Ngay sau khi phát hiện người giúp việc cho thêm 1 thứ vào đồ của bé, người mẹ lập tức cho người này nghỉ làm.
Thuê giúp việc để sớm về lại guồng quay công việc
Xiaoli năm nay đã hơn 30 tuổi. Mặc dù kết hôn sớm, nhưng vì bận rộn công việc nên hai vợ chồng gác lại chuyện sinh con. Cô và chồng đều quyết định khi nào tài chính dư dả mới nghĩ đến chuyện con cái. Nhưng gia đình bên chồng liên tục thúc giục cô. Phần vì mình đã lớn tuổi, phần vì thấy con của bạn mình sắp vào tiểu học cả rồi, Xiaoli cảm thấy mình cũng đã đến lúc làm mẹ.
Hành trình mang thai và vượt cạn của Xiaoli diễn ra khá suôn sẻ. Nhưng việc nuôi dưỡng một đứa trẻ đối với người phụ nữ nào lần đầu làm mẹ cũng vô cùng vất vả. Thêm vào đó, tuy đã trở thành trưởng phòng, có thể giao việc cho cấp dưới nhưng Xiaoli vẫn “tham công tiếc việc” vì sợ cấp dưới sẽ không giải quyết công việc tốt như mình.
Sau khi sinh con được 2 tháng, Xiaoli đã nóng lòng quay trở lại làm việc. Vì chưa thể lên văn phòng, Xiaoli giải quyết công việc từ xa thông qua điện thoại và máy tính. Khi con được 5 tháng thì cũng hết thời gian nghỉ thai sản. Lúc này, cô phải lên văn phòng công ty nên nhờ mẹ chồng chăm con. Bà nội sau khi giữ cháu được 3 tháng phải về quê chăm sóc cho ba chồng của Xiaoli vì ông không may bị tai biến, không thể tự đi lại như lúc trước.
Hai vợ chồng lo lắng, gấp rút tìm người giúp việc thời vụ để dọn dẹp nhà cửa và kiêm việc làm bảo mẫu trông em bé, vì Xiaoli không thể nghỉ việc. Cuối cùng, hai vợ chồng phải chi một số tiền khá cao mới có thể thuê được người giúp việc kiêm bảo mẫu chăm sóc con vào ban ngày để hai vợ chồng an tâm đi làm.
Thấy lạ vì con chỉ ăn đồ cô giúp việc nấu
Em bé được 8 tháng và cũng đang ở độ tuổi ăn dặm. Bình thường, ban ngày cô giúp việc sẽ nấu cháo và cho bé ăn hết trong một buổi, đến khi Xiaoli đi làm về thì cô sẽ tự nấu cháo dạng xay nhuyễn cho con ăn. Sau vài ngày, Xiaoli phát hiện con cô chỉ thích ăn cháo mà cô giúp việc nấu. Việc con không chịu ăn bất cứ thứ gì, kể cả những món mà mẹ nó nấu khiến Xiaoli cảm thấy tò mò, cô tự hỏi: “Cô giúp việc nấu đồ ăn cho bé ngon đến mức nào mà khiến cho con mình bỏ ăn, chỉ đòi ăn những món mà cô ấy nấu?”
Một ngày, Xiaoli được tan sở và về nhà sớm. Vừa đúng lúc thấy cháo vẫn còn một ít trong nồi, Xiaoli đã lén lút nếm thử cháo do cô giúp việc nấu cho con để xem nó ngon đến mức nào. Cuối cùng, cô tá hỏa sau khi biết nguyên nhân con mình bỏ ăn.
Hóa ra, bấy lâu nay, cô giúp việc đã nêm quá nhiều muối vào đồ ăn của con khiến cho con cảm thấy lạ miệng và dần thay đổi khẩu vị. Bất chấp trước đó cô đã nhắc nhở người giúp việc khi nấu ăn cho con cần cho lượng muối vừa phải, với trẻ dưới 1 tuổi nên ăn nhạt vừa đủ.
Nhưng lượng muối mà người giúp việc bỏ vào đồ ăn cho bé nhà cô Xiaoli rất mặn, tương đương với khẩu phần của 1 người lớn ăn mặn vậy. Như vậy nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ em dưới 1 tuổi nếu chúng ăn khẩu phần như thế!
Ngày hôm sau, Xiaoli lập tức đuổi việc người giúp việc và quyết định xin nghỉ một tuần ở nhà để trông con, vừa tập cho con ăn nhạt để con quen dần, vừa tiếp tục tìm người giúp việc khác.
Lần này Xiaoli kiên quyết dặn dò người giúp việc mới về chuyện ăn uống của con, đồng thời bí mật quan sát xem cô có thực hiện theo lời dặn dò của mình hay không. Đồng nghiệp nói Xiaoli làm lớn chuyện, nhưng Xiaoli cho rằng, nếu không kiên quyết như vậy, về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con.
Lượng muối nào đủ cho con?
Khi chế biến thức ăn, mẹ nên cân nhắc việc cho lượng muối bao nhiêu là đủ, các loại rau, củ, quả trong tự nhiên đều đã có một hàm lượng muối nhất định, vì vậy thời điểm bắt đầu cho bé ăn dặm (6 tháng tuổi) mẹ không nên thêm muối hay gia vị khác. Sau thời gian này, lượng muối cho bé theo từng độ tuổi cụ thể như sau:
– Bé 1-3 tuổi: 1,5gram /ngày.
– Bé 4-8 tuổi: 1,9gram /ngày.
– Bé 9-13 tuổi: 2,2gram /ngày.
– Bé 14-18 tuổi: 2,3gram /ngày.
Lượng nước mắm dùng cho bé chỉ nên khoảng 1/3 thìa cafe rồi tăng dần. Nên nêm nhạt vì vị giác của bé còn rất nhạy. Nêm vừa miệng người lớn là quá mặn đối với bé.
Chế độ ăn ít muối sẽ làm giảm lượng natri nhưng ngược lại sẽ làm tăng lượng kali và magie. Những chất này đóng vai trò tích cực trong việc giảm huyết áp. Các mẹ có thể dùng muối có lượng natri thấp thay vì dùng muối thường để chế biến đồ ăn cho con.