Sang tên Sổ đỏ cho con làm sao để không xảy ra tranh chấp? Dưới đây là 3 trường hợp sang tên Sổ đỏ cho con dễ xảy ra tranh chấp nhất cha mẹ cần biết.
Nhà đất là một trong những loại tài sản có giá trị lớn mà cha mẹ thường để lại cho con, có thể là tặng cho hoặc để thừa kế. Tuy nhiên, do không nắm rõ quy định của pháp luật và phần nào đó bị chi phối bởi yếu tố tình cảm nên việc tặng cho quyền sử dụng đất có thể không đúng quy định, không công bằng dẫn tới tranh chấp.
1. Cha mẹ tặng cho quyền sử dụng đất cho người con ra ở riêng và để phần còn lại cho người con sống chung nhưng lại không làm thủ tục cho tặng
Cha mẹ tặng cho quyền sử dụng đất cho con theo phương án này xảy ra rất phổ biến. Và trên thực tế từ trước đến nay hầu hết các gia đình đều lựa chọn theo phương án này.
Trước đây giá đất không cao nên ít xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên hiện tại giá đất ngày một tăng khiến không ít gia đình xảy ra tranh chấp giữa những người con vì việc tặng cho không thống nhất và thủ tục tặng cho không hoàn thành dứt điểm ngay từ ban đầu, cụ thể:
Gia đình có nhiều con, khi con ra ở riêng cha mẹ tặng cho thửa đất riêng hoặc tách thửa để tặng cho người con này, việc tặng cho có hiệu lực vì đã sang tên xong. Phần đất còn lại được cha mẹ giữ lại cho mình, cho người con sống chung.
Vấn đề dễ xảy ra tranh chấp ở chỗ cha mẹ để lại đất cho mình và cho người con sống chung nhưng không làm thủ tục tặng cho, trên thực tế hầu hết trường hợp này chỉ tặng cho bằng lời nói.
Khi cha, mẹ chết hoặc cả hai người chết thì phần đất này là di sản thừa kế, nếu không có di chúc để lại cho người con sống chung thì phần đất này sẽ được chia theo pháp luật. Khi đó, người con ra ở riêng được hưởng thừa kế, nếu những người này không từ chối nhận di sản sẽ rất dễ xảy ra tranh chấp.
Kiến nghị: Nếu cha, mẹ tặng cho đất cho những người con ra ở riêng thì cũng nên tặng cho người con sống chung theo đúng quy định của pháp luật hoặc lập di chúc để phần đất này cho người con sống chung.
2. Đất của hộ gia đình nhưng cha mẹ tặng cho quyền sử dụng đất cho con theo ý mình hoặc không “công bằng”
Căn cứ khoản 29 Điều 3 Luật đất đai 2013 quy định rõ khái niệm về đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cụ thể: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”.
Dấu hiệu nhận biết đất hộ gia đình là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ, Sổ hồng) ghi là “Hộ ông”, “Hộ bà”.
Quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình nên việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải tuân theo quy định của BLDS 2015 về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ gia đình:
– Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thỏa thuận.
– Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý.
Như vậy, đối với đất hộ gia đình, người con có chung quyền sử dụng đất cũng có một phần đất trong thửa đất của gia đình nên cha mẹ sang tên Sổ đỏ cho con theo ý mình (về bản chất, việc chia đất này chính là lấy một phần đất của người con này tặng cho người con khác) hoặc chia đất không đều giữa các người con (phụ thuộc vào yếu tố tình cảm nên sẽ có người được chia nhiều, người được chia ít) sẽ dễ phát sinh tranh chấp.
3. Đất là tài sản chung của vợ chồng, khi vợ hoặc chồng chết nhưng không làm thủ tục chia di sản thừa kế mà người còn lại sang tên nhà đất cho con theo ý mình
Tại Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014 (Luật HNGĐ) quy định, tài sản chung của vợ chồng là tài sản vợ và chồng có được trong thời kỳ hôn nhân, gồm có tài sản mà vợ chồng tạo ra, mua được, nhận chuyển nhượng, thu nhập do lao động, sản xuất kinh doanh; hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng; tài sản được tặng cho chung, thừa kế chung.
Đồng thời, theo quy định của Luật HNGĐ, những trường hợp chấm dứt quan hệ hôn nhân như ly hôn và một bên vợ hoặc chồng chết thì phần tài sản chung sẽ được chia đôi.
Tuy nhiên, trên thực tế do không am hiểu quy định của pháp luật nên khi vợ hoặc chồng chết thì người còn lại tặng cho quyền sử dụng đất chung theo ý chí của mình mà không chia thừa kế.
Ngoài ra, không phải lúc nào việc tặng cho cũng công bằng giữa những người con nên dễ xảy ra tranh chấp giữa những người này với nhau hoặc giữa những người thừa kế khác với người đã được tặng cho đất.