Những F0 thể nhẹ được điều trị tại nhà cần chú ý tới những vấn đề dưới đây để đảm bảo an toàn cho người xung quanh.
Theo bác sĩ Trần Thị Hải Ninh – Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ: Do tình hình Covid -19 đang diễn biến phức tạp, thì việc cách ly, điều trị F0 tại nhà sẽ làm giảm gánh nặng cho các cơ sở y tế cũng như tạo tâm lý thoải mái giúp người bệnh nhanh chóng bình phục sức khoẻ.
Tuy nhiên, khi điều trị tại nhà, F0 nên trang bị các kỹ năng tự chăm sóc đúng cách giúp nâng cao sức khoẻ cũng như giảm tỷ lệ diễn biến nặng, hạn chế lây nhiễm Covid-19 cho gia đình và cộng đồng.
Đồng thời, Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh đưa ra một số lời khuyên trong sinh hoạt cho F0 cách ly tại nhà để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho những người xung quanh.
Thứ nhất: F0 nên cách ly trong không gian riêng biệt
Để đảm bảo an toàn khi F0 điều trị tại nhà thì gia đình cần có một phòng ngủ riêng biệt, có nhà vệ sinh riêng, có cửa sổ, có thể sử dụng thêm quạt hoặc máy lọc không khí để đảm bảo không gian thông thoáng. Người bệnh chỉ nhận đồ vật hoặc thực phẩm gián tiếp từ người nhà.
Thứ hai, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch chứa cồn.
Các thời điểm được khuyến cáo rửa tay bao gồm: rửa tay trước và sau khi nấu ăn; trước và sau khi ăn; sau khi ho, hắt hơi, sổ mũi; sau khi chạm vào các vật dụng, bề mặt; sau khi đi vệ sinh và sau khi thu dọn rác thải.
Thứ ba, F0 nên đeo khẩu trang đúng cách
Việc điều trị F0 ở nhà có thể ẩn chứa những nguy hiểm cho người xung quanh, nên F0 tuyệt đối không khạc nhổ trong không gian chung. Che miệng mũi bằng khăn giấy khi ho, hắt hơi và vứt tờ giấy đó vào thùng rác thải riêng, có nắp đậy.
Thứ tư, người nhiễm nên sử dụng dụng cụ ăn riêng
Việc F0 sử tự rửa dụng cụ bằng nước nóng hoặc xà phòng. Đối với các đồ vải cá nhân như quần áo, đồ lót, F0 cũng nên giặt riêng với nước ấm, sấy và phơi khô ở không gian riêng biệt trong nhà sẽ giúp phòng ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh cho người khác.
Thứ năm, người nhiễm cần tự vệ sinh bề mặt môi trường
Để đảm bảo công tác phòng và điều trị bệnh thì Fo cần làm sạch môi trường sống của mình ít nhất một lần mỗi ngày theo quy trình như sau: làm sạch tường, bề mặt; sau đó lau bằng dung dịch khử khuẩn; cuối cùng lau lại bằng nước sạch.
Thứ sáu, việc thu gom, xử lý rác thải cũng cần thực hiện đúng cách
Trong phòng cách ly, nên sử dụng thùng rác có nắp kín, mở bằng chân, trong thùng rác có lót túi ni lông. Khi rác đầy, cần thu gom lại, buộc chặt túi rác và xử lý theo đúng quy định về rác thải y tế.
Thứ bảy, người nhiễm và người chăm sóc không nên tiếp xúc với vật nuôi
Vật nuôi có thể là cầu nối khiến cho virus lây nhiễm ra ngoài, chính vì vậy người bệnh không nên tiếp xúc với vật nuôi, thú cưng trong thời gian điều trị tại nhà. Đồng thời, cũng không nên để vật nuôi của gia đình tiếp xúc với người và vật nuôi của các gia đình khác.
Ngoài ra, để cho việc điều trị F0 tại nhà đạt hiệu quả cao gia đình nên chuẩn bị các loại thuốc hạ sốt. Nếu sốt trên 38,5 độ C, nên hạ sốt bằng các thuốc hạ sốt thông thường như Paracetamol liều 0,5 – 1g. Có thể uống thuốc lặp lại sau 4 – 6 tiếng, chú ý không dùng quá 4 lần trên 1 ngày.
Trẻ nhỏ khi có biểu hiện sốt trên 38,5 độ C cũng có thể dùng thuốc hạ sốt Paracetamol. Phụ huynh cần tính liều uống theo cân nặng của trẻ, liều cụ thể được khuyến cáo là từ 10 – 15mg/kg/lần. Việc sử dụng thuốc có thể lặp lại sau 4 – 6 tiếng, không quá 4 lần/ngày. Với các F0 có biểu hiện ho và đau họng, bác sĩ Ninh cho biết cần súc họng hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn họng.
Bên cạnh đó, người nhà nên chuẩn bị thêm những thực phâm tăng cường sức đề kháng cho bệnh nhân. Bổ sung thêm nước, trái cây giàu vitamin C, các loại nước xúc họng, thực phẩm bổ dưỡng như trứng, sữa, thịt…. để tăng cường sức đề kháng.