Nếu không đăng ký tạm trú trong thời hạn được pháp luật quy định, người dân có thể bị phạt.

Những trường hợp phải đăng ký tạm trú

Khoản 9 Điều 2 và khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú năm 2020 quy định nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trù và nơi đã được đăng ký tạm trú.

Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài đơn vị hành chính cấp xã nơi đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên phải đăng ký tạm trú.

Như vậy, các trường hợp đi khỏi nơi đăng ký thường trú 30 ngày sẽ phải làm thủ tục đăng ký tạm trú ở cư trú mới.

Đăng ký tạm trú là quyền lợi và nghĩa vụ của công dân.

Người đi thuê nhà đăng ký tạm trú không chỉ là nghĩa vụ mà còn nhận được những quyền lợi nhất định.

Quyền lợi của người thuê trọ khi đăng ký tạm trú

Như đã nói ở trên, việc đăng ký tạm trú mang lại những lợi ích nhất định cho công dân. Một số lợi ích nổi bật có thể kể đến như sau:

– Có thể cho con học tại các trường công lập trên địa bàn nơi tạm trú.

– Được mua bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình tại nơi đăng ký tạm trú, thuận lợi khi đi khám, chữa bệnh…

– Nếu có hoả hoạn, cướp giật, trộm cắp, gây gổ… thì người đã đăng ký tạm trú sẽ được bảo đảm an toàn.

– Khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, người đã đăng ký tạm trú sẽ được chính quyền địa phương nơi đăng ký tạm trú hỗ trợ…

dang-ky-tam-tru-01

Đi thuê trọ không đăng ký tạm trú bao lâu thì bị xử phạt?

Khoản 1 Điều 1 Luật Cư trú 2020 quy định việc đăng ký tạm trú là nghĩa vụ của công dân. Nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ này trong thời hạn quy định (30 ngày kể từ ngày đến sinh sống ở nơi thuê trọ), công dân có thể bị phạt.

Mức phạt đối với người không đăng ký tạm trú theo quy định

Theo điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người không thực hiện đúng quy định về đăng ký tạm trú, xóa đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh về thông tin cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng – 1 triệu đồng.

Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, nếu công dân đã cư trú tại chỗ ở hợp pháp mới (ví dụ như chuyển chỗ trọ…) và đủ điều kiện đăng ký cư trú nhưng không thực hiện thủ tục đổi nơi đăng ký cư trú thì có thể bị xử phạt từ 1-2 triệu đồng.

Thủ tục đăng ký tạm trú

Hồ sơ để đăng ký tạm trú bao gồm tờ khai thay đổi thông tin cư trú; hợp đồng thuê nhà.

Khoản 3 Điều 5 Nghị định 62/2021/NĐ-CP quy định trong trường hợp thông tin chứng minh về chỗ ở (ở đây là hợp đồng thuê nhà) đã có trong Cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã kết nối với cơ quan đắng ký cư trú thì người thuê nhà không cần cung cấp giấy tờ chứng minh.

Người dân sẽ đem những giấy tờ này đến công an xã, phường, thị trấn hoặc công an huyện, quận, thị xã… nơi mình dự kiến tạm trú để làm thủ tục.

Thời hạn giải quyết là 3 ngày kể từ khi cơ quan có thẩm quyền nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.

Cơ quan công an sẽ thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú, thời hạn tạm trú (tối đa là 2 năm cho một lần đăng ký tạm trú và có thể gia hạn nhiều lần) cho người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú. Sau đó, cơ quan công an sẽ thông báo cho người dân về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú.

Trường hợp từ chối đăng ký tạm trú, người dân sẽ nhận được văn bản trả lời có nêu rõ lý do từ cơ quan công an.