Máy đo SpO2 là thiết bị cần thiết mỗi gia đình nên có. Thị trường hiện nay có nhiều loại máy khác nhau, chuyên gia cảnh báo dùng máy kém chất lượng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Dùng máy kém chất lượng cẩn thận rước họa vào thân
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM) cho biết, máy SpO2 thường được sử dụng cho những đối tượng F0, F1 đang cách ly tại nhà. Đây là thiết bị được sử dụng phổ biến trong ngành y tế. Hầu như tất cả các bệnh nhân có bệnh lý về tim phổi đều sử dụng thiết bị này để theo dõi. Nếu chỉ số SpO2 thấp hơn 95%, bệnh nhân cần được hỗ trợ hô hấp, phải nhập viện và theo dõi sát diễn tiến tình trạng suy hô hấp.
Vì thị trường có nhiều loại máy SpO2 khác nhau, bác sĩ Khanh cảnh báo việc mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Khi mua hàng, người dân nên tìm đến nơi uy tín đã được cấp phép để mua máy. Nếu không phải đối tượng nguy cơ cao thì người dân cũng không nên mua mà có thể tải app trên di động để chủ động theo dõi.
Theo ThS.BS Nguyễn Đình Tỉnh (Đại học Y tế Công cộng) việc mua phải máy đo SpO2 chất lượng kém cực kỳ nguy hiểm trong vấn đề theo dõi sức khỏe người bệnh Covid-19 tại nhà khi kết quả đo không chính xác. “Sản phẩm phải có tem, phiếu bảo hành, giá bán các máy đo SpO2 cầm tay chính hãng tốt thường không dưới 500.000 đồng. Người mua phải tìm hiểu kỹ thương hiệu của máy, nhà phân phối trước khi mua, tránh mua phải hàng giả”, BS Tỉnh cho biết.
Cách đo SpO2 chuẩn
Chỉ số SpO2 còn được gọi là độ bão hòa oxy trong máu, biểu thị cho tỷ lệ hemoglobin có oxy trên tổng lượng hemoglobin trong máu. Một người khỏe mạnh bình thường, độ bão hòa oxy động mạch dao động trong khoảng 95 – 100%. Chỉ số bão hòa oxy trong máu dưới 90% là ở mức thấp.
Chỉ số SpO2 được xem là một trong những dấu hiệu sinh tồn của cơ thể, bên cạnh các dấu hiệu khác là nhiệt độ, mạch đập, nhịp thở và huyết áp. Khi cơ thể bị thiếu oxy máu, các cơ quan như tim, gan, não… sẽ nhanh chóng phải chịu những tác động tiêu cực. Vì vậy, F0 cách ly, điều trị tại nhà cần theo dõi chỉ số SpO2 thường xuyên để kịp thời can thiệp nếu xảy ra tình trạng nguy hiểm. Tuy nhiên, việc đo chỉ số SpO2 như thế nào để có kết quả chính xác cũng là điều các người bệnh cần lưu ý.
Sở Y tế Hà Nội hướng dẫn cách sử dụng máy đo SpO2 chuẩn gồm 6 bước:
– Bước 1: Kiểm tra xem máy còn pin hay không, nếu hết pin thì cần thay pin mới hoặc sạc pin (tùy loại máy).
– Bước 2: Mở kẹp, đặt ngón tay vào khe kẹp sao cho đầu ngón tay chạm vào điểm tận cùng của máy. Lưu ý không được sơn móng tay, sử dụng móng tay giả hoặc mỹ phẩm trên ngón tay được đo. Đảm bảo móng tay không quá dài, để đầu ngón tay có thể che kín bộ phận cảm biến trong khe hẹp.
– Bước 3: Nhấn nút nguồn để khởi động máy. Không cử động tay trong khi đo. Kết quả đo sẽ hiểu thị trên màn hình sau vài giây.
– Bước 4: Khi kết thúc đo, rút ngón tay ra, sau vài giây máy sẽ tự tắt.
– Bước 5: SpO2 sẽ hiển thị dưới dạng số ở vị trí ghi chữ SpO2. Đơn vị đo tỉ lệ phần trăm (%). Phạm vi đo: 0-100%. Giá trị bình thường: 95-100%.
– Bước 6: Nhịp mạch sẽ hiển thị dưới dạng số ở vị trí hình trái tim hoặc vị trí ghi chữ PR. Đơn vị đo: lần/phút. Phạm vi đo: 0-254 lần/phút. Giá trị bình thường: 60-100 lần/phút (đối với người lớn, lúc nghỉ ngơi).
Một số người đo lần đầu sẽ hồi hộp vô tình nín thở nên kết quả bị thấp hơn thực tế. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần nghỉ ngơi khoảng một tiếng và đo lại. Nếu kết quả vẫn dưới 95% hãy liên hệ bác sĩ để được tư vấn.
Những người bị bệnh hô hấp mãn tính, thường có kết quả đo thấp hơn người bình thường. Người bệnh bị lạnh, huyết áp thấp hay đo ở môi trường có ánh sáng chiếu trực tiếp cũng có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của máy đo SpO2.
Bác sĩ Khanh cho biết, để đo nồng độ oxy trong máu SpO2 chính xác, người bệnh cần xoa ấm bàn tay trước khi kẹp thiết bị đo SpO2; để cố định bàn tay lên trên mặt bàn, khi đo cố gắng không cử động trong vòng 3 phút để kết quả được chính xác hơn.