Triệu chứng ngạt mũi khá phổ biến ở những người nhiễm virus SARS-CoV-2 và cả những người nhiễm virus cúm. Bạn có thể áp dụng những biện pháp này để giảm ngạt mũi.

Điều trị chứng ngạt mũi sẽ giúp tránh bội nhiễm dịch ứ đọng trong hốc mũi diễn biến thành viêm mũi xoang cấp hoặc dịch chảy xuống dưới phế quản mang theo SARS-CoV-2 xuống phế quản gây viêm phế quản, viêm phổi.

Với những người đang điều trị viêm mũi xoang cần tiếp tục dùng thuốc kết hợp với các phương pháp chống ngạt mũi. Việc dừng điều trị viêm xoang sẽ khiến tình trạng viêm mũi xoang nặng lên do sự tác động của SARS–CoV-2 đã làm giảm sức đề kháng của hệ thống biểu mô đường hô hấp, trong đó có mũi xoang.

Xông hơi mũi bằng nước muối

Bạn có thể xông hơi mũi bằng nước muối đẳng trương hoặc ưu trương hay một số loại lá có tinh dầu loãng (sả, chanh, bưởi, bạc hà, trầu không…) làm loãng chất nhày và làm dịu đường mũi bị kích ứng.

Uống nhiều chất lỏng

Các bằng chứng khoa học cho thấy việc uống nước cũng làm loãng được chất dịch trong hốc mũi, làm cho mũi thông thoáng, giảm ngạt. Nước ấm là phương thuốc tốt nhất để điều trị các triệu chứng ngạt mũi.

Ngoài ra bạn có thể uống gừng nóng hoặc trà xanh cũng giúp giảm nghẹt mũi.

Bên cạnh đó, việc duy trì đủ nước cho cơ thể cũng rất quan trọng. Ngoài nước ấm bạn có thể uống thêm nước ép trái cây và nước ép rau củ.

Pha dịch nhỏ mũi

Trong trường hợp người nhiễm SARS-CoV-2 đang cách ly một mình không thể ra ngoài hiệu thuốc, bạn có thể tự chế thuốc nhỏ mũi: 1 cốc nước ấm và ½ thìa cà phê muối lắc đều rồi nhỏ 3-6 giọt dung dịch vào mỗi lỗ mũi, hít nhẹ.

Châm hoặc day huyệt nghinh hương

Tại Trung Quốc – người ta đã nghiên cứu để chữa ngạt mũi ở những bệnh nhân Covid -19 và đã đưa ra những kết quả khả quan được đăng tại thư viện WanFang, PubMed…

Ăn thức ăn cay

Ăn thức ăn cay là một cách tự nhiên để điều trị ngạt mũi. Ớt có một thành phần gọi là capsaicin, được biết đến với tác dụng sinh nhiệt. Điều này có thể làm thông mũi, giảm viêm và giảm nghẹt mũi.

Nằm ngủ kê cao đầu

Nếu nhà bạn có máy tạo ẩm hãy đặt nó trong phòng ngủ. Khi ngủ nên kê cao đầu hơn so với bình thường.

Sử dụng nhóm thuốc tại chỗ chống sung huyết mũi

Naftazoline, xylometazoline, adrenaline, ephedrine… tuy nhiên nhóm thuốc này tuyệt đối phải do bác sĩ chỉ định và sử dụng dưới 10 ngày do thuốc có thể gây ra các tác dụng không mong muốn như tăng huyết áp, lo lắng, mất ngủ…

Thuốc kháng histamine đường uống hoặc tại chỗ

Loại thuốc này giúp làm khô mũi, giảm tiết dịch và triệu chứng hắt hơi khi nhiễm SARS–CoV-2, ngăn ngừa lây nhiễm khi bắn các giọt dịch tiết ra môi trường xung quanh (vừa điều trị – vừa phòng bệnh). Tuy nhiên các thuốc nhóm này người bệnh cũng nên được tư vấn bởi bác sĩ tai mũi họng, tránh tự ý dùng thuốc.