Theo quan niệm dân gian, vào ngày vía Thần Tài, mọi người thường sắm lễ tạ dâng Thần Tài và xin lộc may mắn đầu năm. Tuy nhiên, có những điều kiêng kỵ cần tránh để gia chủ và công việc làm ăn được thuận buồm, xuôi gió.
Không dùng đèn nháy hay bóng đèn điện thay cho đèn dầu, nến
Trong ngày cúng Vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng, việc dùng đèn nháy, đèn điện thay cho nến hay đèn dầu là điều kiêng kỵ. Bởi lẽ bóng đèn điện hay đèn nháy, có thể sinh ra những trường khí không tốt ảnh hưởng đến việc thờ cúng cho nên cần tuyệt đối tránh.
Không để ban thờ Thần Tài lộn xộn, bụi bặm
Nhiều người tìm hiểu sự tích về Thần Tài, có những tích kể về Thần Tài xuất thân lôi thôi, luộm thuộm, ăn mặc rách rưới, và có những tài liệu nói rằng ban thờ Thần Tài để càng bụi càng… có lộc. Những điều này đều sai cả.
Ban thờ Thần Tài không nên để hương tàn khói lạnh, đặc biệt trong ngày vía Thần Tài. Ban thờ cần được lau chùi, dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ. Trước khi dâng lễ vật để cúng, gia chủ cần bài trí lại ban thờ Thần Tài cho đúng thứ tự. Không phải bày càng nhiều thì sẽ càng có lộc. Ngược lại, quá nhiều vật phẩm phong thuỷ hoặc lễ vật tiến dâng cùng lúc sẽ gây lộn xộn, điều này cũng không chứng tỏ được lòng thành của gia chủ.
Không treo ban thờ Thần Tài trên cao
Bàn thờ Thần Tài không được treo trên cao mà phải đặt dưới đất để nạp được địa khí. Mặc dù, ban thờ Thần Tài đặt dưới đất nhưng không được để nơi khuất, không được để bẩn thỉu, thiếu trang nghiêm.
Thông thường, ban thờ Thần Tài được đặt gần cửa chính, lưu ý không được đặt gần nhà vệ sinh, nhà bếp, nhà tắm, cống thoát nước và những nơi ô uế. Tượng vị Thần Tài và Thổ Địa đặt hai bên ban thờ. Từ ngoài nhìn vào sẽ thấy Thần Tài bên trái, Thổ Địa bên phải. Bát nhang đặt giữa ban thờ, không được xê dịch. Nhiều người dính cố định ngay bát hương từ lúc lập ban thờ.
Phía trước bát nhang là bộ kỷ 5 chén hoặc 3 chén. Bên cạnh hai phía là hũ gạo, hũ nước, hũ muối. Nhiều gia đình cũng đặt thêm tượng Phật Di Lặc, Mèo Thần Tài, tượng Thiềm Thừ. Nếu đặt tượng Phật Di Lặc thì đặt bên trên ban thờ, tượng Mèo Thần Tài ở bên phải, tượng Thiềm Thừ đặt bên trái, ban ngày quay ra ngoài, đêm xuống quay vào trong.
Không cúng Thần Tài ngoài trời
Ban thờ Thần Tài đặt ở đâu thì mâm cúng lễ đặt tại đó. Không được dâng lễ vật cúng ngoài sân hay trước cửa. Cúng Thần Tài là lễ nghi thực hiện tại gia, cửa hàng, công ty, nơi làm ăn buôn bán chứ không thực hiện ở đình chùa, miếu mạo.
Không ăn mặc hở hang, váy ngắn đọc văn khấn
Khi tiến hành cúng lễ và đọc văn khấn, gia chủ không được ăn mặc hở hang, váy ngắn, áo trễ cổ, quần đùi. Mà trước khi hành lễ cần nghiêm cẩn, đầu tóc gọn gàng, ăn vận lịch sự để thể hiện sự tôn kính với các vị thần.
Không đem lộc cúng vía Thần Tài cho người ngoài
Nhiều nhà có thói quen sau khi thắp hương cúng lễ xong xuôi sẽ chia lộc, tán lộc cho người khác. Tuy nhiên, lộc trong ngày này mà chia cho người ngoài tức không phải người thân của mình sẽ bị tiêu tán hết.
Muối gạo sau khi cúng lễ, các bạn nên cất đi, còn nước thì đứng hắt từ ngoài vào trong nhà mình, ngụ ý tài lộc chỉ đi vào nhà chứ không đi ra, giữ nguyên tài lộc cho gia đình.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện nghi lễ cúng vía Thần Tài các bạn cần thành tâm bái thỉnh tránh để xảy ra sơ suất đổ vỡ để lễ cúng được diễn ra một cách suôn sẻ khởi đầu cho năm mới tài lộc thịnh vượng.
Kiêng nói tục, chửi bậy, xô xát
Trong ngày làm lễ cúng vía Thần Tài, đặc biệt là trong, trước và sau khi cúng lễ, các bạn lưu ý chớ sinh sự gây chuyện cãi vã, nói lời thô tục, bậy bạ, đánh chửi, mắng mỏ nhau.
Bởi lẽ gia đạo bất an, thần linh quở phạt khiến cho việc làm ăn thất bát, tài lộc tiêu tán hết.
* Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo.