Những lời dạy của cổ nhân tuy đã có từ rất lâu, nhưng tới giờ vẫn còn nguyên giá trị.
Trải qua hàng trăm năm, với nhiều kinh nghiệm đúc kết, người xưa đã rút ra những bài học mà tới nay vẫn còn nguyên giá trị.
Trong làng nọ, có một ông lão 80 tuổi, luôn thích trò chuyện với các thanh niên trẻ tuổi sống gần đó. Ông muốn truyền lại một số kinh nghiệm sống của mình để giúp cuộc sống của họ bớt thăng trầm.Tuy vậy, không phải ai cũng thích lắng nghe ông nói. Họ thường cho rằng, những lời của ông chỉ là “đạo lý suông”, cổ hủ và lạc hậu.
Song có một thanh niên trong số đó thường xuyên ngồi lại tiếp chuyện với ông. Anh luôn kiên nhẫn lắng nghe ông nói từng lời, sau đó dành thời gian suy ngẫm cho bản thân.
Có một câu mà ông cụ nói khiến anh phải cân nhắc rất lâu. Ông nói: “Giàu có không làm 3 việc, nghèo khó đừng chơi 3 người.”
Giàu có không làm 3 việc
Tiền có thể khiến ta giàu sang phú quý, hưởng thụ cuộc sống. Nhưng tiền cũng có thể khiến ta sa ngã, gặp phải nhiều phiền toái, tai ương. Bởi vậy, có 3 việc tuyệt đối không làm khi ta giàu có.
Không được tùy ý cho người khác vay tiền
Dù giàu có đến đâu nhưng việc cho người khác vay tiền một cách tùy ý cũng không đem lại ích lợi gì, ngược lại rất dễ xảy ra tranh chấp, tiềm ẩn hiểm họa khôn lường.
Cho người khác mượn tiền tùy ý cũng tương đương với việc dùng tiền mua kẻ thù cho mình.
Không bị nhiễm những thói quen xấu
Có người may mắn giàu lên chớp nhoáng, sau khi đủ đầy vật chất thì ham chơi lười làm, tụ tập ăn chơi, bị bạn xấu tiêm nhiễm nhiều sở thích không lành mạnh.
Những thói quen xấu này giống như “hố sâu không đáy” mà cuối cùng sẽ tiêu hao tài sản, tâm hồn và thậm chí cả tính mạng của bạn.
Không về cố hương khoe mẽ
Sau khi giàu có, đổi đời, một số người thích về quê để khoe khoang, khẳng định bản thân. Trên thực tế, những người chân thành chúc mừng chẳng là bao, những kẻ nịnh nọt, lợi dụng chiếm số đông hơn cả.
Trước mặt, họ có thể ngợi khen, tung hô bạn lên tận trời mây. Sau lưng, họ ganh tỵ, soi mói và áp đặt lên bạn những “trách nhiệm trên trời rơi xuống” chỉ vì bạn giàu có. Chẳng hạn khi có người giàu quyên góp tiền làm việc thiện trong làng, nhưng dân làng xầm xì rằng ông quá keo kiệt khi chỉ quyên góp số tiền ít ỏi như vậy.
Thực tế, người giàu không có nghĩa vụ phải giúp đỡ mà họ giúp đỡ vì cái thiện trong tâm.
Nghèo khó không chơi với 3 kiểu người
Con người khi có tiền, trở nên giàu có, tự nhiên có nhiều người tiếp cận, nhờ cậy. Nhưng khi hết tiền, tự khắc bị người người lẩn tránh, lánh mặt. Khi có tiền, việc gì bạn làm đều có lý; khi không tiền, việc gì bạn làm cũng tốn công vô ích.
Đôi khi, phải lâm vào hoàn cảnh túng quẫn, chúng ta mới có thể nhìn rõ bộ mặt thật của người thân, bạn bè xung quanh mình. Do đó, đừng kết bạn tùy tiện mà hãy học cách nhìn người, hiểu thấu lòng người.
Lúc này, người có thể nghèo nhưng tuyệt đối không thể nhụt chí và hãy nhớ tránh xa 3 kiểu người sau đây.
Bạn bè kiểu “mèo mả gà đồng”
Khi người ta nghèo khó, xuống dốc mới biết đâu là bạn chân chính, đâu là những kẻ dậu đổ bìm leo. Những người chỉ xun xoe, nịnh nọt khi bạn có tiền cũng sẽ là người ngoảnh mặt quay lưng đầu tiên khi bạn rơi vào cảnh túng quẫn.
Do đó, dù rơi vào thế khó đến mấy cũng đừng tìm tới những người như vậy. Tránh xa họ càng sớm thì cuộc đời bạn sẽ càng tốt hơn.
Những người coi thường mình
Khi bạn gặp khó khăn, không chỉ người ngoài mà ngay cả người thân, họ hàng xung quanh cũng có thể coi thường bạn. Đôi khi cuộc sống thực tế đến phũ phàng, bản chất con người cũng vậy.
Người ta có thể lựa chọn coi thường bạn, bạn cũng có thể lựa chọn tránh xa, tốt nhất là hạn chế liên lạc.
Những người tiêu cực
Một số người suy nghĩ rất tiêu cực, làm gì cũng chỉ nghĩ đến thất bại và thích “khuyên bảo” người khác đừng mất công cố gắng. Nếu ở gần những người tiêu cực như vậy, thật sự rất khó để lấy lại sự tự tin vào bản thân.
Thay vào đó, chúng ta phải dành nhiều thời gian hơn cho những người luôn lan tỏa năng lượng tích cực. Khi cùng nhau làm mọi việc, chúng ta mới có thể thắp lại hy vọng của mình.
Cuộc sống thực tế không phải lúc nào cũng “màu hồng” như phim ảnh truyền hình. Để bản thân không chỉ “tồn tại” mà có thể sống ngày một tốt hơn, chúng ta cần phải nỗ lực không ngừng, không chỉ hoàn thiện bản thân mà còn phải học cách nhìn người, nhìn việc sao cho lý trí.