Các bà chủ gia đình trong lần đi chợ đầu tiên của năm mới cũng thường mua một túi muối mang về nhà, vừa để dùng vừa để lấy may. Họ đang làm theo tập quán xa xưa được ghi lại trong câu tục ngữ “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”.

Sau đêm giao thừa, sáng mùng 1 Tết hoặc những ngày đầu năm mới, khi đi lễ chùa, mọi người thường được mời mua túi muối bé tẹo có thể đặt gọn trong lòng bàn tay, và hầu như ai cũng vui lòng mua với số tiền đủ mua vài cân muối. Đó là bởi, người ta đang mua “túi lộc”, mua “bùa” cầu may cho cả năm.

Mọi người trong ngày đầu tiên của năm mới cũng thường mua một túi muối mang về nhà, vừa để dùng vừa để lấy may. Họ đang làm theo tập quán xa xưa được ghi lại trong câu tục ngữ “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”.

dau-nam-mua-muoi1-14222085

Vì sao đầu năm mua muối?

Với người xưa, muối rất quý giá (xưa đây là mặt hàng đặc biệt bị đánh thuế riêng – thuế muối) không chỉ vì người ta phải rất nhọc nhằn, đổ nhiều công sức mới làm được ra nó mà còn vì nó được coi là tinh túy của biển cả. Vị mặn của muối – thứ không thể thiếu trong bữa ăn, giúp bảo quản lâu bền các loại thực phẩm – được ví với sự đậm đà thắm thiết của tình cảm, sự gắn bó thủy chung của các mối quan hệ, sự hòa thuận trong gia đình, dòng họ.

Bởi vậy, muối là đại diện cho những gì tốt đẹp, thiết yếu mà con người hằng mong muốn trong cuộc sống. Nó được coi là mang lại may mắn, bài trừ rủi ro và những thứ xấu xa, thắt chặt tình cảm giữa vợ chồng, gia đình, anh em. Đây là điều ai nấy đều cầu ước vào dịp đầu xuân năm mới. Đầu năm mua muối là vì thế.

Vì sao cuối năm mua vôi?

Trong quan niệm dân gian Việt Nam, vôi là thứ có tác dụng trừ tà, ngăn ma quỷ. Trong chuyện về sự tích cây nêu, khi loài người cùng nhau chống quỷ dữ sau thời gian bị chúng hành hạ, quấy nhiễu, đức Phật mách cho họ cách thắng địch: Ném tỏi, rắc vôi bột về phía lũ quỷ.

Đoàn quân của quỷ rầm rộ kéo đến, tưởng có thể dễ dàng nghiền nát con người yếu đuối, không ngờ lại kinh hoàng bỏ chạy tháo thân khi bị ném các thứ “bùa” kể trên. Chúng chạy tít về phía biển Đông và không bao giờ dám quay lại đòi làm chúa tể trên đất của con người – vốn có sự bảo vệ của thần phật – nữa.

“Cuối năm mua vôi” mang nhiều ý nghĩa. Ở nông thôn, nhiều gia đình có quan niệm rằng rắc vôi bột ở 4 góc vườn rồi vẽ hướng ra phía cổng để trừ tà, bỏ hết những cái xúi quẩy trong năm cũ. Ngoài ra cũng có quan niệm rằng, vào ngày 23 tháng Chạp, người dân làm lễ để tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời. Sau khoảng thời gian này, người dân sẽ mua vôi, hoặc dựng cây nêu trong nhà mang ý nghĩa trừ tà, bảo vệ gia đình trong lúc ông Công, ông Táo tạm đi vắng.

Cũng có một cách giải thích khác cho rằng cuối năm phải mua vôi để tiếp vôi cho ông bình vôi – dụng cụ đựng vôi ăn trầu của người Việt.

Bên cạnh đó, câu nói “đầu năm mua muối cuối năm mua vôi” còn có ý nghĩa là để cha mẹ nhắc nhở con cái “ăn dè”, tiết kiệm để dành tiền “cuối năm mua vôi” xây nhà.

Mặc dù có tác dụng như vậy nhưng vôi không được dùng vào dịp đầu năm, bởi đây là dịp kiêng màu trắng, màu của tang tóc, bạc bẽo.