Nhiều F0 tin rằng việc tắm gội sẽ làm bệnh thêm nặng. Tuy nhiên, các chuyên gia không hoàn toàn đồng tình với quan điểm này.

F0 kiêng tắm gội vì sợ bệnh trở nặng

Chia sẻ trên VTC News, chị Nhữ Huyền Trang (41 tuổi, ở TP Thái Nguyên) – chủ một salon tóc cho biết từng gặp một vị khách nữ chừng 50 tuổi đến quán với tình trạng 15 ngày không gội đầu. Hóa ra vị khách này là F0 mới khỏi bệnh. Sau 7 ngày điều trị tại nhà, người này đã có kết quả test âm tính nhưng để yên tâm chị vẫn quyết định kiêng nước thêm 8 ngày.

Người phụ nữ này tin vào quan niệm xưa, mỗi khi ốm phải kiêng tắm gội để tránh bị bệnh lại. Thậm chí, người này còn cho biết: “Mọi người nói virus này rất ưa lạnh, có trường hợp phải nhập viện sau khi tắm nên tôi sợ lắm, thà ở bẩn còn hơn chết”.

Chị Nhữ Huyền Trang có 12 năm làm nghề nhưng chưa bao giờ gặp phải trường hợp như vậy. Khi gỡ mái tóc bết chặt, cảm tưởng như vừa dầm mưa, gàu bám chi chít từng mảng khiến chủ salon không khỏi… ghê tay.

Vị khách nói trên không phải trường hợp duy nhất kiêng hoàn toàn tắm gội trong suốt thời gian điều trị Covid-19.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cũng theo VTC News đưa tin, Thanh Tâm (26 tuổi, ở Lào Cai) cũng kiêng tắm gội suốt 5 ngày từ khi phát hiện mình nhiễm Covid-19. Hai ngày đầu, cô vẫn tắm rửa bình thường. Tuy nhiên, khi lên mạng xã hội đọc được thông tin một người đàn ông F0 bệnh trở nặng sau khi tắm gội thì bạn trẻ này quyết định dừng tắm gội.

Thanh Tâm cho biết thông tin cô đọc được trên mạng như sau: “Nhà mình ai bị F0 tuyệt đối không tắm gội, hoặc chủ quan đi ra ngoài gió nhé. Người quen của M. vừa chia sẻ như thế này: Họ đã âm tính sau 7 ngày nên nghĩ là ổn mới đi tắm, sau tắm bị sốt cao, oxy máu giảm phải vào viện thở oxy, hiện vẫn chưa ổn. Vào đó mới thấy nhiều người cũng tưởng khỏi rồi nên đi tắm gội. Tóm lại chịu khó bẩn còn hơn nguy hiểm tính mạng”.

Sau đó, Tâm không dám tắm nữa mà chỉ vệ sinh cá nhân và lau người bằng nước ấm. Mái tóc sau 5 ngày không được làm sạch của cô đã bết cứng và phải buộc lại. Khi bạn trai gọi điện hỏi thăm và yêu cầu bật video, cô gái trẻ phải nói là điện thoại bị hỏng camera. Tâm thừa ngận cảm thấy khó ngủ khi không tắm gội.

F0 tắm bệnh sẽ nặng lên là thông tin không có cơ sở

BS Đinh Thế Tiến, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cho biết quan niệm bệnh nhân Covid-19 phải kiêng tắm gội là sai lầm.

BS Tiến cho biết: “Nói F0 tắm bệnh sẽ nặng lên là không có cơ sở. Bệnh nhân mắc COVID-19 cần giữ cơ thể luôn sạch sẽ, ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi, tập luyện khoa học để có nền tảng cơ thể khỏe mạnh, từ đó nhanh chiến thắng bệnh tật”.

f0-kieng-tam-goi-15-ngay-02

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM, cũng có quan điểm tương tự. Bác sĩ Khanh cho biết, bản thân đang mắc bệnh mà không tắm sẽ gây mất vệ sinh, ngứa ngáy, khó chịu, thậm chí dẫn tới mất ngủ. Tình trạng này kéo dài sẽ làm ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt và có thể khiến bệnh nặng thêm.

Theo các chuyên gia, việc tắm rửa mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể như giúp da luôn thông thoáng, thoải mái, cải thiện lưu thông máu và cải thiện tinh thần. Vì vậy, không chỉ có người khỏe mạnh mà các bệnh nhân Covid-19 vẫn cần tắm rửa, giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ.

Lưu ý về tắm gội đối với F0

Đối với người đang bị bệnh, có thể tắm cách ngày một lần và phải tắm phải nhanh gọn. Có thể tận dụng nồi lá xông, xông xong rồi tắm trong 5-10 phút. Cách này giúp cơ thể sảng khoái, hạ sốt, làm da thông thoáng, ngủ ngon và mau khỏe hơn.

Ngoài ra, người bệnh cần tắm ở nơi kín gió, tắm bằng nước ấm, tránh sử dụng nước lạnh.

Sau khi tắm, người bệnh cần lau khô người, mặc quần áo ấm. Nếu gội đầu thì cần phải sấy khô tóc ngay.

Đặc biệt, F0 đang bị sốt thì không nên tắm gội.

Theo VietNamNet, BS Huynh Wynn Trần, Phó giáo sư Y khoa tại Đại học Y khoa Northstate California, Mỹ, cho biết, nếu F0 bệnh nhẹ (cảm thấy cơ thể khỏe, sinh hoạt bình thường) thì có thể tắm. Nếu bệnh ở mức nặng (có biểu hiện ho nhiều, khó thở…) thì không nên tắm. BS cho biết, tắm giống như một cách giúp làm nhẹ thân nhiệt, mang lại cảm giác thoải mái, kích thích hệ miễn dịch. Mỗi lần tắm chúng ta sẽ cảm thấy khỏe hơn. Khi khỏe, tắm sẽ giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn.

Ths.Bs Kiều Xuân Thy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, cho biết, người bệnh có thể chia ra sáng gội đầu, chiều tắm để giảm thời gian tiếp xúc với nước và tránh để cơ thể bị lạnh. Tùy vào khu vực, thời tiết mà F0 có thể quyết định có nên tắm hay không. Ví dụ như ở miền Bắc thời tiết lạnh thì F0 không cần thiết phải tắm; có thể lau người bằng nước ấm và gội đầu nhanh chóng.

BS Thy khuyên người bệnh nên uống một ly nước ấm trước khi tắm vì tắm nước ấm sẽ làm thải nhiệt, mất nước. Sau khi tắm, uống một cốc nước ấm nữa để bổ sung nước cho cơ thể.

Ngoài ra, các chuyên ra cũng khuyên F0 chỉ nên tắm trong khoảng thời gian buổi sáng hoặc buổi chiều, tránh tắm đêm gây ảnh hưởng tới sức khỏe.