Những hướng dẫn giúp mẹ bầu vượt qua giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, có phương pháp chăm sóc và điều trị bệnh hợp lý khi mắc Covid-19.

Trong quá trình mang thai, sức khỏe cũng như chế độ dinh dưỡng của người mẹ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của thai nhi trong bụng. Do đó, việc nhiễm nCoV khiến không ít bà bầu lo lắng, căng thẳng.

Theo bác sĩ Lê Thị Vân Trang, khoa Phụ sản, Bệnh viện Quân Y 103, trong thời gian nhiễm virus, việc chăm sóc cơ thể để tránh bệnh trở nặng, nguy hiểm tới tính mạng của cả mẹ và con là rất quan trọng.

Bác sĩ đưa ra một vài hướng dẫn dưới đây nhằm hỗ trợ các mẹ bầu vượt qua giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, có phương pháp chăm sóc và điều trị bệnh hợp lý khi mắc Covid-19.

mebauf0

8 điều thai phụ cần làm để bảo vệ bản thân

– Chích ngừa vắc-xin Covid-19 đầy đủ và đúng hạn.

– Che miệng khi ho, hắt hơi.

– Tránh không gian thông khí kém và nơi đông người.

– Vệ sinh và khử trùng thường xuyên.

– Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và nơi công cộng.

– Giữ khoảng cách 2 mét với người khác.

– Rửa tay thường xuyên (bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn).

– Theo dõi sức khỏe hàng ngày: Cảnh giác với các triệu chứng ho, sốt hoặc biểu hiện của Covid-19.

Một số lưu ý khác cho thai phụ trong dịch Covid-19

– Duy trì chế độ lành mạnh, đủ chất: Chọn mua thực phẩm cần thiết, tự chuẩn bị bữa ăn, uống 2-3 lít nước mỗi ngày. Không nên dự trữ quá nhiều thức ăn, tránh xa cà phê và đồ uống có cồn, không ăn thực phẩm sống.

– Bà bầu cần theo dõi sát thân nhiệt. Nếu cơ thể sốt, người bệnh có thể hạ sốt bằng cách chườm ấm và uống thuốc hạ nhiệt.

– Theo dõi SpO2 ít nhất 2 lần một ngày. Chỉ số SpO2 nếu thấp dưới 94% là dấu hiệu cần nhập viện, đồng nghĩa với tình trạng của thai nhi cũng bị nguy hiểm.

– Rèn luyện thể lực đều đặn, không tập quá sức gây nên mệt mỏi.

– Khám thai định kỳ để luôn bảo đảm sức khỏe.

– Không nên sử dụng tùy tiện và cần có chỉ dẫn cụ thể của y, bác sĩ, nhân viên y tế.

– Sản phụ cần uống đủ nước, khoảng 40ml/kg mỗi ngày. Tuy nhiên, việc tham khảo ý kiến bác sĩ trên từng bệnh nhân cụ thể là cần thiết, đặc biệt bệnh nhân tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật… Người bệnh cũng cần nghỉ ngơi, thư giãn, tập luyện nhẹ nhàng.

Hãy luôn thực hiện tốt quy tắc 5K trong mùa dịch để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ bầu và thai nhi.

Những trường hợp cần đến viện theo dõi, điều trị

Mẹ bầu cần nhập viện ngay khi có triệu chứng khó thở, tần số thở lớn hơn 20 lần/phút và (hoặc) SpO2 nhỏ hơn 96%); cảm giác tức ngực, thở gắng sức; chân tay lạnh. Người bệnh sốt trên 38,5 độ dù đã dùng thuốc hạ sốt nhưng khó hạ; sốt kéo dài quá 3 ngày không hạ; ăn uống kém, chán hoặc bỏ ăn không rõ nguyên nhân; buồn nôn, nôn nhiều (4 lần một giờ hoặc 6 lần trong 4 giờ); đi ngoài kéo dài không cầm, nguy cơ mất nước. Ho kéo dài, khó cắt cơn ảnh hưởng tới ngủ nghỉ, thai nhi dù dùng các biện pháp không đỡ.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai thấy các biểu hiện bất thường thai kỳ cũng cần đến viện theo dõi như: dấu hiệu chuyển dạ (đau bụng thành cơn, mỗi cơn trên 20 giây, trong 10 phút có trên 2 cơn gò; cơn gò tử cung xuất hiện tăng dần, mạnh dần, gây đau; tình trạng ra máu âm đạo, bong nút nhầy, ra nước); ra máu âm đạo bất thường, đau bụng vùng hạ vị; cử động thai ít so với mức bình thường (ít hơn 4 cử động thai/10 phút) cần sớm nhập viện để được khám, đánh giá.