Tận dụng các phần khác của cá ngoài thịt giúp mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Dưới đây là 4 bộ phận bổ dưỡng của con cá mà chúng ta thường ít khi để ý đến.

Bong bóng cá

Khi làm cá, phần lớn mọi người thường loại bỏ phần bong bóng cá. Tuy nhiên, trên thực tế, cơ quan nội tạng này khi đem phơi khô sẽ trở thành một loại thuốc bổ cao cấp.

Bong bóng cá chứa nhiều protein chất lượng cao nhưng rất ít calo, vì thế bạn có thể ăn thoải mái mà không lo tăng cân. Thêm vào đó, bộ phận này còn chứa nhiều collagen có tác dụng làm đẹp da, chống lão hóa.

Hàm lượng arginine trong bong bóng cá cao giúp hỗ trợ chức năng của mạch máu. Bong bóng cá cũng chứa nhiều vitamin như vitamin A giúp tăng cường độ dẻo dai, giảm thiểu mệt mỏi, cải thiện trí não…

Trong khi đó, theo Đông y, bong bóng cá có vị ngọt, tính bình, giúp bổ âm, dưỡng huyết, kiện thận, tăng tinh khí cho nam giới, tốt cho những người thận yếu.

Khi mua bong bóng cá, bạn chú ý lựa chọn loại có màu trắng đục, khô ráo, tránh mua loại có màu vàng sậm, ẩm ướt, có dấu hiệu bị mốc, mùi tanh nồng. Ngoài ra, bạn không nên mua nhiều về dự trữ vì bong bóng cá rất dễ bị hỏng.

Khi chế biến, bạn có thể rửa sạch, ngâm bong bóng cá trong nước gừng có pha ít rượu trắng để khử mùi tanh. Kết hợp ăn bong bóng cá cùng với thịt cá để cân bằng dinh dưỡng trong cơ thể.

Bạn cũng có thể mua loại bong bóng cá đã được phơi/sấy khô để chế biến thành các món ăn bổ dưỡng. Lưu ý, những người bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy thì không nên ăn bong bóng cá.

Vảy cá

Khi sơ chế cá, chúng ta thường có thói quen đánh vảy cá và bỏ đi. Nhiều người cho rằng vảy cá bẩn, có mùi tanh, khi chế biến sẽ khiến món ăn kém hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu biết cách làm, vảy cá có thể trở lành món ăn cực kỳ bổ dưỡng, là thuốc chữa bệnh.

Cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) cho biết y học cổ truyền công nhận ăn vảy cá tốt cho sự phát triển trí não, điều trị chứng đau đầu, giúp chắc răng, khỏe xương, sáng mắt.

Nghiên cứu của khoa học hiện đại cho thấy vảy cá có nhiều lectithin giúp tăng cường khả năng nhớ của não bộ và đẩy lùi sự lão hóa của tế bào não.

Empty

Bên cạnh đó, vảy cá cũng chứa nhiều axit béo không no, giúp làm giảm cholesterol, tốt cho tuần hoàn máu. Vảy cá cũng chứa một lượng canxi và phốt pho đáng kể, tốt cho xương.

Ở một số nơi, để tận dụng vảy cá, người ta thường tẩm bột rồi chiên giòn để ăn. Hoặc bạn có thể nấu để cho vảy cá chín nhừ tạo thành hỗn hợp sền sệt, để nguội cho đông lại rồi cắt miếng ăn cùng nước tương hoặc gia vị tùy thích.

Xương cá

Xương cá ngoài thành phần chính là canxi, trong này còn chứa phosphorus, collagen biển, khoáng chất tự nhiên và nguyên tố vi lượng như sắt, kẽm, magie,… Đặc biệt, tỷ lệ các thành phần hoá học trong xương cá đúng với tỷ lệ các thành phần này trong xương người.

Chính vì vậy, các nhà khoa học cho rằng xương cá chính là dạng tương thích sinh học của con người, khi hấp thu vào cơ thể, chúng sẽ kết hợp với xương non, kích thích tái tạo xương một cách nhanh chóng.

Bạn có thể hầm xương cá cho nhừ giống như hầm các loại xương động vật khác để lấy nước ngọt nấu các món ăn như canh cá, súp cá… Hoặc có một mẹo nhỏ là bạn thêm giấm vào nước hầm, thì xương sẽ mềm ra và bạn có thể ăn được.

Lòng cá (gan, mật, ruột cá)

PGS.TS.BS Lê Bạch Mai – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết trong lòng cá, đặc biệt là phần gan và mỡ, chứa rất nhiều axit béo omega 3 và omega 6, là những chất béo chuyển hoá tốt, tham gia vào cấu tạo nên não bộ ở trẻ nhỏ và giúp giảm tình trạng mất trí nhớ ở người cao tuổi.

Empty

Ngoài ra, axit béo omega 3 còn có khả năng chống lại AMD, một chất dẫn đến mù loà. Vì vậy, lòng cá thực sự là món ăn vừa tốt cho mắt, vừa tốt cho não bộ. Lòng cá có thể chế biến thành các món như lòng cá chưng mẻ, lòng cá xào dưa chua,…