Đối với F0 điều trị tại nhà, cần đặc biệt chú ý tới vấn đề hô hấp. Vì khi trở nặng, F0 thường khó thở, hụt hơi.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh đã có chia sẻ về hướng dẫn cách nằm và tập thở cho F0 điều trị tại nhà. Ai cũng nên lưu lại phòng khi cần đến.

Vì sao tư thế nằm đúng và tập thở có thể cứu sống các F0?

Theo bác sĩ Khanh, các thế nằm được khuyến cáo cho bệnh nhân nCoV gặp tình trạng khó thở không chỉ đơn giản là để thoải mái hơn, mà nếu người bệnh kiên trì thực hiện, kết hợp với việc tập hít thở sâu, nhiều trường hợp chức năng hô hấp sẽ được cải thiện và qua khỏi nguy hiểm.

Chuyên gia này cũng khẳng định, ngay cả khi nhập viện và được hỗ trợ hô hấp bằng các thiết bị, người bệnh nCoV vẫn được yêu cầu nằm theo các kiểu như trên.

“Bình thường bạn hiếm khi sử dụng hết lá phổi của mình. Tuy nhiên, khi nằm và ngồi theo các tư thế nói trên, bạn sẽ huy động được toàn bộ lá phổi. Nhờ vậy mà việc hô hấp được dễ dàng hơn, giúp cải thiện được chỉ số SPO2 (nồng độ ôxy trong máu ngoại vi)”, chuyên gia này giải thích.

Điều này sẽ rất có lợi nếu như bạn là F0, đã bắt đầu có triệu chứng khó thở nhưng vẫn trong thời gian chờ để được chuyển đến bệnh viện. Trường hợp nếu bệnh không quá nặng, có khi bạn có thể tự cải thiện được chỉ số SPO2 trước khi vào bệnh viện.

Bởi vì đối với nCoV cũng như mọi bệnh khác, ngoài các can thiệp từ bác sĩ và các thiết bị y tế, ý chí của bệnh nhân luôn quan trọng. Các F0 nhẹ hoặc đang trong giai đoạn hồi phục nếu chịu khó vận động và tập thể dục nhẹ nhàng thì sẽ mau khỏi bệnh hơn.

Hướng dẫn cách nằm và tập thở giúp cải thiện oxy phổi cho bệnh nhân F0 đúng cách như sau:

6

Cụ thể, bác sĩ Khanh chia sẻ cách cải thiện oxy phổi cho bệnh nhân F0 được chăm sóc tại nhà bằng tư thế nằm sấp với 6 bước như sau:

Bước 1: Bắt đầu bằng cách nằm sấp trên giường phẳng trong 30 phút đến 2 giờ.

Bước 2: Chuyển sang nằm nghiêng bên phải trong 30 phút – 2 giờ.

Bước 3: Chuyển sang ngồi dậy (30 – 60 độ) từ 30 phút – 2 giờ.

Bước 4: Chuyển sang nằm nghiêng bên trái trong 30 phút – 2 giờ.

Bước 5: Chuyển sang nằm sấp và co chân trong 30 phút – 2 giờ.

Bước 6: Trở lại vị trí nằm sấp trong 30 phút – 2 giờ.

7

Chia sẻ của bác sĩ Khanh về bài tập như sau:

Khi cảm thấy khó thở thì nên thử tập thở trước rồi mới thử đến thế nằm. Đơn giản là ngồi thẳng, hít vào bằng mũi thật sâu và tập trung hơi ở bụng, sau đó thở ra từ từ bằng miệng.

Cách thở này không chỉ giúp cải thiện chức năng hô hấp, mà còn giúp giảm lo âu, giúp bạn bình tĩnh lại và nhờ đó còn giúp phân loại được luôn các tình huống “báo động giả”

Bác sĩ Khanh cho biết, không phải khó thở vì nCoV mà lo lắng quá nên cảm thấy khó thở. Đây là tình huống gặp nhiều và người bệnh thường nhanh chóng hết cảm thấy khó thở sau đó.

Chuyên gia này cũng lưu ý một điều quan trọng nữa là khi người bệnh cảm thấy khó thở, SPO2 bị tụt, cần báo ngay với y tế địa phương. Không được chủ quan khi người bệnh vẫn còn nói chuyện được. Bởi vì đã có những tình huống nhân viên y tế xuống tới nơi lại quyết định cấp cứu trước cho người đang còn nói được thay vì người đang than khó thở, mệt.

Điều cuối cùng bác sĩ Khanh muốn nhắn nhủ rằng, tâm lý mỗi người khác nhau, có người quá lo mà “báo động giả” thì cũng có những người cố gắng gượng khi cảm thấy khó chịu.

Chính vì vậy, nếu thấy người thân thở mệt, nhất là người cao tuổi, có bệnh nền, con cháu không nên chủ quan cho dù người bệnh có cố gắng tỏ ra mình vẫn ổn. Việc tập thở và điều chỉnh thế nằm sớm rất quan trọng để giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng.