Theo chuyên gia phong thủy, dịp Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022 năm nay có 3 ngày tốt các gia đình nên dọn dẹp ban thờ.
Ngày đẹp nhất để lau dọn, bao sái ban thờ đón Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022
Mỗi dịp năm hết Tết đến, các gia đình đều tiến hành dọn dẹp nhà cửa, đặc biệt chú trọng bàn thờ gia tiên. Chuyên gia phong thủy Tuấn Thịnh cho rằng, mỗi năm sẽ có những ngày tốt để dọn dẹp bàn thờ, qua đó mang lại may mắn, thịnh vượng, tài lộc, hòa khí cho các gia đình, không bắt buộc phải sau 23 tháng Chạp. Quan trọng, các gia đình chọn được ngày đẹp, phù hợp phong thủy là được.
Tháng Chạp năm Tân Sửu có 3 ngày tốt các gia đình nên dọn dẹp ban thờ đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, cụ thể:
– Ngày 24 tháng Chạp (26/1/2022) là ngày tốt dọn dẹp bàn thờ tổ tiên, để có một năm mới ấm no, hạnh phúc, vạn sự như ý, làm ăn phát đạt. Giờ tốt nhất trong ngày này là giờ Thìn (7 – 9 giờ), hoặc giờ Tỵ (9 -11 giờ), và giờ Mùi (13 – 15 giờ).
– Ngày 28 tháng Chạp (30/1/2022) là ngày tốt để làm những việc lớn, mang đến niềm vui, may mắn, thuận lợi, tài lộc. Giờ tốt nhất để tiến hành lau dọn bàn thờ là 5 – 7 giờ (giờ Mão), 9 – 11 giờ (giờ Tỵ), 15 – 17 giờ (giờ Thân), 19 – 20 giờ (giờ Tuất).
– Ngày 29 tháng Chạp (31/1/2022). Đây cũng là một ngày Hoàng đạo cuối cùng, bạn nên nhanh chóng dọn dẹp để tăng khí vượng cho gia đình. Những giờ tốt trong ngày này là giờ Thìn (7 – 9 giờ), giờ Tỵ (9-11 giờ).
Các bước bao sái ban thờ:
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà chia sẻ trên Zing cho biết, trước khi tiến hành lau dọn, chủ nhà cần thắp hương khấn để thành tâm xin phép. Người lau dọn nên tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc chỉn chu, kiêng ăn những món hôi tanh như cá chép, thịt chó, thịt mèo, uống rượu rắn trước khi thực hiện nghi lễ.
Trong ngôi nhà, bát hương luôn luôn phải được an yên và an vị nhất, trừ những trường hợp bất khả kháng như ban thờ bị mối mọt, cong vênh phải sửa chữa, do vị trí ban thờ không phù hợp… thì mới xê dịch ban thờ. Khi xê dịch, cần làm lễ an vị ban thờ thật cẩn thận.
Trước khi lau dọn cần chuẩn bị khăn mềm, nước sạch, thìa sạch, chậu, pha ngũ vị hương.
Khi rút tỉa chân hương nên chú ý một tay rút, một tay giữ chặt bát hương để tránh xê dịch, đổ vỡ, phạm vào phong thủy. Rút chân hương từng ít một đặt lên giấy sạch.
Sau khi rút xong, gia chủ có thể lấy chiếc thìa sạch xúc bớt tàn hương đầy trong bát hương và nén lại gọn gàng.
Theo các chuyên gia phong thủy, gia chủ nên tiến hành lau dọn bàn thờ từ cao đến thấp. Nên dùng khăn mềm để lau chùi tượng đồng thờ cúng, tránh dùng những chất tẩy như cồn, hóa chất vì sẽ làm xỉn màu tượng đồng.
Khi lau bát hương, bài vị phải lấy tay giữ cố định rồi lấy khăn sạch, ẩm, pha ngũ vị hương, phun rượu pha gừng giã nhỏ và lau nhẹ nhàng.
Bên cạnh đó, gia chủ cần chú ý không để bát hương hay bức tượng bị xê dịch, tránh làm vỡ đồ trong quá trình lau dọn ban thờ.
Trong quá trình lau dọn bàn thờ, nếu có bất kỳ sự cố hay buộc phải xê dịch bát hương, tượng hay đồ thờ, sau khi làm xong phải sám hối và đặt lại đúng vị trí ban đầu.
Lưu ý quan trọng khi rút tỉa chân nhang
Cùng với dọn dẹp ban thờ, gia chủ sẽ tỉa chân hương (tỉa chân nhang) đã cũ trong một năm thờ cúng.
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà gợi ý trên tờ Lao động, gia chủ một tay cầm bát hương, một tay nhẹ nhàng rút chân nhang. Cần chú ý, nếu trạch chủ là nam thì nên giữ lại 7, 17, 27, 37 chân nhang, không được giữ lại 47 chân nhang vì đó là số tử thần. Nếu trạch chủ là nữ, gia đình mẹ góa con côi thì nên giữ lại 9, 19, 29, 39 chân nhang, không được giữ lại 49 chân nhang.
*Thông tin mang tính tham khảo