Những quan niệm sai lầm của F0 khi điều trị tại nhà có thể khiến bệnh lâu khỏi và dễ bị biến chứng.
Súc họng bằng nước muối nóng đậm đặc
Bác sĩ Phạm Văn Thọ, chuyên khoa Tai Mũi Họng, tại Hà Nội, chia sẻ trên VnExpress: “Qua ba tuần tư vấn hỗ trợ cho 1.000 F0 theo dõi tại nhà, tôi nhận thấy có nhiều người đang hiểu sai và áp dụng phương pháp trị Covid-19 chưa khoa học”.
Nhiều người cho rằng nước nóng và nồng độ muối đậm đặc sẽ diệt virus. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng.
Bác sĩ Thọ giải thích rằng việc sử dụng nước quá nóng có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến lớp niêm mạc họng, miệng. Nước muối đậm đặc sẽ hút nước tế bào niêm mạc, làm teo và chết tế bào niêm mạc. Hai điều này kết hợp với nhau khiến chúng ta đau rát họng và khó chịu hơn. Khi lớp màng niêm mạc bị tổn thương, hàng rào miễn dịch bảo vệ đầu tiên của cơ thể cũng bị tổn thương. Lúc ấy, virus càng dễ tấn công người bệnh.
Theo bác sĩ, người bệnh nên ăn chín, uống sôi ở nhiệt độ tầm 30-35 độ C là hợp lý vì nó không gây tổn thương niêm mạch đường tiêu hóa, giúp cho hàng rào bảo vệ vững chắc hơn.
Không nên dùng nước muối ưu trương (nước muối pha với nồng độ muối cao) để súc họng hàng ngày. Thay vào đó, nên sử dụng nước muối sinh lý. Có thể pha như sau: 2 thìa cà phê muối tinh (10 gram muối) cho vào 1 lít nước sôi để nguội và khuấy đều. Ta có được nước muối 1% (gần tương đương với nước muối sinh lý 0,9%. Súc họng, khò họng với nước muối ngày 2 lần, sáng ngủ đậy và tối trước khi đi ngủ.
Uống nhiều nước chanh, sả, gừng
Việc sử dụng nước chanh, gừng không hoàn toàn sai vì đây là cách bổ sung vitamin C tự nhiên cho cơ thể. Tuy nhiên, điều này không có tác dụng lớn vào việc phòng chống virus. Mỗi ngày, chúng ta chỉ cần uống một cốc nước chanh nhỏ cũng là nhiều. Thế nhưng, có người uống 4-5 cốc nước chanh pha thêm gừng một ngày. Khi đó, người bệnh có thể cả thấy cồn cào ruột gan, bụng chướng, viêm dạ dày cấp.
Bác sĩ Thọ cho biết người bệnh không nên uống nhiều nước chanh, gừng. Vài ngày uống một cốc nước chanh nhỏ, không dùng gừng và nên uống cách giờ uống thuốc ít nhất 2-3 tiếng để tránh môi trường axit làm ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc.
Bác sĩ Phạm Ánh Ngân, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cơ sở 3 cũng có quan điểm tương tự. Uống nhiều nước chanh có thể làm ảnh hưởng đến người có bệnh lý dạ dày do tăng lượng axit. Ngoài ra, nó còn kích thích đi tiểu nhiều lần khiến người bệnh mệt mỏi. Gừng tươi thường được dùng để trị cảm, đầy bụng, tiêu chảy, ho có đềm. Tuy nhiên, gừng lại có tính nóng, nếu dùng quá nhiều sẽ tác động đến dạ dày và tiếu hóa, có thể gây ra táo bón.
Uống hỗn hợp chanh, sả, gừng quá nhiều, thay thế cho nước lọc có thể gây ra nóng vùng dạ dày, tăng nguy cơ trào nược dạ dày – thực quản, nóng và đổ ghèn hai mắt.
Bác sĩ Ngân cảnh báo, nếu sử dụng nước sả với đường phèn quá nhiều có thể tăng cảm giác khát nước, nguy cơ tăng đường huyết ở người có bệnh lý về rối loạn đường huyết.
Bổ sung vitain C dạng uống quá liều
Theo bác sĩ Thọ, người bệnh không nên kỳ vọng quá nhiều vào vitamin C. Hệ miễn dịch của con người là một bộ máy tinh vi, cần nhiều yếu tố để hoạt động trơn tru. Về mặt dinh dưỡng, cần đa dạng các loại vitamin A, B, C, E… và các loại khoáng chất như sắc, đồng, kẽm, canxi… Về mặt nội tiết, cần có hormone tuyến ức, hormone tuyến thượng thận, tuyến giáp…
Vì vậy, muốn hệ miễn dịch hoạt động tốt, chúng ta cần bổ sung dưỡng chất một cách khoa học, đầy đủ, cân bằng. Bổ sung không đúng cách có thể làm hại các bộ phận tiếp nhận như dạ dày, ruột; các bộ phận xử lý như gan, mật, tụy; bộ phận đào thải như thận, da.
Với thể trạng người Việt Nam, nếu bổ sung 1 gram vitain C/ngày là quá nhiều, dễ dẫn đến tiêu chảy. Khi đó có thể nhầm lẫn là triệu chứng do Covid-19 gây ra.
Phơi nắng buổi trưa
Nhiều F0 nghe theo lời khuyên trên mạng xã hội, tắm năng 15-20 phút vào lúc 10-11h mỗi ngày. Tuy nhiên, theo bác sĩ, lời khuyên này nhìn chung không hợp lý. Với F0 có triệu chứng cảm sốt, thể trạng yếu hơn bình thường nếu đứng dưới nắng sẽ càng khiến cơ thể mệt mỏi, dễ say nắng.
Xông tinh dầu nhiều lần trong ngày
Bác sĩ Phạm Ánh Ngân cho biết, xông phòng bằng tinh dầu sẽ đem lại cảm giác dễ chịu, giúp giảm hơi ẩm thấp của môi trường tác động lên cơ thể và không gian xung quanh, nhất là khi vào mùa mưa. Các loại tinh dầu còn có tác dụng thư giãn, giảm bớt căng thẳng. Tuy nhiên, xông trực tiếp tinh dầu từ 2 lần/ngày trở lên có thể khiến niêm mạc đường hô hấp trở nên nhạy cảm, tạo cảm giác khô rát hoặc tiết dịch nhầy nhiều sau khi xông.
Vì vậy, không nên xông nhiều lần trong ngày để diệt virus. Làm quá nhiều sẽ khiến da, niêm mạch trở nên nhạy cảm hơn.