Theo các nhà nghiên cứu, dưới đây là thời điểm bệnh nhân có khả năng phát tán virus cao nhất nếu tương tác với người khác, xét nghiệm sẽ cho kết quả chính xác hơn.

Xét nghiệm Covid-19 vào giữa ngày, kết quả dương tính chính xác sẽ cao gấp 2 lần so với ban đêm

Nghiên cứu mới từ Đại học Vanderbilt (Mỹ) khẳng định nếu làm xét nghiệm Covid-19 vào giữa ngày, kết quả dương tính chính xác sẽ cao gấp 2 lần so với ban đêm. Nếu làm xét nghiệm sau 20 giờ tối, nguy cơ âm tính giả sẽ cao, dẫn đến nguy cơ bỏ sót ca bệnh.

Công trình này được cho là rất có ý nghĩa trong bối cảnh các dạng test nhanh đang ngày một phổ biến. Test nhanh vốn kém nhạy hơn test RT-PCR, nhưng nhanh gọn, ít tốn kém hơn, có thể tự thực hiện và đặc biệt ý nghĩa ở những nơi xảy ra lây nhiễm cộng đồng diện rộng. Cải thiện độ nhạy của test nhanh là điều nhiều cơ quan y tế khắp thế giới quan tâm.

photo-1640699204615-16406992049541415936421

Trong bài công bố vừa đăng tải ngày 26-10 trên tạp chí khoa học Journal of Biological Rhythms, nhóm tác giả dẫn đầu bởi giáo sư Carl Johnson (tổ chức Cornelius Vanderbilt, thuộc Đại học Vanderbilt), phó giáo sư Candace McNaughtion và phó giáo sư Thomas Lasko (Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt) cho biết các dữ liệu mới của họ ủng hộ giả thuyết từ lâu rằng Covid-19 hoạt động khác nhau trong cơ thể vào các thời điểm, dựa trên nhịp sinh học tự nhiên, điều cũng xảy ra với nhiều bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn vì virus khác.

Theo Medical Xpress, các tác giả nhận ra rằng quá trình các tế bào bị nhiễm bệnh giải phóng các phần tử virus lây nhiễm vào máu và chất nhầy dường như hoạt động mạnh hơn vào giữa ngày, do sự điều chỉnh của hệ thống miễn dịch theo đồng hồ sinh học của chúng ta.

“Thực hiện test Covid-19 vào thời điểm tối ưu trong ngày sẽ cải thiện độ nhạy của test, giúp chẩn đoán chính xác hơn những người nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng” – Giáo sư Johnson cho biết. Người bệnh không triệu chứng, theo các nghiên cứu, thường có tải lượng virus khá thấp nên có thể khó nhận diện qua các loại test nhanh có độ nhạy không cao vào giai đoạn đầu và cuối của bệnh, khi mức virus chưa kịp tăng cao hoặc khi đã giảm bớt.

Điều này không chỉ cho thấy thời điểm từ qua trưa đến chiều là thuận lợi cho việc lấy mẫu xét nghiệm, mà còn cho thấy đó là thời điểm bệnh nhân có khả năng phát tán virus cao nhất nếu tương tác với người khác. Do vậy, phát hiện mới có thể giúp tối ưu hóa hiệu quả các chiến lược xét nghiệm lẫn các chiến lược phòng ngừa.

2 trường hợp cần xem xét thời gian thực hiện xét nghiệm sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh gồm:

– Với người chưa tiêm vaccine: thời gian sớm nhất có thể cho ra kết quả dương tính trong khoảng 24 đến 48 giờ.

– Với người đã tiêm vaccine: khoảng thời gian xét nghiệm dương tính từ 5 đến 7 ngày tính từ thời điểm tiếp xúc với mầm bệnh.

– Với những người có triệu chứng, nếu xét nghiệm với bộ test nhanh kháng nguyên có kết quả âm tính thì cần phải xét nghiệm lần 2 vào khoảng 24 đến 48 giờ sau đó. Nếu tiếp tục cho kết quả âm tính thì cần phải xét nghiệm RT-PCR.

Trong lúc chờ xét nghiệm, người dân dù tiêm hay chưa tiêm vaccine vẫn cần tự cách ly, tránh tiếp xúc, đảm bảo quy tắc 5K để không lây bệnh cho người khác. Vaccine hiện tại dù đạt hiệu quả cao nhưng không loại trừ hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm. Một người nhiễm dù không triệu chứng nhưng vẫn có thể lây cho người khác.

6 bước thực hiện test nhanh

1. Trước khi lấy mẫu: Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng test nhanh của nhà sản xuất. Người lấy mẫu thực hiện vệ sinh, sát khuẩn tay.

2. Chuẩn bị lấy mẫu:

Lấy khay thử ra khỏi túi đựng và sử dụng càng nhanh càng tốt trong vòng 1 giờ. Đặt khay thử trên bề mặt phẳng sạch nằm ngang. Lấy que ngoáy tỵ hầu ra khỏi túi và tiến hành thu thập mẫu xét nghiệm.

