Đừng nghĩ trẻ nhỏ không hiểu chuyện mà hành động thiếu cẩn trọng trước mặt trẻ. Có những hành vi nếu cha mẹ thường xuyên cho trẻ nhìn thấy sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến trẻ.
Cãi nhau trước mặt con
Áp lực từ công việc, cuộc sống, con cái khiến vợ chồng dễ nảy sinh mâu thuẫn. Nhưng dù thế nào cũng không nên vì mâu thuẫn của người lớn mà làm tổn thương con cái.
Một phụ huynh kể rằng khi vợ chồng họ cãi nhau, con gái đã chạy lại ôm đùi mẹ không cho mẹ thu dọn đồ đạc. Người mẹ thấy vậy định thu dọn đồ đạc đưa con đi cùng. Tuy nhiên, người con gái khóc tức tưởi nói: Con không muốn thấy mẹ cãi nhau với bố, nếu bố mẹ ly hôn, con không còn nhà… Phụ huynh nghe thấy vậy thì vô cùng hoang mang, họ bàn bạc và đặt ra quy tắc không được cãi nhau trước mặt con cái.
Nhiều người cho rằng trẻ nhỏ không hiểu chuyện nên có thể cãi vã trước mặt chúng. Tuy nhiên, trẻ thực sự rất nhạy cảm, vài câu cãi vã vụn vặt cũng có thể ảnh hưởng lớn đến chúng.
Thân mật quá mức trước mặt con
Vợ chồng tình cảm thì con cái hạnh phúc nhưng cha mẹ cũng phải để ý đến hành động của mình. Một ông bố kể rằng một lần nhìn thấy con trai mình đang vuốt ve bên trong chiếc áo cánh của cô em họ. Khi hỏi con trai học ai, người bố rất bất ngờ với câu trả lời: “Bố không hay đặt tay lên xoa qua xoa lại với mẹ sao?”.
Người bố nghe thấy vậy thì xấu hổ, chỉ biết nói với con rằng sau này không được phép làm như vậy, làm như vậy là sai. Người bố này cũng rút kinh nghiệm, không để con nhìn thấy cảnh thân mật vợ chồng vì trẻ nhỏ chưa biết đâu là đúng, đâu là sai,…
Nhiều cha mẹ cho rằng việc âu yếm trước mặt con cái là chuyện bình thường như hôn hay ôm ấp. Tuy nhiên, nhiều trẻ nhỏ đãbiết cách gần gũi, âu yếm bạn gái và còn có nhiều hành động vượt quá giới hạn mà chúng ta không thể kiểm soát chỉ vì chúng muốn học theo. Vì vậy, hãy lưu ý đến vấn đề này để giữ cho trẻ một tâm hồn ngây thơ, trong sáng đúng chất của nó.
Nói bậy trước mặt con
Một chuyên gia tâm lý từng chia sẻ: có một phụ huynh gặp mặt xin tư vấn về chuyện con anh ta hay nói bậy. Khi được bố mẹ nhắc học bài, thay vì nghe lời, đứa trẻ ngúng nguẩy bỏ đi và trả lời bằng một câu hỗn hào. Người bố hỏi chuyên gia tâm lý: “Làm thế nào để kỷ luật thằng nhóc hỗn láo này”.
Chuyên gia lặng lẽ nhìn anh ta, suy nghĩ trong hai phút trước khi chậm rãi nói: Anh vừa nói bao nhiêu câu nói bậy? Người bố sửng sốt trong giây lát. Thì ra theo thói quen, khi nói chuyện với chuyên gia, anh ta đã vô tình “đệm” vào 1 vài từ bậy mà thậm chí không nhận ra điều đó.
Có nhiều việc, cha mẹ không làm được mới bắt con làm, bản thân cha mẹ không được chỉn chu trong mọi hành vi nhưng lại yêu cầu con phải chỉn chu. Đó là cách dạy ngược. Cha mẹ dạy con lời hay lẽ phải xuất phát từ mong muốn con ngoan ngoãn, trưởng thành nhưng họ đi ngược lại với phương pháp giáo dục nên thường không thành công.
Khi dạy con, chính cha mẹ phải làm gương, như vậy con cái sẽ từ từ học theo những điều tốt của cha mẹ.