Người hay bị đau nhức xương khớp có thể sử dụng ngải cứu để giảm các triệu chứng khó chịu ngay tại nhà.

Đau nhức xương khớp có thể xảy ra do chấn thương, lao động quá sức hoặc do ít vận động (ngồi lâu, nằm nhiều) hoặc do thay đổi thời tiết, căng cơ… Ngoài ra, những người bị thoái hóa, thoát vị địa đệm, loãng xương… sẽ thường xuyên gặp tình trạng đau nhức xương khớp hơn.

BS CKI. Nguyễn Trần Như Thủy – Khoa Nội Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, chia sẻ trên Infonet: Người bị bệnh xương khớp không nên tự ý sử dụng thuốc giảm đau vì nếu không kiểm soát tốt việc dùng thuốc, nó có thể gây ra nhiều tại hại cho cơ thể.

Theo bác sĩ, những người bị bệnh nhẹ có thể sử dụng ngải cứu để giảm đau ngay tại nhà mà không cần uống thuốc.

ngai-cuu-01

Ngải cứu (còn gọi là cây thuốc cứu), lá ngải cứu phơi khô gọi là ngải diệp. Ngải diệp nghiền nát, bỏ gân, tán thành bột mịn gọi là ngải nhung.

Trong dân gian và trong y học, ngải cứu được sử dụng rất nhiều.

Loại cây này có nhiều công dụng khác nhau, có thể dùng làm thức ăn, nước uống, dùng làm thuốc.

Theo Đông Y, ngải cứu có vị đắng, tính ấm, mùi thơm, đặc trưng. Loại thảo dược này có tác dụng hàn thấp, làm ấm kinh lạc, lý khí huyết, cầm máu.

Ngải cứu thường được dùng trong các trường hợp đau bụng do lạnh, chảy máu cam, động thai, kinh nguyệt không đều, trị đau nhức xương khớp do nhiễm phong hàn.

Chườm ngải cứu trị đau nhức xương khớp

Lấy 100 gram ngải cứu tươi, rửa sạch, để ráo nước. Bỏ ngải cứu vào chảo rang/sao cùng với 2 nắm muối hột.

Cho ngải cứu rang muối vào một cái khăn mềm bọc lại, để nguội bớt rồi đắp lên vùng bị đau.

Một ngày có thể chườm 2-3 lần ngày.

ngai-cuu-02

Khi túi chườm nguội thì đổ hỗn hợp lá ngải cứu và muối hột ra chảo rang lại hoặc cho vào lò vi sóng để làm nóng và tái sử dụng.

Để tăng tính ấm của túi chườm, bạn có thể cho thêm 400 gram gừng già, cắt sợi và rang cùng ngải cứu, muối hột.

Bác sĩ Thủy đưa ra lưu ý, khi sử dụng túi chườm, nên để nhiệt độ vừa ấm, không dùng khi còn quá nóng để tránh tình trạng phỏng rộp da. Có thể lót trên da một tấm vải mỏng rồi mới đặt túi chườm lên trên.

Ngoài ra, nếu vùng khớp bị sưng nóng đỏ, viêm nhiễm, có vết thương hở thì không nên chườm mà phải đến gặp bác sĩ để được tư vấn.

Dùng lá ngải cứu để tắm hoặc ngâm

400 gram lá ngải cứu tưởi rửa sạch, cắt khúc; 300 gram gừng già rửa sạch, đập dập; 4 cây sả rửa sạch, đập dập. Cho các nguyên liệu vài nồi, thêm 1,5-2 lít nước và nấu sôi trong khoảng 10 phút. Tắt bếp và đậy vung thêm khoảng 2 phút.

Lọc lấy phần nước, bỏ bã. Pha thêm nước lạnh để tắm hoặc dùng để ngâm chân, vùng khớp bị đau.

ngai-cuu-03

Tắm hoặc ngâm nước lá ngải cứu vừa chỉ thống hành khí, tán phong hàn, khử ứ vừa giúp giảm căng thẳng, cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Nếu bị đau đầu có thể dùng các nguyên liệu như trên nhưng tăng lượng gấp đôi, đổ ngập nước, thêm một nắm lá bạc hà (hoặc húng cây), đun sôi 15 phút.

Lấy nước đun để xông khoảng 20 phút. Cách này sẽ giúp giảm các cơn đau đầu.

Bác sĩ Thủy lưu ý, bạn có thể ngâm nước lá ngải cứu 2 lần/ngày cho tới khi hết đau. Tuy nhiên, nếu xông hơi thì chỉ thực hiện tối đa 1 lần/ngày và chú ý tránh để bị hơi nóng và nước nóng gây bỏng da. Người đang bị đau xương khớp cần tránh tắm khuya, tốt nhất là nên tắm trước 19 giờ.