Có một vấn đề đặt ra ở đây là, 4 thầy trò Đường Tăng, cộng với cả Bạch Long Mã, nếu bắt buộc phải loại đi một người, người đó sẽ là ai?
Đường Tăng
Đường Tăng là lãnh đạo, chắc chắn sẽ không bị sa thải. Đường Tăng không khởi nghiệp một mình, đằng sau lưng Đường Tăng có một hậu thuẫn to lớn.
Khi Đường Tăng xuất phát ở thành Trường An, hoàng đế lúc bấy giờ là Lý Thế Dân đích thân tiễn, đồng thời còn kết nghĩa huynh đệ với ông.
Mặc dù chỉ cho Đường Tăng một con ngựa, một văn thư thông quan, nhưng chỉ riêng danh xưng “Ngự đệ thánh tăng” cũng đã đủ để Đường Tăng vượt qua vô số trở ngại, bất kể qua bao nhiêu quốc gia, chỉ cần lấy “tấm biển vàng” đó ra, ai dám không nể mặt Đường Tăng?
Đường Tăng là người duy nhất trong đoàn có thể “trị” được tất cả các thành viên. Tôn Ngộ Không trời không sợ đất không sợ nhưng vẫn bị Đường Tăng thu phục.
Ở Đường Tăng còn có một phẩm chất đáng quý mà bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng cần có – sự kiên trì. Bất kể đường đi gian nan khó khăn tới đâu, Đường Tăng luôn kiên trì với mục tiêu của mình, lãnh đạo có như vậy, cấp dưới mới luôn gắn kết.
Tôn Ngộ Không
Tôn Ngộ Không là người có năng lực nhất trong đoàn, vừa là giám đốc kỹ thuật vừa kiêm luôn trưởng phòng an ninh trong công ty, đồng thời anh cũng là cái tên vàng của đội.
Bản thân Tôn Ngộ Không cũng có một mạng lưới xã giao vô cùng rộng rãi và cái tên “Tề Thiên Đại Thánh” cũng có tính răn đe nhất định.
Trên đường công tác, bất kể gặp phải khó khăn gì, Tôn Ngộ Không luôn là người đầu tiên xung phong đứng ra giải quyết và đương đầu, nặng nhọc tới đâu cũng không phàn nàn, một đoàn đội mạng rất cần tới những nhân viên dám nói dám làm, và có trách nhiệm như vậy.
Tuy nhiên, tính cách có phần tự cao tự đại, dễ chuốc thêm kẻ thù lại là điểm trừ của Tôn Đại Thánh, dù năng lực có giỏi tới đâu, nếu phải đấu với một tập đoàn lớn hơn, e là sẽ vẫn còn rất non.
Có câu, “ngàn quân dễ đắc, nhất tướng khó cầu”, Tôn Ngộ Không chắc chắn sẽ không bị sa thải, một nhân viên giỏi và có thể kiểm soát được như vậy, không lãnh đạo nào sẽ chịu buông tay.
Trư Bát Giới
Trư Bát Giới, mặt dày, lười biếng, ham ăn háo sắc, thích nịnh hót, đi làm thì suốt ngày ngủ gật, ăn nhiều nhất, lại hay thích ra vẻ ta đây có công lao.
Người trông có vẻ đầy khuyết điểm như vậy có lẽ sẽ không ai muốn tuyển, nhưng vì sao Trư Bát Giới cũng sẽ không phải là người nên bị sai thải?
Trước tiên, một người “ăn nói khéo léo” như vậy sẽ để lại được ấn tượng trong lòng lãnh đạo.
Chẳng hạn, khi mở cuộc họp, lãnh đạo nói một câu gì đó, sắp xếp một nhiệm vụ nào đó, không ai hưởng ứng, không ai phản hồi một vài câu, như vậy sẽ khiến không khí trở nên rất gượng gạo.
Lúc này, những nhân viên như Trư Bát Giới rất có tác dụng, những người như vậy đóng vai trò như chất bôi trơn trong đội để đảm bảo cả đội gắn kết và có không khí hơn.
Không chỉ với lãnh đạo, với những nhân viên khác, quan hệ của Trư Bát Giới cũng rất tốt.
