Sau khi khỏi bệnh, nhiều F0 gặp tình trạng khó tập trung, hay quên. Hãy cùng nghe bác sĩ đưa ra giải đáp xung quanh vấn đề này.
F0 khỏi bệnh bị sương mù não, hay quên
Chia sẻ với Infonet, chị Nguyễn Thanh Phương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết mình là F0 khỏi bệnh từ cuối tháng 2/2022. Tuy nhiên, sau đó chị cảm thấy mình không thể tập trung trong công việc và gặp tình trạng nhớ nhớ quên quên. Hai tuần trước, chị quên hẳn việc con thi giữa kỳ phải nộp bài kiểm tra. Buổi sáng, chị vẫn đi làm bình thường. Tới trưa, giáo viên gọi điện thông báo con chưa nộp bài thì chị mới nhớ ra và phải về nhà để nộp bài tập cho con.
Cuối tuần qua là sinh nhật của chồng nhưng chị không hề nhớ ra và vẫn đi ăn với bạn bè sau khi tan làm. Đến tối, thấy thông báo trong nhóm gia đình sinh nhật chồng chị mới nhớ ra việc này.
Không chỉ một mình chị Phương, nhiều F0 khác cũng gặp tình trạng khó tập trung, hay quên sau khi khỏi bệnh.
Bác sĩ Lâm Hiếu Minh, đơn vị tâm lý – khoa khám bệnh của bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho bết tại phòng khám tâm lý, có nhiều người trẻ là học sinh cấp 3, sinh viên đại học, người đi làm, đặc biệt là nữ giới gặp tình trạng hay quên đến khám tâm lý.
BS Minh cho biết các trường hợp này đều có triệu chứng chung là không thể tập trung, khó ghi nhớ khi học và làm việc. Trước đây, người bệnh có thể tập trung cao độ để nghe giảng, đọc sách, làm việc thì sau khi mắc Covid-19 họ không thể nhớ được những gì mình đã nghe, đã đọc.
Theo BS Minh, đây là các ảnh hưởng trong thời gian cách ly vì Covid-19 ở những người lo lắng quá mức. Để phân biệt tình trạng hay quên hậu Covid-19 có phải là di chứng lên hệ thần kinh hay không, người bệnh phải qua 3 tháng từ khi trở thành F0. Còn người bệnh mắc tình trạng nhớ nhớ quên quên trong một vài tuần sau khi khỏi bệnh thì chủ yếu là do vấn đề tâm lý, việc thay đổi sinh hoạt hoặc người bệnh bị mất ngủ. Khi đó, người bệnh chỉ cần điều chỉnh lại lịch sinh hoạt, ăn uống đầy đủ, ngủ đúng giờ, tập thể dục đều đặn là có thể cải thiện tình trạng này.
Bài tập cho F0 khỏi bệnh gặp tình trạng hay quên
BS Nguyễn Xuân Thy – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết triệu chứng nhớ nhớ quên quên ở F0 khỏi bệnh không có thuốc nào điều trị. Phương pháp chủ yếu là xây dựng lại nhịp sinh học bình thường (ăn ngủ đúng giờ, không thức khuya, tập thể dục) để tăng cường trao đổi chất giúp người bệnh ăn ngon, ngủ ngon. Khi đó, sức khỏe tâm trí cũng sẽ được cải thiện. Bác sĩ cho biết tập thể dục đều đặn 30 phút/ngày có thể giúp phòng ngừa stress và các bệnh lý gây giảm trí nhớ.
Bên cạnh đó, BS Thy cho biết người bệnh có thể thực hiện các bài tập tốt cho trí não như chơi các trò chơi cờ vua, cờ caro, đánh bài, học tiếng Anh, vẽ tranh, chơi nhạc cụ… Phụ nữ có thể đan lát, cắm hoa để tăng cưỡng vận động trí não.
Bác sĩ khuyên người dân không nên để bản thân bị stress vì khi căng thẳng, não sẽ phóng thích rất nhiều chất chống stress. Các chất này có thể gây tổn thương cho não. Stress kéo dài có thể làm tăng tình trạng lo âu, trầm cảm. Đây cũng là một bệnh lý có thể gây ra tình trạng giảm trí nhớ.
Khi rơi vào trạng thái căng thẳng, người dân nên tập hít thở sâu và thư giãn. Nếu cảm thấy mình bị căng thẳng kéo dài, hãy đơn giản hóa cuộc sống, sắp xếp lại công việc, đặt ra các mục tiêu cụ thể và đúng mức mỗi ngày. Thậm chí, trong một số trường hợp, bạn có thể cắt bỏ bớt công việc để giảm căng thẳng.
Khi đang ở trong giai đoạn căng thẳng tâm lý, thời gian biểu làm việc nên giảm lại. Làm 45-50 phút thì nên nghỉ khoảng 5-10 phút. Không nên làm việc liên tục nhiều giờ liên như trước khi bị bệnh.
Ngoài ra, người dân nên duy trì chế độ ăn uống đúng bữa, đúng giờ, uống đủ nước. Một số thực phẩm tốt cho trí não mà bạn nên bổ sung là các loại hạt, trái cây, rau xanh…
BS Minh đưa ra khuyến cáo, với F0 bệnh nặng hoặc người già yếu sau khi khỏi bệnh gặp tình trạng nhớ nhớ, quên quên thì nên đi kiểm tra sức khỏe để các bác sĩ chuyên khoa thần kinh đánh giá xem có phải đang mắc chứng sa sút trí tuệ hay không.