Không chỉ riêng món cháo tía tô, thực tế trong y học cổ truyền cũng có rất nhiều món cháo ngon, bổ giúp F0 nhanh khỏe hơn. Nếu người bệnh Covid-19 cảm thấy chán ngán món cháo tía tô quen thuộc có thể nấu thay đổi để ăn ngon miệng, tăng đề kháng.
Cháo gà
Nhiều người không dám ăn cháo gà vì lo sợ tình trạng ho sẽ trở nên trầm trọng hơn. Thế nhưng đây là quan niệm sai lầm. Lương y Bùi Hồng Minh nhận định cháo gà rất tốt cho F0 điều trị tại nhà.
Trong Đông y, thịt gà, có tính khí ôn, vị cam, không độc có nhiều tác dụng chữa bệnh khác nhau. Chuyên gia khuyên, khi dùng thịt gà nấu cháo cho F0 thì nên chọn thịt gà trống có lông màu đỏ để bổ phổi, tốt cho người khí hư suy yếu, giúp tăng sức đề kháng tốt hơn.
Khi nấu cháo gà, đừng quên những loại rau củ quả và gia vị đi kèm để cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào hơn. Bạn có thể bổ sung cà rốt, hạt sen, nấm hương… tùy thích.
Đặc biệt nhớ bổ sung những loại rau gia vị như hành tím, tía tô, húng quế… Trong Đông y, hành tím có tác dụng giải cảm, dễ tiêu hóa, giải độc cơ thể.
Trong khi đó, húng quế rất tốt để chữa ho, viêm họng, nghẹt mũi, nhức đầu, long đờm. Bổ sung húng quế vào bát cháo gà sẽ giúp các triệu chứng Covid-19 nhanh chóng thuyên giảm.
Cháo trứng gà, tía tô
Theo y học cổ truyền, lá tía tô có tính ấm, vị cay có khả năng chữa ho, cảm cúm, sốt, tăng đề kháng. Cháo trứng gà, tía tô là món ăn quen thuộc dễ làm cho người bệnh mắc COVID-19 điều trị tại nhà.
Nguyên liệu: Gạo tẻ loại ngon 100g, một quả trứng gà ta, một củ gừng tươi, một nắm lá tía tô tươi, 3-5 nhánh hành hoa, hạt tiêu, gia vị… vừa đủ.
Cách chế biến: Lá tía tô và hành hoa rửa sạch rồi thái nhỏ, gừng thái chỉ. Cho gạo vào nồi nấu thành cháo chín nhừ. Sau đó, lấy lòng đỏ trứng gà cho vào bát cháo nóng rồi đánh lên. Cho các gia vị tía tô, gừng, hành hoa vào nấu cùng, nêm gia vị vừa đủ.
Nên ăn cháo khi còn nóng để cơ thể toát mồ hôi. Sau đó dùng khăn mềm lau mồ hôi tránh để nhiễm gió lạnh.
Cháo đậu xanh
Theo Đông y, đậu xanh có vị ngọt mát, tác dụng bổ tỳ, thanh nhiệt, giảm khát… Với hàm lượng kali và vitamin C dồi dào trong đậu xanh sẽ giúp thanh nhiệt, giải nhiệt, dịu nhẹ thanh quản, tránh bị khàn tiếng.
Cháo đậu xanh là món ăn bổ dưỡng, dễ tiêu, giàu dưỡng chất giúp tăng cường kháng thể rất thích hợp với người đang sốt cao hoặc hết sốt còn mệt mỏi, đề kháng kém. Trẻ em, người lớn ăn kém, người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp dùng đều tốt.
Nguyên liệu: Đậu xanh cả vỏ 40g, gạo nếp 100g, gạo tẻ 50g, hành lá, tía tô, hạt nêm, đường, muối, hạt tiêu vừa đủ.
Cách chế biến: Có rất nhiều công thức nấu cháo đậu xanh như kết hợp với thịt lợn, thịt gà, thịt bò, hạt sen… nhưng nếu thích hương vị thơm bùi, ngọt thanh thì nấu cháo đậu xanh nguyên chất là lựa chọn tốt nhất khi đang là F0 điều trị tại nhà.
Gạo vo sạch, ngâm khoảng 40 phút rồi vớt gạo ra để ráo nước. Cho gạo vào nồi, thêm nước với tỉ lệ 1 phần gạo, 4 phần nước. Cho đậu xanh vào đảo đều, đun với lửa lớn. Khi nồi cháo sôi, hạ nhỏ lửa, tiếp tục nấu để cháo mềm nhừ. Nêm gia vị vừa ăn, cho thêm hành lá và tía tô thái nhỏ, thêm chút tiêu vào trộn đều rồi thưởng thức. Món cháo đậu xanh ăn nóng hoặc để nguội đều rất bổ dưỡng với người bệnh F0 điều trị tại nhà.
Cháo bí ngô
Theo Thạc sĩ – lương y Vũ Quốc Trung (Phòng Chẩn trị Y học Cổ truyền, Hội Đông y Việt Nam), bí ngô có tính ấm, điều hoà tỳ vị, bổ khí lực, nhuận tràng nên vẫn được dùng để chữa nhức đầu, đau đầu, chóng mặt, suy nhược thần kinh, áp xe phổi.
Bí ngô lại rất bổ máu. Do đó, F0 ăn cháo bí ngô sẽ nhanh khỏi bệnh hơn, lại còn bổ phổi, phòng chống hậu Covid-19 rất tốt. Khi nấu cháo bí ngô, chị em nên nấu thêm thịt băm, xương ninh… cho ngọt nước, cho thêm chút rau mùi để món ăn thơm ngon hơn.
Chưa kể, rau mùi còn giúp giảm các triệu chứng lo âu, bồn chồn, giúp F0 giấc ngủ, chống viêm. Từ đó nhanh phục hồi sức khỏe, hạn chế tối đa rủi ro hậu Covid-19.