Nhiều người sau mắc COVID có tình trạng ho kéo dài nên đã rủ nhau mua những loại thực phẩm chức năng giúp thanh lọc phổi. Chuyên gia khuyến cáo việc này không cần thiết.
Tiền mất tật mang
Trao đổi với PV về vấn đề trên, BS Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM), cho biết nguyên nhân gây ra các triệu chứng này là:
– Hậu COVID, cơ thể còn đào thải xác virus;
– Bản thân chúng ta có cơ địa dị ứng nên sẽ còn ho;
– Khi chúng ta mắc COVID nhưng bị trào ngược dạ dày, uống nhiều thuốc thì tình trạng này tăng nặng thêm, chúng ta tiếp tục ho do trào ngược;
– Kích thích trung du thần kinh dọc đường hô hấp ở vùng khí quản sẽ gây ra ho.
Theo BS Khanh, việc thanh lọc (rửa) phổi chỉ nên áp dụng với những người trong môi trường hít phải quá nhiều bụi (than, kim loại). Còn về y học, không có bệnh lý nào phải thanh lọc phổi. Nhiễm COVID-19 là do virus, vì thế không phải thanh lọc phổi.
“Một số người mắc COVID-19 thể nặng có dấu vết sẹo hay dãy xơ trên phổi. Những vấn đề này cũng không cần detox phổi mà phải tập thở để tăng khả năng trao đổi khí ở những vùng còn lại không bị xơ. Một số nghiên cứu cho thấy sau 6 tháng những vết xơ này sẽ tự lành”, BS Khanh cho biết.
Đồng quan điểm, Thượng tá, BS Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm oxy cao áp Việt – Nga, Bộ Quốc phòng), cho biết hiện tại nhiều người hay nghe theo những lời “tung hỏa mù” trên mạng, lo sợ hậu COVID-19 nên mua và uống các loại thuốc tăng cường miễn dịch, thuốc bổ phổi, bổ gan… một cách không cần thiết.
BS Hoàng khuyến cáo việc dùng nhiều loại thuốc quá có thể phản tác dụng. Cơ thể không thể nào tiếp nhận được quá nhiều loại thuốc bổ, mà đôi khi thành phần còn giống nhau. Do đó, nếu chưa có dấu hiệu, chưa có triệu chứng gì ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt thường ngày thì mọi người cứ bình tĩnh, đừng để bị lợi dụng kẻo tiền mất tật mang.
“Người bệnh không nên quá kỳ vọng vào các thực phẩm chức năng được quảng cáo có tác dụng bổ phổi, thanh lọc phổi, vì thực chất nó chỉ mang tính chất hỗ trợ. Chưa kể dùng đồng thời nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Nếu có thì chỉ nên dùng một loại có xuất xứ rõ ràng, uy tín”, BS Hoàng nhấn mạnh.
Thực phẩm nên ăn sau mắc COVID-19
Quả lê
Quả lê chứa nhiều chất dinh dưỡng như axit malic, axit citric, carotene, vitamin B1, B2, C… có chức năng hỗ trợ làm sạch phổi tốt. Ăn lê giúp cải thiện tình trạng viêm ở bệnh nhân bị viêm phổi.
Thời điểm tốt nhất để ăn lê là vào buổi sáng và trưa. Nếu ăn vào buổi tối thì không nên lên giường ngủ ngay sau khi ăn lê. Lúc này đường và chất xơ được giải phóng trong cơ thể có thể làm rối loạn chu kỳ giấc ngủ. Ngoài ra, không nên ăn lê khi đói vì chất xơ có thể làm hỏng màng nhầy của cơ thể.
Táo tốt cho phổi sau mắc COVID-19
Táo có nhiều lợi ích cho sức khỏe, một trong những lợi ích sức khỏe của việc ăn táo là tốt cho phổi. Táo là thực phẩm giàu chất chống ôxy hóa, trong đó có một flavonoid chống ôxy hóa là quercetin có tác dụng bảo vệ phổi khỏi tác hại của ô nhiễm không khí và khói thuốc. Quercetin cũng có trong rượu vang đỏ, trà và hành tây.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người ăn 5 quả táo trở lên mỗi tuần cũng giảm bớt nguy cơ phát triển bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Trà xanh
Trà xanh có tác dụng chống ôxy hóa, loại bỏ các độc tố ra khỏi phổi, bảo vệ phổi trước các yếu tố gây bệnh như vi khuẩn, bụi bẩn, hóa chất độc hại… Ngoài ra, lá trà xanh còn có tác dụng phòng chống các bệnh như ung thư phổi, giảm cholesterol trong máu, phòng viêm khớp, tim mạch, truyền nhiễm… Ngoài ra, uống trà xanh còn giảm 74-80% các gốc tự do phá hủy phổi và các tế bào khác sống lâu hơn, trường thọ và khỏe mạnh.
Đặc biệt, chất quercetin có trong trà xanh được ví như chất kháng histamin tự nhiên có khả năng làm chậm quá trình dị ứng trong cơ thể.
Các loại hạt
Các loại hạt như hạt điều, hạt hướng dương, hạt bí, hạnh nhân, quả óc chó cung cấp cho cơ thể một lượng lớn khoáng chất và magie. Đây là những chất thiết yếu có tác dụng làm giãn cơ trơn bao bọc xung quanh các phế quản, từ đó làm giãn phế quản, giúp không khí dễ dàng đi qua đường thở tới các phế nang làm nhiệm vụ trao đổi khí cho hệ hô hấp.
Kết hợp các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, diêm mạch và lúa mì nguyên chất trong chế độ ăn uống có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh phổi mạn tính và cải thiện sức khỏe hô hấp.