Một số loại trái cây tuy không có vị ngọt lịm nhưng lại mang hàm lượng đường lớn, bạn cần chú ý khi ăn.
Thanh long
Thanh long là loại quả nhiệt đới phổ biến ở Việt Nam. Thanh long chứa nhiều dưỡng chất cần thiết như vitamin nhóm B, vitamin C, các khoáng chất như canxi, sắt, phốt pho…
Thanh long (đặc biệt là thanh long đỏ) rất giàu anthocyanin giúp chống oxy hóa, ngăn ngừa xơ cứng động mạch, phòng ngừa bệnh tim, làm chậm lão hóa.
Khi ăn thanh long, bạn thường chỉ thấy vị ngọt nhẹ. Tuy nhiên, đây là một loại trái cây có hàm lượng đường lớn, chiếm khoảng 14% trên 100 gram. 70-80% trong số đó là đường glucoza có thể khiến đường huyết tăng nhanh hơn.
Chanh dây/chanh leo
Chanh dây có hàm lượng vitamin A dồi dào cùng các chất chống oxy hóa, flavonoid, hợp chất phenolic giúp ngăn ngừa bệnh tật.
Chanh dây có vị chua ngọt thơm ngon, có thể dùng làm các loại đồ uống giải nhiệt mùa hè cũng có thể chế biến thành các loại mứt, bánh. Tuy có vị hơi chua nhưng không nhiều người biết rằng, chanh dây chứa đến hơn 13% là đường glucose.
Dứa
Dứa là loại trái cây nhiệt đới, có vị chua ngọt, giàu vitamin và các nguyên tố vi lượng. Ăn dứa đều đặn có tác dụng thúc đẩy hoạt động đường tiêu hóa, bồi bổ khí lực. Dứa có thể dùng để ăn trực tiếp, pha các loại đồ uống, nấu canh, làm bánh…
Tuy nhiên, có thể bạn chưa biết, dứa cũng là một loại trái cây có hàm lượng đường rất lớn.
Quả lê
Theo Đông y, quả lê có tính mát, tác dụng sinh tân dịch, dưỡng huyết, thanh nhiệt, tiêu độc, nhuận phết, tiêu đờm, giảm ho, nhuận tràng…
Theo WEBDM, một quả lê cỡ vừa tuy chỉ có vị ngọt nhẹ nhưng có thể chứa tới 17 gram đường. Do đó, bạn không nên ăn quá nhiều lê, đặc biệt không dùng thay thế cơm. Một ngày chỉ nên ăn 1 quả lê hoặc 1 cốc nước ép lê không đường.
Quả sơn trà (táo gai)
Quả sơn trà (còn gọi là táo gai) có hàm lượng dinh dưỡng phong phú. Loại quả này thường được dùng như một vị thuốc trong Đông y dùng để điều trị các bệnh liên quan đến huyết áp, xơ vữa động mạch, giúp giảm cholesterol trong máu…
Quả sơn trà có vị chua đặc trưng, thơm và vị ngọt rất nhẹ, tốt cho hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, hàm lượng đường của nó có thể lên tới 22%, không thích hợp với những người đang bị tiểu đường.
Một số lưu ý khi ăn trái cây
Để nhận lợi ích tối đa từ trái cây, bạn nên ăn quả tươi, một số loại quả như nho, táo… có thể ăn cả vỏ (khi đã rửa sạch).
Nên ăn trái cây theo mùa, đa dạng các loại quả trong thực đơn ăn uống hàng ngày.
Không ăn trái cây khi đã ăn no. Khi ăn no, thức ăn trong bụng đang được tiêu hóa, nếu cung cấp thêm trái cây, dạ dày sẽ bị quá tải và không hấp thụ được tối đa các chất dinh dưỡng quý giá trong các loại trái cây.
Không nên ăn trái cây vào buổi tối vì lượng đường lớn trong các loại quả tươi sẽ làm tích tụ năng lượng, gây ra tăng cân, tích mỡ.
Nên ưu tiên ăn trái cây tươi, sinh tố trái cây thay vì uống nước ép. Nước ép dễ uống nhưng lại loại bỏ phần lớn chất xơ và một lượng vitamin, khoáng chất nhất định trong trái cây.