Áp lực bài vở mùa thi cử có thể khiến sĩ tử cảm thấy mệt mỏi. Hai bài thuốc bổ não này sẽ giúp các sĩ tử tẩm bổ, tăng cường khả năng hoạt động trí não, học thi tốt hơn.
Canh táo hạt sen
– Thành phần: 50g đại táo, 50g hạt sen trắng, 30g đậu xanh, 50g thịt nạc thăn, 30g mộc nhĩ.
– Cách chế biến: Bạn rửa sạch đại táo, bỏ hạt và ngâm trong nước khoảng 20 phút. Thịt nạc thăn rửa sạch, thái miếng vừa ăn. Sau đó cho các vị thuốc trên vào nồi, đổ 1 lít nước đun sôi rồi cho nhỏ lửa hầm cạn còn 500ml là được. Chia ra ăn 2 lần trong ngày.
Trong Đông y, đại táo có vị ngọt, tính ôn, quy kinh tỳ và vị, có tác dụng bổ trung ích khí, dưỡng huyết an thần. Đại táo có tác dụng bổ khí, bồi bổ cơ thể, giúp cho bệnh nhân tỉnh táo, giảm căng thẳng , đại táo còn làm giảm nhanh quá trình lão hóa, giảm các gốc tự do, giảm đau đầu do căng thẳng.
Hạt sen có chứa chất kiềm, glucocid thơm có tác dụng an thần. Thêm nữa, sau khi ăn hạt sen, tuyến tụy tiết ra chất insulin làm người ta dễ ngủ hơn. Bên cạnh đó, trong hạt sen còn có bộ phận nữa chính là tâm sen (tim sen). Thành phần này cũng được sử dụng trong y học truyền thống châu Á như là một loại thuốc có tác dụng an thần và thanh nhiệt. Theo Đông y, hạt sen có tác dụng trị suy nhược thần kinh, tỳ hư, thận hư, tiêu chảy, di tinh…
Đậu xanh theo Đông y có vị ngọt, tính lạnh, không độc; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Vỏ hạt đậu xanh (còn gọi là lục đậu bì, lục đậu y, lục đậu xác) cũng có vị ngọt, tính lạnh, quy kinh can và phế; chủ trị thanh nhiệt giải thử, chỉ khát, sáng mắt, lợi niệu và giải độc.
Sự kết hợp của hạt sen và đậu xanh mang lại công dụng thanh lợi can nhiệt, kiện tỳ vị giảm lo lắng, an dịu thần kinh, giảm stress.
Thịt nạc thăn là nguồn protein chất lượng cao, chứa đủ nồng độ của tất cả các acid amin thiết yếu.
Mộc nhĩ có vị ngọt nhạt, tính bình; vào phế, vị, thận. Sự kết hợp của mộc nhĩ và thịt nạc giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể, đồng thời làm thông mạch, hạn chế được các cơn đau đầu do co thắt mạch máu não.
Bài thuốc này giúp bồi bổ cơ thể, cung cấp năng lượng cho cơ thể, giảm sự căng thẳng, giảm đau đầu do áp lực.
Óc chó hầm với chân giò
– Thành phần: 300g móng giò lợn, 30g óc chó, 30g kỷ tử, 50g đại táo.
– Cách làm: Rửa sạch các vị thuốc, ninh nhừ, hầm trong 2 giờ và dùng ăn trong ngày. Bài thuốc có công dụng bồi bổ não bộ, định trí ninh tâm, an thần, gảm đau đầu.
Trong Đông y, móng giò lợn có vị ngọt, mặn, tính bình, là vị thuốc có tác dụng bổ huyết, thống nhũ, sinh cơ liền sẹo.
Óc chó có vị ngọt, béo, tính ấm, vào các kinh phế, can, thận. Có tác dụng ôn bổ hạ tiêu, thu nạp thận khí.
Kỷ tử còn có tên gọi khác là câu kỷ tử hoặc địa cốt tử, có vị ngọt, tính bình, không độc; quy kinh can, thận.
Cha mẹ thường xuyên cho con ăn những món bổ não này sẽ giúp sĩ tử giảm bớt lo âu, căng thẳng mỗi mùa thi đến.