Theo các bác sĩ, F0 tại nhà uống thuốc mà không có sự hướng dẫn của nhân viên y tế có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo các bác sĩ, F0 dùng thuốc kháng viêm chứa corticoid quá sớm (khi SpO2 trên 95%) sẽ khiến nCoV càng dễ sinh sôi, làm bệnh tình nặng hơn.
Chia sẻ trên VnExpress, bác sĩ Phạm Văn Phúc (Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, trong đợt dịch cao điểm ở TP. HCM hồi giữa năm 2021, anh đã gặp nhiều trường hợp tự ý sử dụng thuốc kháng viêm chứa corticoid. Bệnh nhân ở mọi lứa tuổi, khi nhiễm Covid-19, triệu chứng nhẹ, chỉ số SpO2 ở mức bình thường nhưng vì tâm lý hoang mang, lo lắng nên tự ý mua rồi sử dụng thuốc kháng viêm. Khoảng 1 tuần thì bắt đầu bị khó thở, suy hô hấp, phải cấp cứu thở máy.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm Oxy Cao áp Việt – Nga, Bộ Quốc phòng) cho biết, thuốc kháng viêm corticoid chủ yếu là Dexamethasone 0,5 mg; Methylprednisolon 16 mg hoặc 4 mg. Nhóm thuốc này dễ bị lạm dụng và có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
Bác sĩ Hoàng giải thích, các loại thuốc kháng viêm có thành phần là corticoid rất hiệu quả trong việc chống lại cơn bão cytokine – hiện tượng hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức gây rối loạn đông máu, viêm, đặc biệt là ở phổi. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ dùng trong trường hợp chỉ số SpO2 của người bệnh xuống dưới mức 95%; không dùng khi SpO2 ở trên mức 95%.
Bác sĩ Hoàng cho biết thêm, trong 7 ngày đầu, khi virus đang nhân lên, nếu uống thuốc kháng viêm corticoid, hệ miễn dịch sẽ bị suy giảm, khiến virus càng có cơ hội sinh sôi, làm bệnh tình nặng hơn. Corticoid khiến cơ thể dễ bị nhiễm vi khuẩn, nhiễm nấm, nhất là ở những người có bệnh nền, sức đề kháng kém. Ngoài ra, corticoid có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như thay đổi tâm trạng, hành vi, biến chứng tim mạch, nhiễm trùng, rối loạn chuyển hóa… Corticoid còn có thể làm đường huyết tăng đột ngột ở người bị tiểu đường hoặc tăng huyết áp đột ngột ở bệnh nhân cao huyết áp; gây viêm loét, thậm chí xuất huyết dạ dày, tá tràng…
Với những bệnh nhân có triệu chứng thông thường, chỉ cần sử dụng thuốc hạ sốt, giảm ho. Trong khoảng ngày thứ 7-10, nồng độ oxy trong máu của F0 có thể từ 97-98% đột ngột tụt xuống 60-70%. Nếu không cảnh giác, F0 có thể không qua khỏi chỉ sau 12 giờ. Do đó, bác sĩ Hoàng khuyến cáo, F0 ở nhà cần thường xuyên đo SpO2 mỗi ngày.
Còn theo bác sĩ Phúc, phác đồ điều trị của Bộ Y tế đã nêu rõ các loại thuốc kháng viêm chỉ sử dụng khi bệnh nhân có tổn thương phổi và rơi vào tình trạng suy hô hấp. “Các loại thuốc này không thể sử dụng một cách thường xuyên. Ngoài ra, một khi đã phải sử dụng thuốc kháng viêm, bệnh nhân sẽ được yêu cầu nhập viện để điều trị”, bác sĩ Phúc nói.
Vì vậy, trong quá trình theo dõi sức khỏe, người dân nếu phát hiện dấu hiệu bất thường và muốn sử dụng thuốc kháng viêm đều phải liên hệ với bác sĩ để được đánh giá tình trạng bệnh. Nếu buộc phải sử dụng loại thuốc này, nhân viên y tế sau khi tư vấn sẽ lên kế hoạch cho người bệnh nhập viện.
Bộ Y tế đưa ra hướng dẫn về 3 túi thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà, gồm túi thuốc A (hạ sốt, vitamin – cho bệnh nhân nhẹ), B (thuốc kháng đông, kháng viêm), C (thuốc kháng virus – molnupiravir hoặc favipiravir). Hiện nay, cả Bộ Y tế, Sở Y tế TP HCM và Hà Nội đều hạn chế cấp túi thuốc B, chỉ cấp 1 liều duy nhất cho F0 có dấu hiệu chuyển nặng uống trước khi chuyển đến bệnh viện.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò Chức năng Hô hấp, Bệnh viện Đại Học Y Dược TP HCM, cho biết, túi thuốc B là những thuốc sử dụng hạn chế trong một số tình huống đặc biệt. Túi thuốc này có thuốc kháng viêm corticoid và thuốc kháng đông, gồm 36 viên dexamethason 0,5 mg, 3 viên rivaroxaban 10 mg (hoặc 6 viên apixaban 2,5 mg). Đây là những loại thuốc đặc trị, bệnh nhân chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.