Sáng 1/3, Bộ Y tế cho phép tiêm vắc-xin Pfizer phòng COVID-19 liều 0,2 ml chứa 10 mcg cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Tiêm vắc xin Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi liều 0,2ml
Ngày 1-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký quyết định số 457/QĐ-BYT sửa đổi điều 1 quyết định số 2908/QĐ-BYT phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, vắc xin được phê duyệt có tên Comirnaty (tên khác: Pfizer BioNTech COVID-19 Vaccine).
Người từ 12 tuổi trở lên được tiêm mỗi liều 0,3ml chứa 30mcg vắc xin mRNA COVID-19 (được bọc trong các hạt nano lipid). Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm mỗi liều 0,2ml chứa 10mcg.
Về dạng bào chế, đối với vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm và hỗn dịch tiêm; vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm.
Quyết định 457 này có hiệu lực kể từ ngày hôm nay 1-3, bãi bỏ quyết định số 4035/QĐ-BYT ngày 21-8-2021 của bộ trưởng Bộ Y tế.
Vắc xin Pfizer được sản xuất tại các cơ sở: Pfizer Manufacturing Belgium NV, Bỉ; BioNTech Manufacturing GmbH, Đức; Pharmacia and Upjohn Company LLC (Pharmacia & Upjohn Company LLC), Mỹ; Hospira Incorporated (Hospira Inc.), Mỹ.Hiện đã cơ bản đã thực hiện xong thủ tục mua vắc xin Pfizer phòng Covid-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi; và Bộ Y tế đề nghị nhà cung cấp bàn giao chậm nhất là đến 30.4.2022 để Việt Nam đẩy nhanh việc bao phủ tiêm vắc xin cho trẻ em.
Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn y tế cơ sở về việc đảm bảo an toàn khi tiêm vắc xin cho trẻ em; đồng thời, đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai tiêm chủng phòng Covid-19 “thần tốc hơn nữa”; đảm bảo bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12 – 17 tuổi.
Giám đốc BV Nhi nêu lý do nên tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ 5 – 11 tuổi
PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương; PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, “Chúng tôi đều phải đọc tài liệu để tiếp cận, để tư vấn tốt cho bố mẹ các cháu và cũng chỉ định được vắc xin tiêm cho trẻ em. Sự an toàn của vắc xin Pfizer cũng đã được nghiên cứu bởi nhà sản xuất. Sau khi bảo đảm được an toàn và hiệu quả, Hoa Kỳ dù rất khắt khe trong việc cấp phép vắc xin cũng đã cấp phép khẩn cấp cho nhóm tuổi này. Hiện đã có 60 nước chỉ định vắc xin này cho trẻ em”.
Về tác động lâu dài của vắc xin liên quan đến sinh sản, di truyền như hiều phụ huynh lo lắng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương phân tích, bản chất của vắc xin này là các thành phần RNA thông tin – khi đi vào trong tế bào, tạo ra các protein, phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus. Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người. Đây là một cơ chế khoa học rất rõ ràng.
“Những ảnh hưởng ngay lập tức 5-7-10 ngày sau tiêm, chúng ta cũng không nên lo ngại vì cũng giống như các loại vắc xin tiêm chủng cho trẻ lớn hơn và cho người lớn”, PGS Trần Minh Điển nói.
Theo ông, vai trò của các ông bố, bà mẹ là phối hợp với những người tiêm chủng, với hệ thống y tế điều trị để cùng nhau sẵn sàng nhìn nhận xem trẻ chỉ phản ứng ở mức độ thông thường hay phản ứng ở mức độ nặng hơn.
Với tư cách của một bác sĩ nhi khoa, ông Điển khuyên các bố mẹ nên đồng thuận cho con mình tiêm chủng. Trẻ em được quyền hưởng những thành quả của khoa học, thành quả của nghiên cứu, xuất phát từ thực tế.
“Do vậy tôi nghĩ rằng các ông bố bà mẹ nên cho con mình có cơ hội để phòng chống dịch bệnh và nếu không may mắc, thì sẽ không chuyển nặng và đặc biệt là không dẫn đến tình trạng tử vong. Đây là điều mà với tư cách của một bác sĩ nhi khoa, tôi khuyên các ông bố bà mẹ như vậy. Hãy nhìn rộng ra một chút, nhìn trong gia đình mình, và nhìn trong cá thể của mỗi con người”, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương kêu gọi.
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng cũng khẳng định, tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi là việc hết sức cần thiết, mang lại nhiều lợi ích để bảo vệ các cháu hơn là tác hại. Chúng ta cần tư vấn cho các bố mẹ còn băn khoăn hiểu về lợi ích, lợi ích nhiều hơn nguy cơ. Nguy cơ chúng ta sẽ giảm thiểu hết mức nếu chúng ta tổ chức chu đáo, theo dõi và xử lý kịp thời những tác dụng phụ có thể xảy ra.
“Việc chích ngừa vắc xin Covid-19 cho trẻ là xu hướng toàn cầu. Các quốc gia khác còn đang nghiên cứu tiêm vắc xin cho trẻ dưới 5 tuổi, từ 6 tháng trở lại. Vì vậy, để bảo vệ trẻ, phụ huynh nên sớm đồng ý cho các cháu tiêm. Nếu không các cháu sẽ là đối tượng yếu nhất, dễ nhiễm nhất. Nếu các cháu được tiêm thì cộng đồng trong trường học, trong xã hội sẽ an toàn hơn nhiều”, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM thuyết phục.