Một công ty, một nhóm người, thực sự rất cần những người “tạo không khí”, “tạo chủ đề nói chuyện” như Trư Bát Giới, giữa những lúc làm việc căng thẳng, có Trư Bát Giới, mọi người sẽ được giải tỏa, được vui vẻ.
Sa Tăng
Sa tăng có lẽ là thành viên “tuyệt vời” nhất trong đoàn, chăm chỉ, nghe lời, không ca thán, hết lòng trung thành.
Nhưng người như Sa Tăng lại là người dễ bị sa thải, dễ bị hi sinh nhất.
Công việc Sa Tăng làm không cần tới quá nhiều kỹ năng, có thể dễ dàng bị thay thế bởi chi phí lao động thấp hơn.
Sa hòa thượng tuy trông rất bận rộn, nhưng những việc cần giao tiếp bên ngoài, cần tới sự giúp đỡ, quan hệ công chúng, hay còn gọi là những hoạt động “hóa duyên” thì lại thường do Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới làm.
Công ty gặp nguy hiểm, tức là gặp “yêu quái”, cũng hầu hết đều dựa vào Tôn Ngộ Không.
Mỗi ngày, ngoài việc đi làm tan làm đúng giờ, Sa Tăng hầu như chỉ trấn thủ tại công ty, rất giống với những nhân viên cấp cơ sở nhất.
Dù chỉ trông hành lý và để ý sư phụ thôi thì cũng có lúc Sa Tăng làm không tốt, một trận gió thổi qua thôi là sư phụ biến mất rồi.
Vì vậy, lời thoại mà chúng ta có lẽ thường được nghe từ Sa Tăng đó là “Đại sư huynh, nhị sư huynh, sư phụ bị yêu quái bắt đi mất rồi.”
Sa Tăng có một thái độ làm việc tận tâm, nhưng vì năng lực thực tế có hạn nên khi công ty xảy ra chuyện, Sa Tăng không giúp được gì nhiều, chỉ biết cầu cứu hai thành viên cốt cán còn lại.
Tính cách có ôn hòa tới đâu, nhân cách có tốt tới đâu, nhưng nếu không có năng lực, không chịu thể hiện ra, nhân viên như vậy cũng sẽ rất có thể bị sa thải đầu tiên nếu công ty muốn tiết kiệm chi phí.
Bạch Long Mã
Bạch Long Mã có lẽ là vật phẩm tương đối xa xỉ trong đoàn của Đường Tăng, “xe” của thủ lĩnh là biểu tượng cho tài lực và xuất thân của thủ lĩnh đó.
Vì sao rất nhiều ông chủ rõ ràng không có nhiều tiền, nhưng vẫn phải vay nợ để mua những chiếc xe ô tô đắt đỏ? Đó là hiện thực xã hội.
Ngoài ra, theo quan điểm kinh tế, ô tô là một món đồ xa xỉ, và nó cũng là một vật vô giá.
Do đó, trừ khi công ty gặp khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, Bạch Long Mã sẽ không bị “xử lý”.
Trong 4 thầy trò Đường Tăng và cả bạch mã, người dễ bị “bỏ lại” nhất có lẽ lại chính là người thật thà nhất, Sa Tăng.
Thực tế luôn trần trụi như vậy, một nhân viên không có năng lực cạnh tranh cốt lõi, dù có thật thà tới đâu, chăm chỉ tới đâu, nhưng nếu giá trị mà họ tạo ra là có hạn, họ sẽ rất khó để nổi bật lên giữa một xã hội đầy những con người khôn khéo và có năng lực cạnh tranh như trong thời đại ngày nay.
Thứ không thiếu nhất trong thời đại ngày nay là lực lượng lao động phổ thông.
Nếu bạn cảm thấy mình thuộc hàng ngũ những nhân viên giống như Sa hòa thượng, hãy mau chóng nạp năng lượng cho mình, tạo cho mình năng lực cạnh tranh, đừng tự đẩy mình vào cảnh bao nhiêu năm chật vật vẫn không đạt được thành tựu gì và không có bước đột phá lớn.