Sức khỏe và tuổi thọ chịu nhiều ảnh hưởng từ thực phẩm và chế độ ăn uống hàng ngày. Ít ai biết rằng trong một số loại thực phẩm có tiềm ẩn tác nhân gây hại cho tim, gan, dạ dày, thực quản.
Tác nhân hại tim: Chất béo chuyển hóa
Chất béo chuyển hóa là tác nhân chính làm tăng cholesterol “xấu” LDL và làm giảm cholesterol “tốt” HDL trong máu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Nghiên cứu năm 2017 cho thấy việc hạn chế sử dụng chất béo chuyển hóa có thể giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Các nhà nghiên cứu tại Trường Y – Đại học Chicago và Trường Y – Đại học Yale (Mỹ) đã tiến hành so sánh nhóm người hạn chế sử dụng chất béo chuyển hóa với nhóm tự do tiêu thụ chất béo chuyển hóa. Kết quả cho thấy sau 3 năm, những người hạn chế sử dụng chất béo chuyển hóa phải nhập viện vì đau tim và đột quỵ ít hơn 6,2% so với nhóm còn lại.
Theo khuyến cáo của các cơ quan y tế, lượng chất béo chuyển hóa không nên vượt quá 2,2g/người/ngày. Nếu ăn quá nhiều sẽ có hại cho sức khỏe.
Theo chuyên gia Vu Khang (Giáo sư Khoa Dinh dưỡng Lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Công đoàn Bắc Kinh), chất béo chuyển hóa đến từ hai nguồn, một là thực phẩm tự nhiên và một là nguồn đã qua chế biến. Những gì chúng ta cần kiểm soát chủ yếu là các loại thực phẩm đã qua chế biến và chứa nhiều chất béo chuyển hóa.
Thực phẩm phổ biến có chứa chất béo chuyển hóa bao gồm các loại bánh ngọt, các loại đồ chiên rán nhiều dầu mỡ như khoai tây chiên, gà rán, bơ thực vật…
Tác nhân hại gan: Rượu bia
Nhiều người có thói quen uống rượu bia sau giờ tan làm, uống rượu bia trong bữa ăn mà không biết rằng điều này có thể gây hại cho gan.
Sau khi bạn uống bia rượu, chỉ có khoảng 10% lượng cồn từ rượu bia được đào thải qua nước tiểu, mồ hôi và khí thở. 90% lượng cồn còn lại sẽ tiến thẳng đến gan. Tại đây, cồn sẽ được các tế bào gan xử lý và tiến hành quá trình khử độc trước khi đào thải ra ngoài.
Thế nhưng khả năng khử độc của gan có giới hạn. Các tế bào gan khỏe mạnh chỉ có thể lọc được một lượng cồn hạn định trong mỗi giờ, nếu nồng độ cồn nạp vào cơ thể quá cao sẽ đòi hỏi gan phải mất nhiều thời gian hơn nữa để xử lý.
Theo chuyên gia Vu Khang, cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể khỏi tác động của rượu bia là không uống rượu dù chỉ một giọt. Nếu buộc phải uống thì lượng rượu bia nên uống trong một lần là 1 lon bia (350ml) hoặc 150ml rượu vang đỏ hoặc 25 ~ 50ml rượu trắng.
Tác nhân hại dạ dày: Muối
Nhiều người Việt có thói quen ăn mặn. Theo kết quả điều tra toàn quốc tại Việt Nam vào năm 2015, trung bình mỗi người Việt trưởng thành tiêu thụ khoảng 9,4 gam muối/ngày – gần gấp đôi so với khuyến nghị của WHO.
Muối tương tác với vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP), có thể gây viêm loét dạ dày và tá tràng. Loại vi khuẩn này là nguyên nhân của 80 – 90% các trường hợp mắc viêm loét dạ dày, tá tràng.
Theo một nghiên cứu của Nhật Bản, những ai thường xuyên ăn đồ ăn mặn có nguy cơ ung thư dạ dày cao gấp 2 lần so với những người khác. Ngoài ra, lượng natri trong cơ thể cao cũng làm giảm hiệu quả điều trị ung thư dạ dày.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người khỏe mạnh không nên ăn quá 5 gam muối mỗi ngày, bệnh nhân cao huyết áp nên kiểm soát ở mức 2 đến 3 gam mỗi ngày. Những người có vấn đề về thận cần kiểm soát chặt chẽ lượng muối ăn hàng ngày.
Tác nhân gây hại thực quản: Đồ ăn nóng
Bề mặt thực quản được bao phủ bởi các màng nhầy mỏng manh mà chúng lại rất nhạy cảm với nhiệt độ. Nhiệt độ tốt nhất với thực quản là từ 10 độ C – 40 độ C. Nhiệt độ 50 – 60 độ C nằm trong mức thực quản có thể chịu được. Còn nếu thực phẩm có nhiệt độ trên 65 độ C thì sẽ gây bỏng thực quản, khiến niêm mạc thực quản bị tổn thương.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiêu thụ thực phẩm quá nóng sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản, ung thư khoang miệng và ung thư vòm họng.
Chuyên gia Vu Khang khuyến cáo khi ăn, mọi người không nên ăn quá vội, tránh ăn ngay khi món ăn còn đang nóng, bốc hơi nghi ngút mà cần thổi nguội trước khi ăn để tránh bỏng khoang miệng và bỏng thực quản.