết phép đo thường được sử dụng để xác định mức độ chăm sóc cần thiết cho những người mắc chứng rối loạn ăn uống.
Tuy nhiên, bệnh tâm thần không phải lúc nào cũng liên quan đến trọng lượng cơ thể hoặc chỉ số BMI. Điều đó có nghĩa những người nằm ngoài chỉ số BMI thường bị từ chối chăm sóc hoặc sớm bị đuổi khỏi điều trị.
“Rối loạn ăn uống không nhất thiết là do thức ăn. Nó liên quan đến tâm thần, lo lắng, trầm cảm, chấn thương và kiểm soát”, Engels nói.
Khi Riley Judd khoảng 12 tuổi, cô đã nhìn thấy một bức ảnh của mình trong bộ đồ tắm trong kỳ nghỉ. Cô quay sang mẹ và nói: “Con trông giống như một con cá voi”.
Trong đầu Judd có một giọng nói tàn nhẫn, so sánh cô với những người nổi tiếng gầy gò, rạng rỡ trên trang bìa của tạp chí. “Nếu tôi giảm được tất cả số cân nặng này, mọi người sẽ thích tôi”, giọng nói ấy thì thầm với cô.
Judd đã cố tự tử ở tuổi 13.
Judd, hiện là thực tập sinh lập pháp và là sinh viên tại Đại học Denver, cho biết: “Giọng nói ấy rút cạn năng lượng của tôi”.
Các nhà lập pháp California đang nhắm mục tiêu vào mạng xã hội, thông qua một dự luật cấm các nền tảng có thuật toán hoặc tính năng khiến trẻ em tiếp xúc với các sản phẩm ăn kiêng, hoặc khiến chúng mắc chứng rối loạn ăn uống.
Các nền tảng vi phạm luật có thể bị phạt 250.000 USD.
Một dự luật khác của California cũng mở rộng danh sách các cơ sở được phê duyệt có thể cung cấp dịch vụ điều trị nội trú cho những người mắc chứng rối loạn ăn uống.
Theo Đinh Phạm (zing) – Ảnh: T.H