Theo WHO, có khoảng 10%-20% người bệnh trải qua những tác động từ trung hạn đến dài hạn của Covid-19. Gọi chung là tình trạng hậu Covid.
Dấu hiệu nhận biết F0 bị hậu Covid
Sau khi khỏi bệnh, người nhiễm Covid-19 có thể vẫn còn đối mặt với hàng loạt triệu chứng và di chứng kéo dài như sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, khớp, rụng tóc, xơ phổi, tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực, rối loạn nội tiết, bị huyết khối… Có trường hợp xuất hiện rối loạn tiêu hóa (ăn không ngon miệng, chán ăn, đau dạ dày, tiêu chảy…), rối loạn vị giác hoặc khứu giác, phát ban…
Ở giai đoạn đầu của hậu Covid, người bệnh có thể gặp triệu chứng về tâm thần kinh như rối loạn tâm lý, giảm sự tập trung, lo âu, trầm cảm, bồn chồn, rối loạn giấc ngủ, mau quên, không tập trung; thường xuất hiện tình trạng não sương mù, nhận thức kém, đọc chậm, giảm trí nhớ ngắn hạn, thay đổi tâm trạng.
Tổn thương có thể nặng hơn nếu người bệnh có sẵn bệnh nền như bệnh tim mạch, tiểu đường, đặc biệt là hô hấp, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, viêm phế quản mạn…
F0 cần làm gì sau khi đã âm tính?
Tập thở
Việc tập thở nên được thực hiện thường xuyên. Hít vào, thở ra chậm, hít sâu dần dần và thở ra nhẹ nhàng không vội vã và nhịp độ tăng lên từng ngày.
Tập thể dục
Việc vận động nhẹ nhàng như đi bộ chậm, tập thể dục nhẹ, đạp xe đạp rất chậm, tập dưỡng sinh. Hãy đảm bảo vận động mỗi ngày 30 phút.
Đi bộ
Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng, người trưởng thành khỏe mạnh có thể đi bộ khoảng từ 4.000 – 18.000 bước/ngày tùy theo yêu cầu. Đối với người trưởng thành khỏe mạnh nên đặt mục tiêu là 10.000 bước/ngày.
Dinh dưỡng đúng
Mỗi ngày nên ăn 3-5 bữa tùy theo sức ăn của người bệnh và kết hợp đa dạng thực phẩm trong khẩu phần ăn.
Chăm sóc sức khỏe tinh thần
Sức khỏe tinh thần rất quan trọng. Bạn nên ngủ đủ giấc, nghe nhạc, thư giãn và trao đổi thông tin với mọi người xung quanh để cuộc sống trở lại bình thường.
4 nhóm thực phẩm bồi bổ hậu Covid-19
Nhóm gia vị như tỏi, gừng, nghệ
Tỏi chứa một chất hoạt tính được gọi là allicin có tác dụng chống lại nhiễm khuẩn và giảm viêm cho phổi. Gừng cũng có chức năng kháng viêm giúp làm sạch những chất ô nhiễm còn sót lại trong phổi – nguyên nhân dẫn tới các vấn đề sức khỏe. Nghệ có đặc tính kháng viêm nên giúp giảm viêm phổi.
Nhóm các loại hạt
Hạt điều, hạt hướng dương, hạt bí, hạnh nhân, quả óc chó… cung cấp cho cơ thể một lượng lớn khoáng chất và magie – những chất thiết yếu có tác dụng làm giãn cơ trơn bao bọc xung quanh các phế quản, từ đó làm giãn phế quản, giúp không khí dễ dàng đi qua đường thở tới các phế nang.
Bạn có thể kết hợp hạt cùng các loại ngũ cốc nguyên hạt như lúa mì nguyên chất, diêm mạch, gạo lứt để giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh phổi mạn tính và cải thiện sức khỏe hô hấp.
Hoa quả
Các loại quả họ dâu giàu chất chống oxy hóa, có chứa polyphenol anthocyanin,beta-carotene, lutein và zeaxanthin, giúp bảo vệ phổi khỏi ung thư, dịch bệnh và nhiễm trùng.
Quả bưởi giàu vitamin C, vitamin B6, axit folic và magie,… tốt cho phổi, giúp cơ thể bảo vệ phổi khỏi nhiễm trùng và tăng khả năng miễn dịch tổng thể.
Táo chứa một flavonoid chống oxy hóa là quercetin, tác dụng bảo vệ phổi khỏi tác hại của ô nhiễm không khí và khói thuốc.
Rau lá xanh
Các loại rau như rau cải ngọt, rau bina, cải xoăn, bắp cải,… có tác dụng bổ phổi. Bắp cải có tác dụng thanh nhiệt giải độc và giảm ho, rất thích hợp cho người bệnh bị viêm phổi.