Biết những mẹo nhỏ dưới đây, bạn có thể sử dụng điều hòa cả ngày mà vẫn tiết kiệm lại không làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Linh hoạt chọn các chế độ làm mát ở điều hòa
Theo Lao động, Tiến sĩ Trần Văn Thịnh, Bộ môn Thiết bị điện, điện tử, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng khi sử dụng chế độ Cool (làm lạnh), điều hòa sẽ lấy nhiệt nóng từ trong phòng để đẩy ra cục nóng bên ngoài, giúp giảm nhiệt độ, làm mát không khí bên trong phòng. Việc này sẽ tiêu tốn khá nhiều điện năng.
Ở chế độ Dry, điều hòa sẽ hút hơi ẩm ra khỏi phòng và trả lại không khí trong lành, khô ráo hơn nên tiêu thụ ít điện năng hơn.
Lưu ý, chệ độ Cool và chế độ Dry thực chất có nhiệm vụ khác nhau. Cool có mục đích chính là làm lạnh, đưa nhiệt độ phòng về mức người dùng cài đặt. Dry có nhiệm vụ là khử ẩm, giúp hút bớt độ ẩm trong phòng để duy trì nhiệt độ phòng không vượt quá so với nhiệt độ khi bắt đầu.
Ở chế độ Dry, chúng ta cảm thấy mát hơn một chút do hơi ẩm trong phòng được hạ xuống làm mồ hôi bay hơi nhanh, giúp cơ thể tỏa nhiệt nhanh hơn. Chế độ này sẽ phát huy hiệu quả vào những ngày có độ ẩm cao và nhiệt độ ở mức không quá cao (dưới 36 độ C).
Vào những ngày trời khô hanh, nếu dùng chế độ Dry thì không khí sẽ quá khô, gây khó chịu.
Tùy theo điều kiện thời tiết mà bạn có thể lựa chọn chế độ điều hòa cho phù hợp.
Không để nhiệt độ quá thấp
Khi nhiệt độ ngoài trời tăng 1 độ C, điện năng tiêu thụ của điều hòa sẽ tăng thêm từ 1,5-3% tùy vào loại máy và cách sử dụng. Nếu hạ nhiệt độ điều hòa xuống 1 độ C thì điện năng tiêu thụ của điều hòa sẽ tăng thêm 1,5-2,5%.
Để tiết kiệm điện, bạn nên để mức điều hòa nhiệt độ trong khoảng 25-28 độ C.
Kết hợp điều hòa với quạt điện
Việc này khiến nhiều người có cảm giác tốn điện hơn. Tuy nhiên, đây là biện pháp giúp làm mát căn phòng vừa giúp tiết kiệm một phần điện.
Quạt điện sẽ giúp hơi lạnh lan tỏa trong phòng nhanh hơn, khiến phòng được làm lạnh nhanh. Chỉ cần sử dụng quạt trong khoảng 15 phút đầu khi mới khởi động điều hòa. Sau đó, bạn có thể tắt quạt. Không khí trong phòng đã đủ mát thì dùng quạt sẽ gây lãng phí điện.
Không bật tắt điều hòa liên tục và ngắt aptomat sau khi sử dụng
Một số người cho rằng để nhiệt độ điều hòa lạnh sâu, chờ cho phòng thật mát rồi tắt điều hòa và bật quạt. Khi cảm thấy nóng thì lại bật điều hòa lên để tiết kiệm điện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là việc làm hại máy, gây tốn điện. Khi bật lại, điều hòa sẽ phải chạy lại từ đầu để bắt đầu quy trình làm mát và ngốn nhiều điện hơn.
Theo các chuyên gia, bạn nên tắt điều hòa trước khi ra ngoài khoảng 30 phút để tiết kiệm điện và giúp cơ thể làm quen với nhiệt độ bên ngoài, tránh sốc nhiệt.
Sau khi dùng điều khiển từ xa để tắt điều hòa, hãy ngắt cả aptomat (công tắc nguồn) để tiết kiệm điện. Khi tắt bằng điều khiển, máy chỉ được đưa vào chế độ chờ và vẫn âm thầm tiêu thụ một lượng điện nhất định.
Không đóng phòng kín mít cả ngày để dùng điều hòa
Ai cũng cho rằng phải đóng kín phòng cả ngày để giữ cho phòng mát mẻ, không làm khí nóng bên ngoài tràn vào, khí lạnh bên trong tràn ra để tiết kiệm điện khi dùng điều hòa.
Tuy nhiên, ở trong phòng điều hòa đóng kín, không có lỗ thông gió hay quạt thông kín, bạn có thể bị nhiễm khuẩn do tích tụ quá nhiều khí carbonic do không khí trong phòng không được làm mới.
Theo Nhịp sống Việt, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) đưa ra lời khuyên, chúng ta nên mở cửa 1-2 tiếng mỗi lần hoặc sử dụng quạt thông gió để lấy không khí tươi mới ở bên ngoài vào trong phòng, tránh nguy cơ bị nhiễm khuẩn ngay ở trong nhà.