Muốn cơm dẻo thơm, bà nội trợ hãy nấu cơm bằng nước nóng và cho thêm 1 trong 3 nguyên liệu dưới đây.
Nấu cơm là việc mà ai cũng làm mỗi ngày. Tuy nhiên, việc nấu như thế nào cho ngon, dẻo thơm lại lâu thiu cũng cần bí quyết.
Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao khiến cơm nhanh thiu do vi khuẩn trong cơm phát triển nhanh. Vì vậy, để cơm được thơm ngon, lâu thiu, bạn cần phải chú ý từ khâu chế biến.
Rửa nồi trước khi nấu
Nhiều người chỉ rửa nồi qua loa trước khi nấu nhưng thực chất đây là việc làm sai cách. Trước khi nấu cơm, bạn nên loại bỏ cơm cũ đã dính ở đáy nồi để đảm bảo vệ sinh và giữ cho cơm mới lâu thiu hơn.
Vo gạo
Để việc nấu cơm giản tiện, nhiều người có thói quen vo gạo ngay trong nồi. Tuy nhiên, đây không phải là cách tốt nhất để vo gạo. Bạn nên vo vào giá để gạn bỏ hết bụi bẩn trước khi nấu.
Bạn nên nhẹ tay khi vo gạo để đảm bảo chất dinh dưỡng được giữ lại. Chỉ cần vo gạo khoảng 2 lần là đủ để loại bỏ bụi bẩn bám bên ngoài.
Sau khi vo gạo, đừng vội nấu cơm ngay. Nếu có thời gian, hãy ngâm gạo trong nước từ 10-20 phút. Cách này giúp gạo hút đủ nước, hạt gạo sẽ nở đều vào dẻo hơn khi nấu.
Nấu cơm bằng nước nóng
Tùy loại gạo mà lượng nước cần dùng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, khi nấu cơm, bạn nên dùng nước nóng.
Nhiều bà nội trợ cho rằng nấu bằng nước lạnh giúp cơm chín từ từ, còn nước nóng sẽ khiến gạo chín không đều. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, nấu cơm bằng nước nóng sẽ tốt hơn, dù bạn sử dụng nồi cơm điện, nấu bằng bếp gas hay bếp củi.
Nước sôi sẽ giúp lớp màng bên ngoài hạt gạo co lại ngay lập tức, tạo thành một lớp bảo vệ giữ cho hạt gạo không bị vỡ nát và lưu lại các chất dinh dưỡng bên trong. Trong khi đó, nước lạnh sẽ làm hạt gạo trương lớn và làm các chất dinh dưỡng bị hòa tan vào nước rồi bay hơi dễ dàng trong quá trình nấu.
Mẹo nấu cơm lâu thiu, dẻo thơm
Để cơm lâu thiu, bạn đừng chỉ dùng nước lã. Hãy cho thêm một trong ba nguyên liệu dưới đây để cơm thơm ngon và giữ được lâu.
Giấm ăn
Khi nấu cơm, bạn chỉ cần cho thêm vài giọt giấm ăn (1,5kg gạo thì dùng 2-3ml giấm ăn). Giấm sẽ giúp cơm trắng và không dễ bị thiu hay chua. Lượng giấm bạn sử dụng rất ít và sẽ bốc hơi trong quá trình nấu nên không cần lo lắng về việc mùi giấm làm ảnh hưởng đến mùi vị của cơm.
Muối
Khi nấu cơm, bạn cũng có thể cho một vài hạt muối để tăng hương vị đậm đà, giúp cơm lâu thiu hơn.
Ngoài ra, khi muốn hâm nóng cơm nguội, bạn có thể trộn cơm với một chút nước muối loãng để cơm đậm vị, giúp cơm thơm ngon như mới nấu.
Rượu
Sau khi vo gạo, bạn có thêm 1-2 thìa rượu nhỏ vào nấu cùng. Cách này sẽ giúp cơm có mùi hấp dẫn, hạt gạo dẻo, dù để nguội vẫn ngon.
Ngoài ra, khi nấu cơm, bạn có thể cho vài giọt dầu ăn (hoặc dầu dừa, dầu olive…) vào nồi ngay từ đầu để hạt cơm có độ bóng mượt, đẹp mắt.
Cách bảo quản cơm nguội
Đối với cơm thừa, bạn nên để cơm nguôi hẳn rồi bỏ vào hộp và đậy nắp kín rồi bỏ vào tủ lạnh.
Nhiệt độ thấp trong ngăn mát sẽ giúp làm chậm quá trình sản sinh vi khuẩn gây hại và giúp cơm lâu hỏng hơn.
Khi muốn sử dụng, bạn chỉ cần lấy cơm ra và hâm nóng trong lò vi sóng khoảng 3 phút là được.