Để tăng cường sức khỏe, giúp cơ thể sớm hồi phục, F0 nên ăn uống đa dạng chất, ăn những món dễ tiêu hóa và có thể bổ sung thêm các loại thảo dược.
Trong quá trình chiến đấu với virus, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, hụt hơi. Lúc này, cơ thể cần nạp đủ năng lượng bằng cách ăn uống da dạng chất, tăng cường đạm động vật. Người bệnh nên chia nhỏ lượng thực phẩm, có thể tăng số bữa ăn lên thành 5-6 bữa/ngày; không nên ăn quá no và cũng không để quá đói. Nên chế biến các món ăn dễ tiêu hóa, thái nhỏ thức ăn, hầm mềm.
Ngoài ra, F0 có thể bổ sung cá loại thảo dược, thực phẩm bổ dưỡng vào thực đơn như táo đỏ, nhân sâm, hoàng kỳ, hạt sen, củ sen, đậu đỏ, thịt bò, trứng…
Chia sẻ trên VnExpress, Đông y sĩ Mộc Nguyên, Hội Đông y quận Phú Nhuận, TP HCM, đưa ra gợi ý về 9 món ăn bồi bổ sức khỏe cho F0.
1. Trứng gà xào hẹ
Nguyên liệu: 100 gram rau hẹ tươi, hai quả trứng gà ta.
Cách làm:
Rửa sạch hẹ, thái nhỏ, cho vào bát, đập trứng gà, thêm ít muối, dầu ăn vào trộn đều. Bắc chảo lên bếp, cho trứng hẹ vào xào chín, tắt bếp và rắc thêm ít tiêu.
Món này ăn nóng cùng cơm.
Trứng gà xào hẹ có tác dụng bổ khí, thông khí, bổ phổi, dễ thở.
2. Canh bó xôi gan heo
Nguyên liệu: 100 gram gan heo (lợn), 30 gram cải bó xôi, gừng, hành, nước hầm xương (nếu có), gia vị.
Cách làm:
Gan heo rửa sạch, thái miếng vừa ăn. Rau bó xôi cắt khúc vừa ăn.
Cho hành, gừng vào nước hầm xương nấu sôi. Sau đó, bỏ gan heo vào nấu chín. Tiếp đó, thả cải bó xôi vào, nấu sôi lên rồi tắt bếp. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn.
Món canh này có công dụng bổ máu, thích hợp cho người bị suy nhược cơ thể sau bệnh.
3. Chè nấm trùng thảo
Loại nấm này hiện được nuôi cấy và bán rộng rãi. Bạn có thể dễ dàng mua được ở các siêu thị, cửa hàng thực phẩm. Nấm trùng thảo có tác dụng bổ khí, tăng cường sức đề kháng.
Mùi và vị của nấm khá nhẹ nên dễ dàng kết hợp trong nhiều món ăn. Bạn có thể dùng nấm này để nấu cùng với chè đậu đỏ, chè đậu thập cẩm, sâm bổ lượng… Mỗi người có thể dùng 0,5-0,7 gram nấm khố/ngày. Chỉ cần cho nấm vào khoảng 5-10 phút cuối khi món ăn đã gần hoàn thiện.
Lưu ý, nấm trùng thảo không thích hợp với người đang có triệu chứng nóng, nhiệt, sốt.
4. Canh nấm trùng thảo
Nguyên liệu: 0,5-0,7 gram nấm trùng thảo khô, 5 gram long nhãn, 20 gram hoài sơn, 15 gram khiếm thực (hoặc hạt sen), 100-150 gram thịt thăn heo.
Cách làm:
Rửa sạch các nguyên liệu và cho vào nồi (trừ nấm), đổ ngập nước, thêm vài hạt muối và hầm lửa nhỏ. Khi các nguyên liệu chín mềm thì bỏ nấm vào nấu thêm 5-10 phút, tắt bếp và nêm lại gia vị cho vừa miệng.