3. Lấy mẫu bệnh phẩm (Lưu ý: bệnh phẩm được lấy không đúng cách sẽ cho kết quả không chính xác)

a) Lấy mẫu dịch tỵ hầu (đối với các bộ kit test yêu cầu lấy mẫu dịch tỵ hầu)

Tư thế ngồi lấy mẫu: Ngồi yên, xì nhẹ dịch mũi vào khăn giấy, đầu nghiêng về phía sau một góc 70 độ. Đối với trẻ nhỏ: đặt ngồi trên đùi của cha/mẹ, lưng của trẻ đối diện với phía ngực cha/ mẹ. Cha/mẹ cần ôm trẻ giữ chặt cơ thể và tay trẻ. Yêu cầu cha/mẹ ngả đầu trẻ ra phía sau.

– Cầm que lấy mẫu đưa nhẹ nhàng vào mũi, vừa đẩy vừa xoay giúp que lấy mẫu đi dễ dàng vào sâu 1 khoảng bằng ½ độ dài từ cánh mũi đến dái tai cùng phía.

– Giữ que lấy mẫu tại chỗ lấy mẫu trong vòng 5 giây để đảm bảo dịch thấm tối đa. Từ từ xoay và rút que lấy mẫu ra và cho vào ống đã chứa sẵn đệm chiết mẫu.

Lưu ý: Nếu chưa đạt được độ sâu ½ bằng chiều dài từ cánh mũi đến dái tai cùng phía mà cảm thấy có lực cản rõ thì rút que lấy mẫu ra và thử lấy mũi bên kia. Khi cảm thấy que lấy mẫu chạm vào thành sau họng mũi thì dừng lại, xoay tròn rồi từ từ rút que lấy mẫu ra.

b) Lấy mẫu dịch mũi (đối với các bộ kit test yêu cầu lấy mẫu dịch mũi)

Tư thế người được lấy mẫu giống như lấy mẫu dịch tỵ hầu.

– Cầm que lấy mẫu nhẹ nhàng đưa vào mũi sâu khoảng 2 cm, xoay que lấy mẫu vào thành mũi trong khoảng 3 giây.

– Sau khi lấy xong 1 bên mũi thì dùng đúng que lấy mẫu này để lấy mẫu với bên mũi còn lại và thao tác như lỗ mũi thứ nhất. Nhẹ nhàng xoay và rút que mẫu ra rồi cho vào ống đã chứa sẵn đệm chiết mẫu.

4. Tách chiết mẫu:

– Nhúng đầu que lấy mẫu vào ống chiết. Xoay và miết đầu que vào thành và đáy ống 10 lần.

– Để đầu que ngâm trong dung dịch 1 phút. Bóp 2 thành ống ép vào đầu que. Từ từ xoay que và ép đầu que khi rút để thu dịch càng nhiều càng tốt. Đậy chặt ống bằng nắp nhỏ giọt.

– Lắc mạnh ống theo chiều ngang 10 lần để trộn đều mẫu. Tránh để dung dịch chạm tới đầu lọc trong nắp nhỏ giọt. Nhỏ 3 giọt mẫu chiết từ ống vào ô nhận mẫu (S) của khay thử và bắt đầu đếm thời gian.

5. Đọc kết quả:

Tùy theo hướng dẫn của từng loại sinh phẩm thời gian đọc kết quả khác nhau. Thông thường thời gian đọc kết quả từ 15-30 phút. Không được đọc kết trước hoặc sau thời gian quy định của hướng dẫn sinh phẩm.

Kết quả Âm tính: Chỉ xuất hiện vạch chứng C (vạch đỏ).

Kết quả Dương tính: Xuất hiện cả vạch chứng C và vạch kết quả T.

Kết quả không có giá trị: Cả vạch chứng C và vạch kết quả T không xuất hiện hoặc chỉ xuất hiện vạch kết quả T.

Người dân cần lưu ý, nếu vạch chứng C không xuất hiện có thể do thiếu mẫu hoặc khay thử bị hỏng. Lúc này, phải thực hiện lại test thử xét nghiệm hoặc liên hệ với cơ quan y tế để được tư vấn hỗ trợ.

6. Thu gom và xử lý vật liệu xét nghiệm đã sử dụng:

Tất cả các vật liệu xét nghiệm đã qua sử dụng được xem như là chất thải lây nhiễm, cần thu gom và xử lý đúng quy định. Rác thải được thu gom vào túi màu vàng, buộc chặt miệng túi và cho vào một túi màu vàng khác, tiếp tục buộc chặt miệng túi.

Các túi màu vàng đều phải dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”, để nơi cố định và thông báo cho đơn vị chức năng tại địa phương thu gom, xử lý theo quy định đối với chất thải lây nhiễm. Không cho chung các vật liệu xét nghiệm đã qua sử dụng vào rác thải sinh hoạt thông thường.