Tình trạng hậu Covid-19 có thể khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội.

Các triệu chứng báo hiệu tình trạng hậu COVID-19

Có khoảng 200 triệu chứng liên quan đến hội chứng hậu COVID-19, đặc biệt ở những bệnh nhân đã trải qua điều trị hồi sức tích cực. Tình trạng hậu COVID-19 xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm bệnh với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế.

Người nhiễm COVID-19 sau khi khỏi bệnh vẫn còn đối mặt với hàng loạt triệu chứng và di chứng kéo dài như sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, khớp, rụng tóc, xơ phổi, tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực, rối loạn nội tiết, huyết học bị huyết khối… Có trường hợp xuất hiện rối loạn tiêu hóa (ăn không ngon miệng, chán ăn, đau dạ dày, tiêu chảy…), rối loạn vị giác hoặc khứu giác, phát ban…

haucovid

Người bệnh trong giai đoạn hậu COVID-19 cũng có thể gặp các triệu chứng về tâm thần kinh như rối loạn tâm lý, giảm sự tập trung, lo âu, trầm cảm, bồn chồn, rối loạn giấc ngủ, mau quên, không tập trung. Thường xuất hiện tình trạng não sương mù, nhận thức kém, đọc chậm, giảm trí nhớ ngắn hạn, thay đổi tâm trạng.

Với người có sẵn bệnh nền như bệnh tim mạch, tiểu đường, đặc biệt là hô hấp, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, viêm phế quản mạn… khi COVID-19 xảy ra trên nền bệnh đó có thể khiến tổn thương vốn có của họ trở nên nặng hơn.

Một số người khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19 nghiêm trọng có thể gặp phải các ảnh hưởng xấu tới đa cơ quan hoặc bệnh tự miễn dịch trong một thời gian dài kèm theo các triệu chứng trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Không chỉ biểu hiện bằng các triệu chứng lâm sàng kể trên, người bệnh còn có thể xuất hiện những bất thường cận lâm sàng như tăng men tim kéo dài, rối loạn đường huyết, rối loạn hormon giáp, giảm độ lọc cầu thận; rối loạn chức năng hô hấp (giảm độ khuếch tán phổi, hạn chế dung tích phổi; bất thường hình ảnh học, xơ phổi, giãn phế quản trên CT scan ngực) rối loạn chức năng tâm thất qua siêu âm tim…

Bác sĩ hướng dẫn cách phục hồi di chứng hậu Covid-19 không cần thuốc

Theo BS Huỳnh Tấn Vũ – Bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở 3, TP.HCM, nhiễm Covid-19 và để lại di chứng là điều không ai mong muốn. Dưới đây là một số cách phục hồi di chứng hậu Covid-19 không cần thuốc:

Rèn luyện sức khoẻ tâm thần

Luyện tâm: Người bệnh phải để ổn định tâm trí, xoa dịu căng thẳng, bảo vệ hoạt động của thần kinh trung ương, hãy luyện thư giãn. Thư nghĩa là thư thái, trong người lúc nào cũng thư thái. Giãn nghĩa là nới ra, giãn ra.

Nếu phần gốc trung tâm là vỏ não được thư thái, thì ở phần ngọn là các cơ vân và cơ trơn sẽ giãn ra. Gốc thư thái tốt thì ngọn sẽ giãn tốt, mà ngọn giãn tốt thì sẽ giúp cho gốc thư thái.

Bài tập này được thực hiện nơi yên tĩnh với 3 bước:

Bước 1: Ức chế ngũ quan.

Bước 2: Tự nhủ cho cơ mềm ra, giãn ra; từng nhóm cơ, từ trên mặt xuống dần đến ngón chân, một cách từ từ chắc chắn. Tự nghĩ như sau để giúp bản thân thư giãn: “tay chân tôi nặng và ấm, toàn thân nặng và ấm”.

Bước 3: Tập trung ý chí theo dõi hơi thở ra vào qua mũi 10 lần; thở thật êm, nhẹ, đều, nông. Hãy tập trung ý nghĩ vào mục tiêu theo dõi hơi thở, thở cho đều, hít vào thở ra, nghỉ, hít vào, thở ra, nghỉ… hoặc tập trung vào đếm số cũng được, giúp việc tập trung ý nghĩ càng ngày càng mạnh lên. Có thể đi vào giấc ngủ.

Luyện Thiền: Theo BS Vũ, thiền là sự huấn luyện cho tâm trí, không cho đầu óc chúng ta suy nghĩ lan man mà có chủ đích, để lòng trống không, tâm phẳng lặng không lo sợ, mong cầu điều gì, không để cho những vấn đề lo buồn ảnh hưởng, tác động tới tâm trí. Hay nói cách khác, thiền là một tập hợp các hình thức trạng thái tâm thần để trải nghiệm quá trình nhận thức hoặc ý thức cao hơn thực tại.

Thái độ tích cực trong cuộc sống: ” Người vui thì thì cảnh cũng vui” – Có nhưng sự việc, hoàn cảnh không thay đổi được nhưng góc nhìn thì có thể thay đổi được. BS Vũ khuyên bệnh nhân hãy nhìn nhận mọi thứ tích cực hơn, lạc quan hơn thì cuộc sống sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt, giúp chúng ta vượt qua nghịch cảnh.

Ngủ: Bác sĩ Vũ khuyên người bệnh cần ngủ đủ giấc, đều đặn. Nên ngủ trước 11h đêm, không nên thức khuya chơi game hay đọc báo, chơi điện thoại.

Rèn luyện thể chất

Ăn uống: Theo BS Vũ, các món ăn cần phải thơm ngon, hấp dẫn, nhất là phải đảm bảo đủ dinh dưỡng, sạch sẽ, dễ tiêu hóa, có nhiều vitamin và khoáng chất. Người bệnh cần ăn đa dạng các món ăn với đầy đủ 4 nhóm thực phẩm là bột đường (từ ngũ cốc), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ…), nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả…).

Ăn uống đủ dinh dưỡng giúp cơ thể có năng lượng để hoạt động và mau hồi phục.

Về nước uống, cần uống đủ nước (2-3 lít/ngày tùy theo cân nặng), chia làm nhiều lần trong ngày để cung cấp độ ẩm cho hệ hô hấp. Có thể uống nước lọc hoặc thêm món nước yêu thích như nước cam, sữa tươi, một ly cà phê, một tách trà yêu thích. Ăn uống đủ nhưng không nên quá nhiều. Ăn uống phù hợp không những cải thiện sức khỏe mà còn làm tâm trạng vui vẻ hơn, theo BS Vũ.

Tập luyện: BS Vũ cho biết người bệnh cần chú ý tới sức thở. Tập thở tùy giai đoạn để tăng cường sức khỏe hoặc phục hồi, cải thiện các bệnh lý hô hấp. Muốn đạt được kết quả, người bệnh cần tập thở đúng cách và vận động cơ hoành để có hiệu quả nhất.

Một số động tác thường được sử dụng là thở bốn thời có kê mông và giơ chân; ngồi hoa sen, xem xa xem gần, cầm tạ… Người bệnh có thể thực hiện các biện pháp khác như bơi, ngâm tắm thảo dược. Nếu được, người bệnh nên bơi trong bể bơi hoặc ngâm tắm thảo dược toàn thân 1-2 lần/tuần, BS Vũ khuyến cáo.