Món canh này có tác dụng làm ấm người, bồi bổ khí huyết, tăng năng lượng, tăng sức đề kháng, tốt cho tiêu hóa tiêu hóa.
5. Trà nấm trùng thảo, táo đỏ, kỷ tử
Nguyên liệu: Khoảng 0,5-0,7 gram nấm trùng thảo khô, 12 gram táo đỏ, 5-10 gram kỷ tử.
Cách làm:
Rửa sạch nguyên liệu, cắt táo đỏ làm 3-4 phần.
Cho các nguyên liệu vào bình giữ nhiệt, đổ nước sôi để hãm lấy nước uống. Chia làm nhiều lần uống trong ngày, có thể ăn cả phần cái nếu thích.
Loại trà này có thể dùng thường xuyên, tác dụng bồi bổ khí huyết, sinh âm dịch, tăng năng lượng, tăng sức đề kháng.
6. Cháo sâm khương
Nguyên liệu: 6 gram bột nhân sâm (hoặc 15-20g bột đảng sâm), 10 gram gừng tươi, 100 gram gạo tẻ.
Cách làm:
Gạo vo sạch cho vào nồi, bỏ thêm gừng cắt lát, thêm nước và nấu nhừ thành cháo. Khi cháo chín, cho bột nhân sâm vào khuấy đều, nấu sôi thêm 5 phút. Nêm gia vị (muối hoặc đường) cho vừa ăn.
Ăn nóng, 1-2 lần/ngày, ăn trong 7-10 ngày.
Món này có tác dụng bồi bổ khí huyết.
7. Cháo sâm táo
Nguyên liệu: 10 gram đảng sâm, 12 gram táo đỏ, 100 gram gạo nếp, đường trắng vừa đủ.
Cách làm:
Rửa sạch các nguyên liệu. Táo đỏ cắt đôi, bỏ hạt, ngâm nước 15 phút rồi cho vào nồi cùng đảng sâm sắc lấy nước, bỏ bã.
Gạo nếp nấu thành cháo rồi hòa với nước thuốc, thêm đường cho vừa ăn.
Hoặc có thể cho tất cả các nguyên liệu vào nồi nấu nhừ thành cáo, thêm đường vừa ăn.
Ăn cháo khi còn nóng. Ngày ăn 1-2 lần. Mỗi đợt có thể ăn 5-7 ngày.
Món cháo này có tác dụng bồi bổ khí huyết, tăng cường năng lượng.
8. Canh đương quy, thịt dê
Nguyên liệu: 150-200 gram thịt thăn hoặc sườn dê, 10 gram đương quy, 10 gram táo đỏ, 10 gram long nhãn, 5 gram kỷ tử, 3 lát gừng.
Cách làm:
Sườn/thịt dê cắt miếng vừa ăn, luộc sơ bỏ nước.
Táo đỏ cắt đôi, bỏ hạt.
Rửa sạch các nguyên liệu còn lại.
Cho các nguyên liệu vào nồi, đổ ngập nước, thêm một chút muối hạt. Nấu sôi rồi vặn lửa liu riu, hầm cho tới khi thịt chín nhừ. Nêm nếm lại cho vừa miệng.
Món này ăn nóng với cơm. Mỗi đợt có thể ăn 7-10 ngày.
Món canh thịt dê này có công dụng bồi bổ khí huyết, tân dịch, an thần. Lưu ý, tránh dùng cho người thể trạng nhiệt.
9. Cháo kỳ quy
Nguyên liệu: 20 gram hoàng kỳ sống, 10 gram đương quy, 100 gram gạo tẻ, đường cát.
Cách làm:
Rửa sạch thuốc, sắc nhỏ lấy nước, bỏ bã.
Cho gạo vào nước nấu nhừ thành cháo, thêm đường cho vừa ăn.
Món ăn này có tác dụng bồi bổ khí huyết, tăng cường đề kháng.